Điện ảnh

Trò chuyện với nhân vật bị ghét nhất trong "Về nhà đi con"

12/06/2019, 07:00

Diễn viên Trọng Hùng (Khải trong “Về nhà đi con”) cho biết, những người đàn ông cộc cằn, gia trưởng như Khải không khó tìm trong XH Việt Nam.

img
Trọng Hùng ngoài đời rất vui tính, nhẹ nhàng chứ không thô lỗ, gia trưởng như Khải

Vai diễn lịch lãm, chỉn chu chưa bao giờ được thử

Anh có biết vai Khải trong “Về nhà đi con” được mệnh danh là “gã chồng bị ghét nhất năm” hay không?

Tôi có đọc các bình luận của khán giả về nhân vật Khải, thậm chí tôi còn được đặt biệt danh là “Khải vũ phu”, “Khải xe tải”… Hay có người hỏi: “Có lý do gì để em quý anh Khải không?”. Tôi cảm thấy rất vui vì khán giả đã ghi nhận những nỗ lực của cả đoàn phim cũng như đối với tôi. Một nhân vật có những tật xấu như vậy bị ghét cũng là chuyện đương nhiên.

Ngoài ra, cũng có bộ phận rất nhỏ khán giả quá nhập tâm vào phim mà quên đi sự khác biệt giữa đời và trên phim ảnh. Cho nên người ta có bình luận khiếm nhã. Nhưng diễn viên là nghề làm dâu trăm họ mà, làm sao có thể làm hài lòng được tất cả mọi người?

Thành công như thế thì mức cát-sê của anh thay đổi ra sao?

Đây là vấn đề khá nhạy cảm. Một bộ phim thành công là công lao của cả tập thể, tôi chỉ là một viên gạch trong thành công đó thôi. Mức cát-sê ở VFC đã có ba-rem sẵn rồi. Còn mức cát-sê đi dự sự kiện, quảng cáo… thì tôi còn khá bỡ ngỡ. Thật lòng mà nói, tôi cũng không biết “định giá” bản thân như thế nào. Bản thân nghệ sĩ cũng như mọi người thôi, họ cũng có cuộc sống riêng, có gia đình. Tất nhiên, một lúc nào đó có lẽ tôi sẽ phải tìm hiểu, vì ai cũng cần tiền, nhưng với nghệ sĩ, tiền không phải là tất cả.

Trọng Hùng sinh năm 1989, quê ở Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh, anh có 2 năm gắn bó ở Nhà hát Tuổi trẻ. Sau đó, anh rời đơn vị để tập trung đóng phim truyền hình, lập gia đình. Một số bộ phim từng tham gia: Khi người đàn ông goá vợ bật khóc, Con mắt bão, Ý chí độc lập, Người phán xử...

Anh từng rất thành công với vai Trần Tuấn trong phim “Người phán xử”, nhưng phải đến “Về nhà đi con” cái tên Trọng Hùng mới thực sự được nhiều khán giả biết đến. Anh có nghĩ mình kém may mắn hơn nhiều diễn viên khác?

Trong “Người phán xử” có rất nhiều diễn viên và các tuyến nhân vật khác nhau. Chưa kể có rất nhiều diễn viên nam, đều toàn là gương mặt “hot”. Trần Tuấn là một vai nhỏ, đất diễn không nhiều nhưng vẫn khiến khán giả nhớ đến thì đã là thành công. Thậm chí tôi còn thấy may mắn vì sau 2 năm đóng góp trong “Người phán xử”, tôi lại được tái ngộ khán giả trong “Về nhà đi con” với một vai diễn gây nhiều ấn tượng như Khải.

Cũng có người hỏi tôi có chạnh lòng khi thường xuyên đóng vai phụ nhưng tôi thấy điều đó đâu có gì quan trọng. Quan trọng là mình có khiến khán giả nhớ đến vai diễn của mình không vì bộ phim nào cũng phải có những kép chính, kép phụ, người tốt, người xấu.

Ngoài những tuyến nhân vật xù xì, gai góc, anh còn muốn vào vai kiểu nhân vật nào khác?

Tôi đã từng làm công an trong “Sát thủ online”, làm thuyền trưởng trong “Con mắt bão”, một ông vua nghiêm nghị trong “Đinh Bộ Lĩnh” hay một chàng trai ga-lăng lãng tử trong “Khi đàn ông goá vợ bật khóc”… và gần đây là gã giang hồ trong “Người phán xử” và Khải trong “Về nhà đi con”. Nhưng có dạng vai kiểu người đàn ông lịch lãm, chỉn chu thì chưa bao giờ được thử. Chắc là do gương mặt tôi khi lên hình cứ phị ra nên người ta không dám để cho một doanh nhân thành đạt lại béo như vậy. Cho nên, hiện tại tôi đang cố gắng hoàn thiện chuyên môn và cả ngoại hình để hy vọng rằng sẽ được các đạo diễn tin tưởng giao cho các vai diễn như vậy.

img
Trọng Hùng hạnh phúc bên bà xã xinh đẹp

Ngoài đời tôi sống thoải mái, phóng khoáng

Thú thật, thoạt nhìn, tôi cũng như nhiều khán giả dễ đoán rằng Trọng Hùng ngoài đời cũng cục cằn, gia trưởng như Khải?

Có lẽ ngoại hình, gương mặt của tôi trông có vẻ dữ dằn nên mọi người hay nghĩ tôi giống với nhân vật như Khải. Nhưng thực ra ngoài đời tôi rất vui vẻ, hòa đồng, sống thoải mái, phóng khoáng. Với vợ con cũng vậy, bà xã là người tôi rất mực yêu thương và trân trọng. Cô ấy là người phụ nữ truyền thống, yêu thương chồng con và biết lo lắng cho gia đình.

Anh đánh giá thế nào về mẫu hình nhân vật như Khải?

Khải vừa đáng thương, vừa đáng trách. Nhưng mọi người luôn nghĩ Khải đáng trách vì ngay từ đầu Khải đã khắc sâu vào tâm trí khán giả với vô số tật xấu: Thô lỗ, mê cờ bạc, thậm chí còn đánh vợ… Nhưng Khải cũng có nỗi khổ riêng chứ. Vì đâu Khải lại có những tật xấu đó? Vì Khải mong cho cuộc sống vợ chồng ổn định, cả hai vợ chồng có một căn nhà của riêng mình. Thế nên Khải rất chăm chỉ làm ăn, nhưng cái sai của Khải là quá nóng vội. Anh ta chỉ muốn nhanh chóng có nhiều tiền để vợ đỡ khổ nên mới sa vào cờ bạc. Suốt từ đầu đến cuối, Khải rất yêu vợ, kể cả khi có ham mê cờ bạc nhưng vẫn rất quan tâm vợ. Thậm chí khi Xinh (Minh Cúc thủ vai) ve vãn nhưng Khải vẫn bỏ ngoài tai.

Có lẽ, Khải là một người đàn ông yêu vợ nhất bộ phim này. Nhưng bản tính của Khải vốn là người ở quê, chân chất, bộc trực. Khải rất yêu vợ nhưng vì đi sai đường nên khi sa vào vũng lầy mà Huệ không giúp đỡ kéo lên thì làm sao có thể cứu vãn được!?

Với nhân vật Huệ và Khải trong phim, mâu thuẫn của họ bắt đầu nảy sinh từ những bất đồng rất nhỏ trong cuộc sống. Nếu không được giải quyết ngay thì nó sẽ tích thành cái u, nhọt, đến một mức độ nào đó sẽ vỡ ra. Chưa kể có những sự cố bên ngoài tác động vào thì mối quan hệ đó càng dễ rạn nứt. Do đó, hai vợ chồng tôi có khúc mắc gì sẽ ngồi lại với nhau để giải quyết luôn.

Vợ chồng Khải - Huệ cũng vậy thôi, khi hai vợ chồng đang “căng như dây đàn”, ông người yêu cũ lại cứ “thò mặt” đến mua pate. Nếu tình huống đó ngoài đời thật, không ít người đàn ông giữ được bình tĩnh đâu. Khải còn hiền chán đấy! (Cười).

Thực tế, ở Việt Nam, không khó để tìm một người đàn ông thô lỗ, kém cỏi lại có tính sở hữu cao như Khải. Anh nghĩ sao về kiểu người đàn ông này?

Đàn ông sinh ra vốn đã có tính chiếm hữu, sở hữu cao, ai cũng muốn mọi thứ mình yêu thích là của riêng mình. Ai có tính sở hữu cao quá sẽ sinh ra tính gia trưởng, ích kỷ. Người ta chỉ quan tâm đến sở thích, suy nghĩ của mình mà quên đi cảm giác của người khác như thế nào. Chính vì thế, nhiều người nói với tôi rằng: Họ thấy cuộc sống của vợ chồng Khải - Huệ trong “Về nhà đi con” như một câu chuyện nào đó mình từng gặp, hay một câu chuyện của hàng xóm nhà mình vậy.

Anh có nghĩ vì thế nhiều cô gái trẻ sợ đàn ông Việt và có xu hướng quen, yêu người nước ngoài?

Tôi nghĩ đó chỉ là một bộ phận nhỏ chứ tất cả các cô gái Việt đều có suy nghĩ như vậy thì trai Việt ế hết à? (Cười). Trong cuộc sống ở đâu chẳng có người này người kia, cuộc sống vẫn tươi đẹp lắm. Chúng ta phải có niềm tin chứ không thì đàn ông Việt đã ế lại còn ế hơn thì… chết!

Cảm ơn anh!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.