Xã hội

Trốn đóng bảo hiểm xã hội: Bế tắc vì "khó kiện ông chủ của chính mình"

22/10/2021, 18:34

Đây là nhận định của đại biểu Nguyễn Phi Thường về khả năng khởi kiện liên quan đến tình trạng doanh nghiệp trốn, nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Doanh nghiệp vi phạm nhưng người lao động lại phải gánh hậu quả

Chiều nay (22/10), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

img

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh tình trạng các doanh nghiệp tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH có chiều hướng tăng nhanh do tác động của dịch COVID-19, làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến quyền lợi của người lao động.

"Chúng ta đều biết rằng, khi doanh nghiệp nợ BHXH thì người lao động sẽ không được hưởng, giải quyết các trợ cấp như ốm đau, thai sản, tử tuất... Trong khi đó, người lao động vẫn thực hiện đủ nghĩa vụ đóng từ 10-15%, tức là hoàn thành nghĩa vụ của mình. Điều này khiến rất nhiều vụ tranh chấp đã xảy ra, khiến đời sống của người lao động đã khó khăn lại càng khó khăn hơn", ông Thường cho biết.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, có trường hợp người lao động sinh con thứ hai rồi nhưng việc giải quyết chế độ thai sản lần thứ nhất vẫn chưa thực hiện được; có trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa được cấp sổ do doanh nghiệp còn nợ đọng BHXH.

"Điều bất hợp lý là doanh nghiệp vi phạm nhưng người lao động lại phải gánh hậu quả", ông Thường đánh giá.

Cũng theo ông Thường, có tình trạng doanh nghiệp xây 2 bảng lương, 1 bảng lương để đóng bảo hiểm, 1 bảng lương để trả cho người lao động, điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Liên quan đến tình trạng doanh nghiệp trốn, nợ đọng BHXH, theo ông Thường, Luật BHXH đã có hiệu lực từ năm 2016, trong đó tổ chức công đoàn có quyền đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện quy định này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. 6 năm qua, chưa có doanh nghiệp vi phạm nào được tòa án đưa ra xét xử. Vướng mắc lớn nhất là sự bất cập, thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật.

"Thẩm quyền khởi kiện hiện nay được giao cho công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, chủ tịch công đoàn cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, ăn lương của doanh nghiệp, nên rất khó khởi kiện ông chủ của mình. Khi sửa đổi Luật BHXH, chúng tôi đề xuất nghiên cứu, giao quyền khởi kiện này cho công đoàn cấp trên thực hiện", đại biểu Thường đề xuất.

Nghị quyết phải mang "hơi thở cho cuộc sống"

Phát biểu tại tổ thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội rất rõ ràng, cụ thể. Sau khi lấy ý kiến thảo luận từ các ĐBQH, tới đây Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết chung về việc sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế.

Ông Hùng cho rằng, vấn đề quan trọng và cấn thiết nhất đó là Nghị quyết ban hành phải sát và đúng như tinh thần "mang hơi thở cho cuộc sống", còn nếu chúng ta chỉ nói trong nghị trường mà sau đó mọi việc trở lại như cũ sẽ không có ý nghĩa gì.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhắc lại việc cách đây hơn 1 tháng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải xử lý, khai trừ khỏi Đảng một số Tổng Giám đốc BHXH qua các thời kỳ, hay như một số địa phương cũng đang xử lý vi phạm về các sai phạm liên quan đến việc sử dụng, đầu tư quỹ không đúng như Gia Lai, một số quận của Hải Phòng.

"Chúng ta phải xem lại, liệu có kẽ hở pháp luật không, từ đó, cần phải chấn chỉnh điều gì trong luật pháp liên quan đến lĩnh vực này. Hay qua các đợt dịch bệnh vừa qua, cũng bộc lộ số dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp là rất lớn. Vừa qua, sau khi xin ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ nguồn quỹ này", ông Hùng nói.

Về vấn đề bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng bày tỏ sự băn khoăn, dịch bệnh vừa qua khiến nhiều người dân bị ốm đau không thể đi khám bệnh, vậy họ sẽ được cấp thuốc ra sao? Rồi vấn đề chi cho điều trị bệnh nhân COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm y tế hay ngân sách Nhà nước?

"Dân đóng vào quỹ thì dân là đối tượng được thụ hưởng, Nhà nước có trách nhiệm quản lý quỹ đó. Chúng ta phải luôn tuân thủ quan điểm này thì Nghị quyết sắp tới mà Quốc hội ban hành sẽ đáp ứng được sự mong đợi của cử tri", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.