Thời sự Quốc tế

Trở thành ứng viên Liên minh Châu Âu, Ukraine sẽ có được gì?

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấp “quy chế ứng cử viên” gia nhập EU cho Ukraine và Moldova.

Tổng thống Ukraine: “Tương lai của Ukraine là nằm trong EU”

Thông tin trên được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel xác nhận đêm 23/6 (theo giờ VN). Đây được coi là động thái thể hiện sự ủng hộ dành cho Kiev và Chisinau trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch Hội đồng châu Âu thông báo: “Hội đồng châu Âu gồm các nhà lãnh đạo EU (EUCO) vừa ra quyết định cấp quy chế ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine và Moldova. Một thời khắc lịch sử. Ngày hôm nay đánh dấu bước tiến quan trọng trên lộ trình hướng tới EU của các bạn. Chúc mừng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Moldova Maia Sandu, cũng như nhân dân Ukraine và Moldova. Tương lai của chúng ta song hành cùng nhau”.

Hội đồng châu Âu sẽ thực hiện các bước tiếp theo sau khi các nước ứng cử viên đáp ứng những điều kiện do Ủy ban châu Âu đưa ra.

Theo ông Michel, Hội đồng châu Âu cũng quyết định công nhận quan điểm châu Âu về Gruzia và tái khẳng định sẵn sàng cấp quy chế ứng cử viên khi những vấn đề còn tồn tại được giải quyết.

img

Tổng thống UKraine phát biểu trong cuộc họp đặc biệt của Hội đồng châu Âu. Ảnh - Reuters

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh quyết định của EU về việc nhất trí chấp thuận cấp quy chế ứng cử viên cho nước này, gọi đây là “một thời khắc độc nhất và mang tính lịch sử” trong mối quan hệ giữa Kiev và liên minh gồm 27 quốc gia thành viên.

Trên trang Twitter cá nhân, ông Zelensky chia sẻ: “Tương lai của Ukraine là nằm trong EU”.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine - ông Andriy Yermak khẳng định Kiev sẽ nỗ lực hết sức để nhanh chóng thực thi kế hoạch cho phép triển khai tiến trình đàm phán gia nhập EU.

Sau tư cách ứng viên sẽ là gì?

Quyết định của EU mới chỉ là bước khởi đầu trên con đường gia nhập EU của hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Dự kiến con đường này kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ đòi hỏi hai nước cần có những cải cách lớn về kinh tế, chính trị và các cuộc đàm phán kéo dài.

Chẳng hạn, với Ukraine, Kiev cần thực hiện một số bước đi như: Củng cố nhà nước pháp quyền và chống tham nhũng, trước khi có thể tiến tới giai đoạn tiếp theo bao gồm các cuộc đàm phán gia nhập.

Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành ứng viên của Liên minh châu Âu từ năm 1999 nhưng đến nay vẫn chưa thể trở thành thành viên.

“Ukraine đã thực hiện khoảng 70% luật, quy định và tiêu chuẩn của EU. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công việc quan trọng cần thực hiện về quy định pháp luật, quản lý các tỷ phú, chống tham nhũng và các quyền cơ bản” – Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định.

img

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm tới Kiev. Ảnh - Cơ quan Báo chí Văn phòng Tổng thống Ukraine

Hơn hết, Ukraine, Moldova đều đang có nền kinh tế kém hơn nhiều so với các nước thành viên hiện tại trong EU, với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1 nửa so với nước nghèo nhất trong EU hiện nay là Bulgaria.

Bên cạnh đó, hai nước này có lịch sử với nhiều vấn đề chính trị không ổn định, tham nhũng, tội phạm có tổ chức, xung đột với người ly khai…

Một điểm nữa, gần như Liên minh châu Âu (EU) sẽ khó có thể chấp nhận đưa một đất nước đang trong tình trạng chiến tranh gia nhập EU.

Trong thời bình, để gia nhập EU, Ba Lan – quốc gia láng giềng với Ukraine có quy mô dân số, lịch sử tương tự - đã phải mất tới 10 năm để có thể trở thành thành viên kể từ khi được cấp tư cách ứng viên năm 1994.

Nếu Ukraine trở thành thành viên, các nước thành viên EU có tham gia xung đột Nga-Ukraine?

Liên minh châu Âu (EU) là một tổ chức kinh tế, chính trị, không phải là liên minh quân sự như NATO. Đồng nghĩa, việc trở thành thành viên của EU không có nghĩa các nước thành viên EU trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu với Nga.

Tuy nhiên, việc trở thành thành viên EU có thể giúp Ukraine có sự phát triển lớn về mặt kinh tế như Bulgaria và Romania. Hai nước này đã tăng GDP gần gấp đôi, thậm chí gấp 3 kể từ khi trở thành một phần của EU.

Ngoài ra, quốc gia thành viên EU cũng có một số lợi ích quân sự. EU có một điều khoản phòng vệ lẫn nhau, trong đó quy định, nếu một quốc gia EU là nạn nhân của hành động xâm lược vũ trang trên lãnh thổ của mình, các quốc gia EU khác có nghĩa vụ viện trợ và hỗ trợ bằng mọi cách trong khả năng của mình.

Như vậy, dù vị thế ứng cử viên chủ yếu mang tính biểu tượng nhưng động thái này sẽ giúp nâng cao tinh thần quốc gia của Ukraine trong thời điểm nước này đang đối mặt với cuộc xung đột kéo dài 4 tháng khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải sơ tán.

Nếu có thể trở thành thành viên của EU, Ukraine sẽ là quốc gia lớn nhất của EU tính về diện tích và là quốc gia đông dân thứ năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.