Bạn cần biết

Trợ giúp sinh sản thành công cho sản phụ mắc bệnh tim nặng

23/01/2017, 17:34

Một sản phụ mắc bệnh tim nặng vừa được các BS BV E chăm sóc đến khi "mẹ tròn con vuông".

mẹ con sản phụ mắc tim nặng

Mẹ con sản phụ mắc tim nặng Nguyễn Thị Quảng

Nâng niu cậu con trai bé bỏng Lê Doãn Núi mới vài ngày tuổi trên tay, sản phụ Nguyễn Thị Quảng (30 tuổi, Định Hải, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) không giấu nổi niềm xúc động. Mắc bệnh tim rất nặng, nên khi mang thai, với chị Quảng, việc phải bỏ con hay giữ con là một quyết định khiến chị cân nhắc, day dứt nhất.

Theo chia sẻ của sản phụ Quảng, quãng thời gian mang thai của chị đầy gian khó. Lấy chồng muộn và khó khăn lắm vợ chồng mới có được đứa con, thế nhưng khi thai kỳ được 11 tuần tuổi, chị mệt và ngất phải nhập viện Bệnh viện E. Tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, Ths. BS Nguyễn Công Hựu thông báo sản phụ bị hội chứng Marfan, có thương tổn rất nặng về tim mạch cần phải phẫu thuật sớm nhưng phải đối mặt với nguy cơ sẩy thai. Theo giải thích của bác sĩ, đây là bệnh lý có tính di truyền, bất thường về gen dẫn tới rối loạn cấu trúc tổ chức liên kết gây bệnh ở nhiều cơ quan đặc biệt mắt và hệ tim mạch. Qua khám, phát hiện động mạch chủ ngực của sản phụ đã dãn rất to và van tim động mạch chủ bị hở rất nặng, buồng tim giãn to.

Khi đó, để cứu chị, phương án phải bỏ đi đứa con đã phải tính đến. Sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ, họ hàng nội ngoại, vợ chồng chị có một quyết định "giữ mẹ”. Tuy nhiên, đến phút chót chị lại quyết tâm giữ lại thai nhi cho dù hy vọng về sự sống của cả hai mẹ con đều vô cùng mong manh.

Theo chia sẻ của GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, điều này rất khó cho cả phía bác sĩ cũng như bệnh nhân vì gia đình rất khó khăn mới có được đứa con này nhưng nếu để cứu mẹ, các BS phải cho bệnh nhân chụp chiếu, phẫu thuật và sử dụng thuốc. Và khi những kỹ thuật trên sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Vì thế, hầu như ngày nào, GS Thành và các bác sĩ ở Trung tâm Tim mạch đều khám, theo dõi sát sao, hội chẩn liên tục khi có những biểu hiện bất thường. Khi thai nhi sang tuần 16, các BS bắt buộc phải phẫu thuật để thay van tim và thay đoạn động mạch chủ cho sản phụ. Trước khi mổ, một lần nữa GS Thành và BS Hựu tiếp tục giải thích cho gia đình về nguy cơ sẩy thai trong quá trình mổ là rất cao. Ca mổ diễn ra gần 6 giờ và thành công. Tuy nhiên, do lo ngại ảnh hưởng đến thai nhi nên khi gây mê cho sản phụ, các bác sĩ gây mê tính toán một lượng thuốc vừa đủ cho ca phẫu thuật.

Chị Quảng cho biết, điều đầu tiên ngay sau cả mổ là chị  “sờ vào bụng” và cảm nhận trong cơ thể mình vẫn còn có con, đó là động lực sống của chị. Sau đó, sản phụ được chuyển xuống khoa Sản – Bệnh viện E để tiếp tục theo dõi thai kỳ. Một tháng sau, tháng 8/2016, sản phụ được xuất viện và đều đặn lên khám định kỳ 1 tháng/lần ( vừa khám sản và khám tim mạch). Sức khỏe người mẹ dần ổn định, thai nhi phát triển tốt, cân nặng theo tiêu chuẩn…

Tuy nhiên, khi thai kỳ ở tuần 37, sản phụ bắt đầu xuất hiện trở lại hiện tượng mệt mỏi, khó thở… nên lập tức nhập viện để theo dõi. PGS.TS Trần Quốc Tuấn , Trưởng khoa Sản, Bệnh viện E cho biết, sau khi tiến hành hội chẩn với GS Thành, BS Hựu và các bác sĩ chuyên ngành sản khoa, tim mạch, gây mê…, các bác sĩ quyết định mổ cho sản phụ.

Theo nhật ký “bệnh án”, 10h45’ sản phụ được đưa vào phòng mổ. 11h5’ ngày 19/1, người mẹ đã nghe thấy tiếng khóc đầu đời của con. Niềm hạnh phúc vỡ òa đối với gia đình sản phụ Quảng và anh Trị. Anh Trị khoe: "Vợ chồng mình đặt tên con là Lê Doãn Núi với ước mong con có sức khỏe và sống có ích cho xã hội. Đặc biệt, với tên Núi, chúng tôi muốn con hiểu rằng, để con được sinh ra trên đời thì “công cha, nghĩa mẹ cao tựa như núi Thái Sơn”. 

Theo thống kê của khoa Sản – BV E, 6 tháng cuối năm 2016, số lượng phụ nữ có thai bị bệnh tim và thai nhi có bệnh lý tim bẩm sinh đến khám và theo dõi tăng gấp nhiều lần. Trung bình mỗi tháng có khoảng 15 - 20 ca (sản phụ mắc bệnh tim và thai nhi mắc tim bẩm sinh). Theo PGS Tuấn, vào năm 2017, Khoa Sản tiếp tục triển khai thêm nhiều kỹ thuật như chọc ối để làm sàng lọc trước sinh, thụ tinh ống nghiệm, điều trị vô sinh hiếm muộn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.