Thế giới

Triều Tiên phóng tên lửa đo lường giới hạn của ông Donald Trump?

07/03/2017, 08:55
image

Những lý do nào thôi thúc chính quyền Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ bắn tên lửa đạn đạo...

13

Tên lửa K-08 của quân đội Triều Tiên

Những lý do nào thôi thúc chính quyền Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ bắn tên lửa đạn đạo, bất chấp những quan ngại của cộng đồng quốc tế và những phản ứng gay gắt, thậm chí là đe dọa từ các quốc gia trong trục quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn?

Theo hãng tin Reuters, sáng sớm 6/3, quân đội Triều Tiên bất ngờ phóng 4 quả tên lửa đạn đạo về phía Đông Bắc của biển Nhật Bản. Các tên lửa sau đó đã rơi xuống khu vực biển nằm cách vùng duyên hải ở phía Tây Bắc lãnh thổ Nhật khoảng 300km.

Những tên lửa được Triều Tiên tiếp tục bắn đi khi chỉ gần 1 tháng trước đó, Bình Nhưỡng cũng đã phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm trung từ căn cứ không quân Banghyon thuộc tỉnh Bắc Pyongan về phía Đông cũng hướng ra biển Nhật Bản.

Lý do thúc đẩy Bình Nhưỡng bắn tên lửa

Ngay sau khi vụ bắn tên lửa được truyền thông Hàn Quốc loan báo, nhiều nhà quan sát cho rằng, động cơ để Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa này là để phản đối cuộc tập trận quy mô lớn vừa được liên quân Mỹ - Hàn kích hoạt trên bán đảo Triều Tiên.

Bình Nhưỡng từ lâu luôn cáo buộc rằng, các cuộc diễn tập của Mỹ - Hàn là hoạt động tập dượt cho các kế hoạch phát động chiến tranh xâm lược. Trước đó, khoảng 1 tuần, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Triều Tiên đã lên tiếng cảnh báo rằng, nước này chắc chắn sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả.

Ngoài việc phản đối các cuộc phô diễn và tuyên truyền sức mạnh quân sự của Washington và Seoul, Triều Tiên cũng muốn chứng minh sức mạnh để cộng đồng quốc tế biết rằng, nước này luôn chuẩn bị mọi khả năng, sẵn sàng huy động tất cả vũ khí đang sở hữu đáp trả các hành động mà Bình Nhưỡng cho là có thể sẽ vượt quá giới hạn.

Bên cạnh đó, chính quyền Bình Nhưỡng cũng muốn đo lường giới hạn của Mỹ, cụ thể là Tổng thống Donald Trump, bởi ông chủ Nhà Trắng mới vừa lên nắm quyền được khoảng 2 tháng, người gần đây mới tuyên bố rằng, ông coi Triều Tiên là một trong những mối đe dọa chính đối với nước Mỹ.

Cách đây không lâu, Tổng thống Donald Trump đã có lời kêu gọi Trung Quốc gia tăng sức ép để buộc Triều Tiên phải từ bỏ các chương trình phát triển vũ khí chiến lược mà Mỹ cho là có thể được sử dụng để bắn các đầu đạn hạt nhân.

Trong một động thái được xem là để hưởng ứng lời kêu gọi của ông Trump, chính quyền Trung Quốc đã ban lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung vào hồi tháng 2 vừa qua. Lệnh cấm bất ngờ từ phía Trung Quốc đã khiến Triều Tiên hết sức tức giận, thậm chí, hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên KCNA còn lên án việc làm này của Bắc Kinh là “vào hùa với phương Tây”.

Xem thêm video:

Chưa xác định chính xác loại tên lửa

Sau khi phát hiện Triều Tiên tiến hành bắn 4 tên lửa đạn đạo, quân đội Hàn Quốc cũng chưa xác định được chính xác loại tên lửa mà Bình Nhưỡng đã khai hỏa. Bộ Tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc nói rằng, nhiều khả năng các tên lửa được Triều Tiên bắn đi không phải là các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và chúng không không thể vươn tới các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. Lực lượng trinh sát radar của Hàn Quốc cho rằng, tên lửa đã bay khoảng 1.000km và có thể vươn đến độ cao tối đa 260km.

Báo Reuters của Anh trích dẫn nhận định của biên tập viên Joshua Pollack, người chuyên theo dõi mảng an ninh và phi hạt nhân cũng cho rằng, tên lửa lần này của Triều Tiên không phải tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. “Có lẽ đó là các tên lửa đạn đạo tầm gần hoặc tầm trung vốn đã từng được Bình Nhưỡng bắn trong quá khứ. Lần này, có thể chúng được bắn đi từ một cuộc tập trận”, ông Pollack nói.

Cũng theo Reuters, các quan chức Nhà Trắng khi nói trong điều kiện giấu tên với họ cũng đưa phỏng đoán cho rằng, “không có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”.

Quân đội Mỹ thông báo rằng, họ phát hiện và theo dấu các tên lửa được Triều Tiên phóng đi, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng không tạo ra mối đe dọa nào cho các vùng lãnh thổ của Mỹ”.

Trong khi đó, báo Ria Novosti của Nga cho rằng, “vụ phóng tên lửa này là cuộc thử nghiệm của một tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 hoặc KN-14. Loại tên lửa này có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ”.

Phản ứng của các bên

Sáng 6/3, sau khi nhận được thông tin về sự việc, chính quyền Nhật Bản đã ngay lập tức lên án hành động bắn 4 tên lửa của Triều Tiên vào sáng sớm cùng ngày. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố rằng, vụ việc này là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Nhật Bản, đồng thời cho biết, Tokyo cực lực lên án hành động của Bình Nhưỡng.

Thủ tướng Nhật Bản cho biết thêm rằng, các bên liên quan đang tiếp tục thu thập thêm thông tin về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên còn cá nhân ông dự định sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức ngay một cuộc họp khẩn để bàn về vụ việc.

Theo thông tấn Nga Tass, một quan chức khác của Nhật Bản là Thư ký văn phòng Thủ tướng Nhật Abe, ông Yoshihide Suga đã thông báo rằng, 3 trong 4 tên lửa của Bình Nhưỡng đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 6/3, Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin và người đồng cấp Mỹ M.R. McMaster đã có cuộc điện đàm về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết trong cuộc điện đàm nhanh kéo dài 15 phút, Mỹ - Hàn đã nhất trí mở rộng các mối quan hệ song phương để đưa ra những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn với Triều Tiên.

Ông Kim Kwan-jin đã thông báo sẽ sớm tới Mỹ để hội đàm trực tiếp với ông McMaster và thảo luận sâu hơn về các biện pháp đối phó với những động thái khiêu khích của Triều Tiên.

Tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc tạm quyền Hwang Kyo-ahn cũng đã lên tiếng phản đối việc làm của Triều Tiên, đồng thời cho rằng, việc phóng tên lửa đã tạo ra mối đe dọa trực tiếp cho cộng đồng quốc tế. Ông Hwang Kyo-ahn cho biết thêm rằng, Hàn Quốc chắc chắn sẽ triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD để đảm bảo an ninh dù Trung Quốc có phản đối thế nào đi nữa.

Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố: “Mỹ lên án mạnh mẽ các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Hành động này đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vốn kiên quyết cấm Triều Tiên tiến hành các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.