Chất lượng sống

Trở lại xóm Khanh 3 tháng sau trận lở đất kinh hoàng

17/01/2018, 10:05

Trở lại xóm Khanh sau 3 tháng kể từ ngày sạt lở đất kinh hoàng khiến 18 người chết, nỗi đau vẫn còn đó...

16

Chị Bùi Thị Thảo tranh thủ giờ nghỉ trưa xếp gạch phụ thợ xây nhà mới sau vụ sạt lở đất mất chồng, mẹ và nhà cùng toàn bộ tài sản

Trở lại xóm Khanh (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) sau 3 tháng kể từ ngày xảy ra sạt lở đất kinh hoàng khiến 18 người chết, nỗi đau vẫn còn đó nhưng người dân đang gắng gượng dậy dựng nhà đón Tết...

Ký ức kinh hoàng

Những ngôi nhà sàn cô quạnh xiêu vẹo trước gió, mạng nhện giăng kín các góc cửa, từng đàn trâu, đàn dê “vô tư” gặm cỏ và hàng nghìn khối đất đá “vô tình” vẫn nằm ngổn ngang trên khu đất từng là nơi sinh hoạt, trồng cấy của 4 hộ gia đình. Một vài chiếc xe tải ra vào lấy đất mang đi, nhưng chẳng là bao so với lượng đất đá đổ xuống xóm Khanh vào đêm định mệnh 12/10/2017. Thác Khanh trước kia hùng vĩ bao nhiêu thì nay chỉ như dòng nước nhỏ len lỏi trên thân núi… Sau vụ sạt lở đất kinh hoàng ấy, hầu hết những hộ dân xóm Khanh đều được vận động di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, một số người vẫn cố bám víu ở lại nhưng chỉ để chăn trâu, chăn bò.

Khoảng 1h30 sáng 12/10/2017, tại xóm Khanh (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đã xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng khiến 18 người bị vùi lấp. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, đến ngày 18/10/2017, lực lượng chức năng đã đưa thi thể những nạn nhân cuối cùng ra khỏi khu vực sạt lở.

Lấp ló sau khe cửa nhà sàn trống rỗng, bà Đinh Thị Chung (hơn 70 tuổi) cho biết, ban ngày bà đến đây trông nhà, nuôi gà. “Buổi tối, tôi phải ra nhà bà con ở phía ngoài đường ở nhờ chứ tôi không dám ở đây. Núi lở, nguồn thu nhập chính của gia đình là ruộng lúa, vườn ngô đều bị chôn vùi, các con tôi phải đi làm thuê ngoài thành phố, chắt chiu từng đồng gửi về cho mẹ mua gạo, mua rau sống qua ngày”, bà Chung nghẹn ngào tâm sự.

Lúi húi xới đất trồng rau trước căn nhà sàn cạnh con đường mòn vào xóm Khanh, chị Liên trải lòng, ruộng nương bị xóa sổ, chị phải đi làm thuê để lo tiền cho các con ăn học nhưng mỗi ngày chỉ được 120 nghìn đồng, trong khi tiền nợ trước kia vẫn chưa trả được.

Hiện, chị cùng các con đang sống trong ngôi lều tạm ven QL6, niềm mơ ước lớn nhất của chị là có thể chuyển được ngôi nhà sàn ở trong xóm ra ngoài đường lớn để có nơi ở ổn định cho các con sinh hoạt nhưng tiền không có, đất cũng không “nhiều đêm trời giá rét, nhìn các con ôm nhau co ro nằm trong lán, thương con tôi đến quặn thắt lòng”, chị Liên tâm sự.

Dựa vào nhau để sống

Chỉ về ngôi nhà sàn 2 tầng đang xây dọc lối vào xóm Khanh, cách QL6 chừng 150m, chị Bùi Thị Thảo (SN 1978) cho biết, một tháng sau vụ sạt lở khiến chồng và mẹ chị tử vong, nhà cửa tài sản mất sạch, 3 mẹ con gom góp được 150 triệu đồng, được người bác cho miếng đất để dựng căn nhà mới. “Vẫn là nhà sàn nhưng được xây bằng bê tông cốt thép, có nhà vệ sinh khép kín, đang trong quá trình hoàn thiện, hi vọng sẽ xong sớm để mẹ con tôi có nơi ăn nghỉ ổn định đón Tết và thờ cúng tổ tiên”, chị Thảo lau nước mắt, tâm sự.

Ôm vai mẹ động viên, Đinh Công Thịnh (con trai đầu chị Thảo) cho biết, trước hoàn cảnh của gia đình, mới đây, được đơn vị tạo điều kiện, em xin ra quân trước thời hạn. “Giờ bố mất, mẹ cũng yếu, em trai còn nhỏ, em phải thay bố làm chỗ dựa cho mẹ và em trai. Sau Tết, em sẽ đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống cho gia đình, ruộng mất rồi nên không thể trồng cấy được nữa”, Thịnh tâm sự.

Cách đó không xa, trong căn lều tạm dọc QL6, chị Đinh Thị Xuân (SN 1977) đầu vẫn vấn khăn tang đang tất bật chuẩn bị bữa cơm trưa. Chị Xuân kể, hôm xảy ra sạt lở, trời mưa to lắm, chồng chị là anh Đinh Công Sinh (SN 1976, Hội phó Hội Nông dân xóm Khanh) phải đi khảo sát ở các khu vực có thể xảy ra sạt lở rồi vào từng nhà dân vận động họ ra khỏi vùng nguy hiểm. Đến 1h30 sáng 12/10/2017, vừa về tới nhà thì mặt đất bắt đầu rung chuyển. “Anh lại lập tức chạy đến những ngôi nhà dưới chân thác gọi mọi người thức dậy, bất chấp tôi ngăn cản. Anh đi được một lúc thì tôi và con gái nghe tiếng nổ vang trời, mẹ con tôi vội tháo chạy ra đường, lúc sau quay lại thì 6 căn nhà đã biến mất dưới đống đất đá ngổn ngang, chồng tôi cũng nằm sâu dưới đó…”, chị Xuân khóc nghẹn.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Văn Lực, Phó chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết, hiện nay các hộ gia đình cơ bản đã dần ổn định cuộc sống. Việc xây nhà mới để ở đã đạt 90%. 

“Để các hộ dân sớm ổn định cuộc sống, UBND xã Phú Cường đã trình phương án gửi UBND huyện Tân Lạc về việc sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng của đất canh tác dành cho việc dựng nhà ở, giữa các hộ dân với nhau sẽ có thỏa thuận về chuyển nhượng đất để cân đối diện tích đất canh tác trên toàn xóm”, ông Lực thông tin thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.