Hạ tầng

Trình Bộ Chính trị báo cáo XHH đầu tư hạ tầng hàng không

26/05/2015, 05:21

Bộ GTVT vừa báo cáo Bộ Chính trị về đề án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.

xa họi hoa hang khong
Bộ trưởng Thăng vừa trình Bộ Chính trị Báo cáo về xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không

 7 nguyên tắc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không

Theo Bộ GTVT, đến thời điểm hiện nay, hành lang pháp lý cho việc kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng hàng không cơ bản đã được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhà đầu tư và Người sử dụng trên cơ sở bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng, an toàn và an ninh hàng không, chống cạnh tranh không lành mạnh.

Văn bản báo cáo Bộ Chính trị do Bộ trưởng Đinh La Thăng ký nêu rõ việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không được Bộ GTVT triển khai phải đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước trong tất cả các hoạt động hàng không theo quy định của pháp luật không được chuyển giao. Theo đó, Nhà nước nắm giữ tất cả hoạt động liên quan đến đảm bảo an ninh, quốc phòng, quản lý, bảo vệ vùng trời (do Bộ Quốc phòng thực hiện), quản lý khai thác vùng trời, đường hàng không (do Bộ GTVT thực hiện), cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (TCT Quản lý bay VN là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, không cổ phần hóa), quản lý phí chuyên ngành hàng không (do Bộ Tài chính thực hiện), quản lý giá dịch vụ hàng không (do Bộ GTVT thực hiện). Doanh nghiệp chỉ được quản lý, sử dụng hay nhượng quyền trong phạm vi quyền khai thác của doanh nghiệp đối với những dịch vụ thuộc lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ; đồng thời trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có quyền trưng mua, trưng dụng tài sản của các doanh nghiệp để phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh, quốc phòng theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.  

Nguyên tắc thứ hai là nhà nước thống nhất sở hữu đất đai. Cảng vụ hàng không được Nhà nước giao nắm giữ quyền sử dụng đất cảng hàng không, sân bay. Doanh nghiệp được quản lý, sử dụng hay nhượng quyền chỉ có quyền thuê đất, sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch được phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Những hạng mục kết cấu hạ tầng sân bay sử dụng kết hợp quân sự - dân sự nằm trong thế trận phòng thủ quốc gia hoặc có vai trò đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng, công trình cung cấp dịch vụ không lưu, thông báo tin tức hàng không, tìm kiếm, cứu nạn, quản lý luồng không lưu không được chuyển giao hoặc chuyển nhượng.

Nhà đầu tư có trách nhiệm đảm bảo vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng, tổ chức kinh doanh, thực hiện kế hoạch đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng đang quản lý phù hợp với quy hoạch của Nhà nước, duy trì chức năng, tiêu chuẩn khai thác theo quy định, tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng khi có yêu cầu. Nhà đầu tư phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện và yêu cầu về cơ sở hạ tầng phục vụ cho cơ quan Nhà nước thực thi công vụ (xuất nhập cảnh, an ninh, hải quan, y tế, kiểm dịch...).

Có 5 hình thức xã hội hóa trong đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không gồm hình thức đầu tư PPP; Nhượng quyền khai thác; Chuyển nhượng doanh nghiệp; Cho Nhà đầu tư thuê đất để xây dựng các công trình cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam liên kết với các đối tác để đầu tư và cuối cùng là việc cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Nguyên tắc thứ năm phải kể đến là việc đầu tư hoặc nhượng quyền khai thác phải được định giá, tính toán phương án tài chính và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Việc lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, Nhà đầu tư và Người sử dụng (không làm thất thoát tài sản Nhà nước, Nhà đầu tư có lợi nhuận ở mức hợp lý, Người sử dụng được sử dụng dịch vụ tốt hơn với giá cả hợp lý). Đối với hình thức nhượng quyền thì phương án nhượng quyền, giá trị tài sản, giá nhượng quyền, kết quả lựa chọn tổ chức nhận nhượng quyền phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Cuối cùng, việc quản lý, sử dụng hay nhượng quyền đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của các doanh nghiệp khác đã được Nhà nước cấp phép; không dẫn đến độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Việc chuyển nhượng của các nhà đầu tư phải được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

“Các nguyên tắc cơ bản nêu trên cũng như trình tự, thủ tục thực hiện việc đầu tư hay nhượng quyền đã được Bộ GTVT nghiên cứu, đưa vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay đang trình Chính phủ ban hành” – Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

2 phương án nhượng quyền khai thác CHK Phú Quốc

Văn bản do Bộ trưởng Đinh La Thăng ký báo cáo Bộ Chính trị cũng nêu rõ cơ sở lựa chọn Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc (CHKQT) để thực hiện thí điểm là do đây là CHK được TCT Cảng Hàng không VN (ACV) đầu tư bằng 100% nguồn vốn doanh nghiệp; Quy mô không quá lớn và đã hoàn thành, đưa vào khai thác; Không có căn cứ quân sự và không có hoạt động quân sự thường xuyên.

Ngoài ra, Phú Quốc là địa bàn tiềm năng phát triển du lịch; dự án hấp dẫn đầu tư vì tốc độ tăng trưởng hành khách hàng năm cao và ổn định (năm 2014 đạt khoảng 1triệu hành khách, tăng trưởng 46,4% so với năm 2013).

Bộ GTVT đề xuất 2 phương án nhượng quyền khai thác CHKQT Phú Quốc.

Phương án 1 là nhượng quyền cho Nhà đầu tư vận hành khai thác toàn bộ cảng hàng không, trừ những hạng mục mà Nhà nước cần nắm giữ theo các nguyên tắc đã nêu trên.

Phương án 2 - chỉ nhượng quyền cho Nhà đầu tư vận hành khai thác nhà ga; ACV vẫn quản lý vận hành khu bay. Tuy nhiên, theo phương án này thì hàng năm, ACV phải bù lỗ do doanh thu khu bay không đủ chi phí duy tu, vận hành.

“Bộ GTVT sẽ xây dựng đề án chi tiết, phân tích, lựa chọn hình thức phù hợp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay.

Trước đó, ngày 12/5 vừa qua, Bộ GTVT đã báo cáo Thường trực Chính phủ về Đề án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không và việc triển khai thí điểm nhượng quyền khai thác CHKQT Phú Quốc.

Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không để lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét; đồng thời xây dựng Đề án thí điểm nhượng quyền khai thác CHKQT Phú Quốc để trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Về lộ trình thực hiện, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xây dựng kế hoạch triển khai. Trong đó, tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng và ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để có được hành lang pháp lý phù hợp. Chỉ đạo các cơ quan liên quan, lựa chọn Tư vấn xây dựng đề án thí điểm.

Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, so sánh và lựa chọn hình thức nhượng quyền phù hợp trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành, tham vấn các nhà đầu tư tiềm năng. Xây dựng phương án tài chính đảm bảo tính khả thi của hình thức nhượng quyền khai thác trên cơ sở tính toán theo quy định, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và lợi ích của Nhà đầu tư. Xây dựng phương án khai thác tại các công trình được nhượng quyền trên nguyên tắc đảm bảo tính liên tục và bình đẳng, công bằng giữa các đơn vị có nhu cầu khai thác dịch vụ tại cảng hàng không-sân bay.

Trong lộ trình này, Bộ GTVT triển khai xây dựng phương án để đàm phán với Nhà đầu tư được nhượng quyền trên nguyên tắc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đang làm việc tại cảng hàng không.

“Trước mắt chỉ thí điểm nhượng quyền khai thác cho Nhà đầu tư trong nước. Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm sẽ tiến hành đánh giá, tổng kết mới triển khai nhân rộng” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến việc triển khai đề án này, sau khi được chấp thuận chủ trương thí điểm nhượng quyền khai thác CHKQT Phú Quốc, căn cứ vào tiến độ cổ phần hóa Công ty mẹ ACV, Bộ GTVT sẽ thực hiện điều chỉnh phương án cổ phần hóa Tổng công ty theo quy định của pháp luật.

Được biết, hiện tại có 2 nhà đầu tư trong nước gồm ông bầu bóng đá Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Tập đoàn T&T và “vua” hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn, người đứng đầu Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) đã có văn bản gửi Bộ GTVT bày tỏ sự quan tâm, mong muốn được nhượng quyền khai thác CHK Phú Quốc.

Trên cơ sở các nguyên tắc của việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, căn cứ vào Quy hoạch lĩnh vực hàng không, nhu cầu vận tải, khả năng bố trí nguồn lực đầu tư, Bộ GTVT xây dựng danh mục dự kiến các dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa để thực hiện kêu gọi tham gia đầu tư từ các thành phần kinh tế.

Danh mục bao gồm các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thành lập công ty cổ phần đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh, cho thuê đất để đầu tư xây dựng công trình (08 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 56.200 tỷ đồng), các dự án nhượng quyền khai thác (03 dự án). Danh mục các dự án này sẽ được lấy ý kiến các Bộ, ngành và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.