Chất lượng sống

Trở thành doanh nhân sau tai nạn “thập tử nhất sinh”

06/05/2018, 08:05

Sau vụ tai nạn “thập tử nhất sinh”, bị liệt hai chân, ông Hội không thể rong ruổi trên những cung đường.

13

Vợ chồng ông Hội luôn quấn quýt bên nhau

Chuyển sang kinh doanh cho phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình, bằng ý chí và khát vọng sống, tố chất trọng chữ “tín” được rèn giũa trong quân đội, ông đã trở thành một doanh nhân thành đạt.

Bước ngoặt số phận của người tài xế

Từ hàng chục năm nay, người dân thị trấn Vôi (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) đã quen thuộc với hình ảnh ông chủ bị liệt, giải quyết mọi việc trên xe lăn, trên giường. Ông là Nguyễn Vũ Hội (SN 1962), Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mai Anh Phương (thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Hàng ngày, ông tất bật nghe điện thoại, chỉ đạo điều hành, trò chuyện với các đối tác. Hỗ trợ ông liên tục, từ đẩy xe lăn, lấy tài liệu, lấy nước uống… là người vợ tần tảo Vũ Thị Trang (SN 1963).

Nhìn cảnh hai vợ chồng quấn quýt, ít ai nghĩ họ đã có 35 năm bên nhau, hai người con trai lớn đã lập gia đình, có 4 cháu nội - ngoại và đặc biệt, càng ít người biết, họ đã trải qua những ngày tháng cơ cực, tuyệt vọng như thế nào khi tai nạn xảy ra.

"Những người khuyết tật và cùng cảnh ngộ như tôi đều mong muốn được hòa nhập với cộng đồng, có việc làm để tự nuôi sống bản thân. Việc làm chính là cầu nối tốt nhất để giúp người khuyết tật hòa nhập."

Giám đốc Công ty TNHH
Đầu tư xây dựng và thương mại
Anh Phương

Ông Hội kể, sau gần chục năm trong quân ngũ, đầu năm 1990, ông chuyển ngành, làm lái xe tại Xí nghiệp Khai thác than Hà Ráng (Cẩm Phả, Quảng Ninh). Lái xe ở vùng đất mỏ được mấy tháng, một tai nạn kinh hoàng ập tới. “Đó là vào ngày 10/7/1990, khi xe của đồng nghiệp đang chạy bị hỏng. Tôi xuống sửa xe hộ bạn thì bị sập kích, toàn bộ phần khung sau xe đè xuống quá nửa cơ thể, từ bụng tới chân”, ông Hội nhớ lại.

Đang công tác trong quân đội, đơn vị đóng tại Bắc Giang, nhận được tin chồng bị tai nạn, bà Trang ôm theo con lớn 4 tuổi, con nhỏ 9 tháng bắt xe lên Quảng Ninh tìm chồng. Trên đường đi bà nghĩ chồng chắc bị gãy chân, gãy tay. Ai ngờ, lên đến nơi nhìn ông hôn mê, đa chấn thương, bác sỹ bảo “gia đình lo gì thì lo đi, hết khả năng cứu chữa rồi”, bà Trang khuỵu xuống.

Không chấp nhận đầu hàng số phận, bà Trang gửi hai con, đưa chồng về Hà Nội điều trị với tâm nguyện “còn nước còn tát”. Ông Hội được cứu sống, nhưng do gãy đốt sống D6-D7, nên ông bị liệt tủy, teo hoàn toàn hai chi dưới.

Sau đó, ông Hội về ở căn hộ tập thể đi mượn chỉ rộng 20m2, xập xệ của đơn vị vợ. Hàng ngày nhìn cảnh vợ quần quật làm đủ mọi việc để sinh nhai, cứ rời cơ quan về nhà là lao vào băm bèo nấu cám nuôi lợn, gánh nước trồng rau, nuôi gà, lại phải chăm chồng bệnh tật và hai con nhỏ, ông suy nghĩ phải sống như thế nào để không trở thành gánh nặng cho vợ con. Bản thân không còn sức khỏe, ông quyết định thử kinh doanh. Ông nhờ anh em mua cho chiếc tủ lạnh cũ về làm đá; hàng ngày nén đau đớn, lê đến tủ lạnh lấy đá rồi lê ra ngoài cửa khu tập thể bán lấy tiền phụ thêm cho vợ nuôi con. Nhưng làm đá bán cũng chỉ được mấy tháng mùa hè nên số tiền kiếm thêm giúp vợ chẳng được là bao. Năm 1994, ông quyết định kinh doanh online mặt hàng điện tử, ông mua những mặt hàng cũ như: Đầu đĩa, tủ lạnh, bếp gas… về bán. Nhờ quảng cáo tốt, giữ chữ tín về chất lượng hàng hóa, khách mua hàng của ông khá đông, cuộc sống gia đình cũng đỡ cơ cực hơn.

Với tính nhanh nhạy, biết nắm bắt cơ hội, tình hình thị trường, ông Hội đã có những thay đổi chính xác trong kinh doanh, làm ăn. Năm 2001, nhận thấy nhu cầu thị trường khu vực, ông Hội quyết định chuyển sang nghề san lấp mặt bằng và buôn bán vật liệu xây dựng. Năm 2005, khi việc bán đồ điện tử cũ, chở vật liệu xây dựng… đã bão hòa, ông quyết đi tìm hướng mới. Trong một lần tình cờ về Bắc Ninh chơi, ông đã quen biết một thương nhân người Hàn Quốc, là chủ của một cơ sở sản xuất tóc giả cung cấp cho thị trường thời trang quốc tế, chủ yếu cho các ca sĩ, diễn viên, người mẫu... Sau một thời gian đàm phán, thương nhân người Hàn Quốc quyết định đồng ý hợp tác làm ăn với ông Hội.

Khi ấy, làm tóc giả là một nghề rất mới, chưa từng có ở Bắc Giang. Ngay khi đăng thông tin tuyển dụng đã có hơn 100 người đến xin việc. Do số lượng quá đông so với dự tính, ông Hội phải thuê thêm một căn hộ cạnh nhà làm xưởng sản xuất. Vậy là toàn bộ tầng 1 của gia đình ông và căn hộ bên cạnh trở thành xưởng sản xuất tóc giả xuất khẩu đầu tiên ở Bắc Giang. Năm 2009, ông lập Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mai Anh Phương, kinh doanh đa ngành nghề, trong đó đi sâu vào lĩnh vực xuất nhập khẩu, khoan nổ mìn khai thác mỏ, làm tóc giả, buôn bán vận chuyển vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng…

Không coi mình là người khuyết tật

Giờ đây, công ty do người tài xế tàn tật ấy điều hành đang làm ăn phát đạt, tạo việc làm cho khoảng 45 người với mức lương bình quân trên 8 triệu đồng/tháng; doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng/năm. Ông Hội cười vui bảo, không thể ngờ rằng, tai nạn ngày ấy lại tạo ra bước ngoặt cuộc đời ông bà hôm nay.

“Tôi vốn yêu thích công việc rong ruổi trên các cung đường. Khi bị tai nạn ở tuổi 29 - độ tuổi sung sức nhất cuộc đời, đã có lúc tôi tuyệt vọng, bi quan. Nhưng đúng là “cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra”. Vụ tai nạn “thập tử nhất sinh” khiến tôi không thể làm công việc cũ nhưng lại đẩy tôi đến với một công việc mới phù hợp và thành công”, ông Hội cười nói.

Trìu mến nhìn chồng, bà Trang bảo, ông Hội là người nghị lực và khảng khái, tự trọng cao. Vì thế, ông quyết tâm không để đối tác phàn nàn, có sự ưu ái cho mình. “Ông ấy thường bảo, trong công việc, chúng ta công bằng, cần đánh giá nhau bằng chất lượng sản phẩm, công trình”, bà Trang cho hay.

Không chỉ kinh doanh thành công, ông Hội còn là một doanh nhân nổi tiếng với tấm lòng tương thân tương ái, cùng giúp nhau vượt khó. Các nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, bị khuyết tật bẩm sinh… đều được ông miễn phí hoàn toàn tiền học việc, ăn trưa... Những công nhân khi đến với công ty đều được ông hỗ trợ học việc cho đến khi thành nghề, có thể tự làm ra sản phẩm. Những sản phẩm của học viên dạng “vừa học vừa làm” vẫn được ông Hội thu mua và trả tiền công tương xứng.

Chị Yến, một công nhân làm lâu năm ở xưởng tóc giả, tâm sự: “Chú Hội là người rất dễ gần, thân thiện và quan tâm đến đời sống cũng như hoàn cảnh của từng công nhân. Với mức lương bình quân 8 triệu đồng/tháng, cộng với 1 bữa ăn trưa tại xưởng như hiện nay đã là niềm vui đối với nhiều phụ nữ ở vùng quê huyện Lạng Giang chúng tôi”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.