Xã hội

Trở lại nơi "cứ 3 vụ TNGT lại phát hiện một người nhiễm HIV"

12/01/2020, 17:51

Người dân huyện biên giới miền núi Quế Phong, tỉnh Nghệ An không còn uống rượu để giết con “ết” nữa mà biết đi khám, đi lấy thuốc điều trị H.

img
Bệnh nhân nhiễm H điều trị và lấy thuốc ở Trung tâm Y tế huyện Quế Phong

Huyện biên giới miền núi Quế Phong, tỉnh Nghệ An thời kỳ cao điểm (năm 2015 - 2016), cứ 3 vụ TNGT thì lại phát hiện có 1 người nhiễm HIV (nhiễm H). Nhưng giờ đây, người dân không còn uống rượu để giết con “ết” nữa mà biết đi khám, đi lấy thuốc điều trị H.

Người nhiễm H đã giảm nhưng vẫn rất cao

Bác sỹ Lang Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho biết, ca nhiễm HIV đầu tiên tại huyện Quế Phong được phát hiện từ năm 1999.

Về sau, địa bàn có nhiều dự án đầu tư như thủy điện, khai thác vàng... khiến người tứ xứ đổ về, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, điển hình là ma túy. Tiêm chích chung bơm kim tiêm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiễm HIV tăng nhanh.

Bên cạnh đó, Quế Phong là huyện biên giới miền núi, trên 80% là đồng bào các dân tộc thiểu số, dân trí thấp, nhận thức pháp luật hạn chế. Trong khi đó, tệ nạn ma túy ngày càng diễn biến phức tạp là những rào cản dẫn đến công tác tuyên truyền, phòng chống sự lây lan của căn bệnh HIV/AIDS gặp khó khăn.


Những ngày cuối tháng 12/2019, PV Báo Giao thông có mặt tại Trung tâm Y tế huyện miền núi Quế Phong, tỉnh Nghệ An và ghi nhận có rất nhiều người bệnh đang chờ kiểm tra sức khỏe và lấy thuốc điều trị H.

Từ sáng sớm, bà M.T.T. (53 tuổi) đã phải đi bộ từ dưới xã T.P. lên trung tâm y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ và lấy thuốc. Bà tâm sự: Cách đây khoảng gần 2 năm, trong một lần bị ốm, được người thân đưa đi viện kiểm tra, bà phát hiện mình bị H. “Lúc mới biết bị H, tôi sợ lắm vì nghĩ mình sắp chết. Rồi người dân trong bản ai cũng xa lánh, xua đuổi tôi như con ma rừng. Nhưng sau khi được bác sỹ tư vấn và cho uống thuốc, giờ cứ 2 tháng/lần, tôi tới đây lấy thuốc, giờ thấy mình vẫn khỏe mạnh và biết cách phòng tránh lây lan cho người khác”, bà T. nói.

Cũng tranh thủ đi kiểm tra sức khỏe và lấy thuốc sớm để về đi nương, anh V.V.P. (30 tuổi, trú ở xã M.N) kể: Cách đây hơn một năm, trong một lần cán bộ y tế về bản làm các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe, anh phát hiện mình có H. Anh P. không nghiện ma túy, anh bảo có lần uống rượu chung với đám bạn được xúi “chích cho vui”, ai ngờ thử một lần đã bị H. Rất may lúc đó, vợ con anh chưa bị lây nhiễm. “Lúc đầu, tôi định buông bỏ tất cả nhưng nghĩ tới vợ con và theo lời khuyên của bác sỹ, nên hàng tháng tôi chạy xe máy lên trung tâm y tế để lấy thuốc”, anh P. cho biết.

Theo số liệu từ Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, tính đến ngày 31/10/2019, tổng lũy kế số người nhiễm H và AIDS trên địa bàn huyện Quế Phong là 1.992 người, trong đó có 985 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 597 người tử vong. Hiện, Trung tâm Y tế huyện đang điều trị cho 1.027 người nhiễm H và 75 người dùng Methadone (chất thay thế được sử dụng trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện). Tính theo năm thì 2017 có 106 người nhiễm H, 2018 có 87 người và tính đến ngày 30/11/2019 có 70 người mới nhiễm H.

Bác sỹ Lang Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho biết: So với giai đoạn 2015-2016, thời điểm mà cứ 3 vụ TNGT lại phát hiện 1 người nhiễm HIV thì số người nhiễm H đã giảm nhiều nhưng vẫn đang rất cao.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho biết thêm: Quế Phong là huyện miền núi biên giới, đường sá đi lại rất khó khăn trong khi kinh phí cho công tác xét nghiệm và tuyên truyền rất hạn hẹp; cán bộ y tế ít lại kiêm nhiệm nhiều việc; các dự án tài trợ đã kết thúc. “Những công tác viên y tế tại các làng bản có vai trò rất quan trọng trong việc nắm bắt tình hình các bệnh nhân nhiễm H. Tuy nhiên, trước việc sáp nhập làng, xã thì những công tác viên này không có việc, không có trợ cấp, trong khi đó các dự án tài trợ đều đã kết thúc. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm nhiều hơn nữa, đặc biệt là kinh phí tuyên truyền, làm xét nghiệm…”, ông Trung nói.


Trao đổi với PV, một y tá tại Phòng Tư vấn và cấp thuốc cho bệnh nhân có H, Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho biết, các bệnh nhân có H đang được điều trị tại trung tâm sẽ được khám lâm sàng và cấp thuốc theo định kỳ. Đối với những bệnh nhân đã ổn định thì một lần nhận thuốc sẽ uống trong vòng 2 tháng; bệnh nhân mới thì nhận một lần/tháng; với những bệnh nhân mới nhất thì một lần nhận cho 15 ngày. Hết thuốc, các bệnh nhân lại đến trung tâm để khám lại và nhận thuốc đợt khác. “Thời gian đầu, hầu hết các bệnh nhân còn e ngại và tự ti. Thế nhưng, nhờ sự động viên của các bác sỹ thì tất cả đều đặn quay lại lấy thuốc, không ai bỏ thuốc điều trị dở dang”, y tá này nói.

Bác sỹ Lang Văn Thái cho biết thêm: Ở huyện vùng núi này, ban đầu, khái niệm về HIV còn rất xa lạ. Những người nhiễm HIV không điều trị, nghĩ “uống rượu cũng diệt được “ết” (AIDS) nên chỉ rủ nhau uống rượu, không uống thuốc; rồi cũng không biết phòng tránh khiến bệnh thêm lây lan. Nhưng giờ, người dân đã biết đi khám, biết uống thuốc, biết phòng tránh lây lan và đặc biệt, nhiều đôi bạn trẻ trước khi lập gia đình cũng đã đến Trung tâm Y tế huyện để kiểm tra sức khỏe trước khi đăng ký kết hôn.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Thái, để từng bước kìm hãm, tiến tới kéo giảm số lượng người nhiễm H thì cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp chính quyền. Đặc biệt là sự chung tay của các tổ chức chính trị xã hội như đoàn thanh niên, hội phụ nữ…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.