Thời sự Quốc tế

Trốn thuế Mỹ, giới đầu tư Trung Quốc ồ ạt tới Việt Nam

05/06/2019, 06:01

Làn sóng đầu tư Trung Quốc mạnh vào Việt Nam đã tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt về lao động.

img
Dòng xe tải đổ về Cát Lái gây nên tắc đường

Dòng vốn đầu tư nước ngoài đặc biệt là Trung Quốc đang ùn ùn đổ về Việt Nam, một phần do chiến lược né thuế từ Mỹ. Đồng thời, nó cũng thể hiện thách thức ngày càng lớn với các nhà đầu tư tại đây, theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP).

Đầu tư ùn ùn vào Việt Nam

Những yếu tố mà Việt Nam đang sở hữu như nền tảng chính trị ổn định, lương nhân công tương đối thấp, tương đương Trung Quốc đã đưa đất nước 95 triệu dân trở thành điểm đến ưa thích của các nhà sản xuất Trung Quốc thời gian gần đây.

Hơn nữa, việc Việt Nam là thành viên của Hiệp ước Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - khối thương mại gồm 11 quốc gia bao gồm: Nhật, Mexico, Singapore, Canada, Australia cũng là nhân tố thu hút các nhà sản xuất Trung Quốc đổ xô tới Việt Nam.

Bởi với ưu thế này, họ được tiếp cận thuế xuất khẩu thấp sang các nước thành viên khác trong CPTPP. Chưa kể, lượng nhân công Việt Nam đang dồi dào và trẻ trung. Năm 2017, Việt Nam có 54,8 triệu lao động ở độ tuổi từ 15 trở lên - độ tuổi lao động hợp pháp - trong đó 9,3 triệu người được tuyển dụng vào các ngành sản xuất.

Ngoài những yếu tố trên, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với những rào cản thuế mạnh mẽ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Trung Quốc góp phần đưa lưu lượng các công ty chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh với hy vọng né thuế từ Mỹ.

Riêng 5 tháng đầu năm nay, đầu tư nước ngoài vào “đất nước hình chữ S” đạt 16,74 tỉ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là các công ty đến từ Hong Kong với tổng vốn đầu tư 5,08 tỉ USD.

Mặc dù chỉ có dân số 2,1 triệu trong tổng số 95 triệu dân nhưng tỉnh Bình Dương lại chỉ xếp sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về thu hút đầu tư nước ngoài trong năm nay, với dòng vốn điều lệ khoảng 1,25 tỉ USD.

img
Nhà máy mới của Công ty Man Wah tại Việt Nam

Giá đất tăng và thiếu nhân sự giỏi

Nhưng cũng chính sự cạnh tranh đó đẩy các nhà đầu tư vào khó khăn vì thiếu nhân công lành nghề và giá đất tăng cao. Những thách thức mà công ty xây dựng của doanh nhân Trung Quốc Weng Caibing đang gặp phải sau nhiều năm hoạt động tại Việt Nam là ví dụ điển hình.

Một mặt, việc bùng nổ đầu tư tại Bình Dương đã giúp công ty của ông Weng tăng lợi nhuận tới 50%. Mặt khác, ông lại “đau đầu” trong quá trình tìm kiếm nhân lực, đặc biệt là phiên dịch viên Trung - Việt.

Nếu như 4 năm trước chỉ cần dán thông báo tuyển dụng trước cửa công ty 2 ngày, tất cả các vị trí công việc còn trống lập tức tìm được người phù hợp thì nay rất khó khăn ông Weng mới có thể tìm được một người tài năng, kể cả ông phải trả hơn 2.000 nhân dân tệ (tương đương 290 USD)/tháng để quảng cáo tuyển dụng.

“Làn sóng đầu tư Trung Quốc mạnh vào Việt Nam đã tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt về lao động. Trước kia, chỉ với 5 triệu VND (tương đương 213 USD)/tháng, tôi có thể có ngay một phiên dịch viên tốt thì nay, tôi phải trả tới 15 triệu VND nhưng vẫn rất khó khăn để có thể tìm được đúng người”, chia sẻ với tờ Bưu điện Hoa Nam, ông Weng cho biết.

Công ty xây dựng của ông Weng chỉ cách TP Hồ Chí Minh - trung tâm tài chính của Việt Nam - khoảng 60 phút lái xe. Hiện đang có khoảng 30 khu công nghiệp tại khu vực này, chủ yếu là các công ty nước ngoài chuyển từ Trung Quốc nhằm tránh né chi phí cao về đất và lao động.

Ông Stanley Kung, Tổng giám đốc Tập đoàn Ever Win Service, một công ty tư vấn của Đài Loan có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh nhận định: “Hiện tại, số lượng công ty tới Việt Nam tăng nhanh hơn số lượng phát triển nguồn cung lao động”, ông Kung giải thích.

Bên cạnh thiếu nhân lực lành nghề, chia sẻ với SCMP, nhiều doanh nhân Trung Quốc cho biết, giá đất trung bình trong khu công nghiệp cũng phi mã lên 80% trong vòng 3 năm, tới 120 USD/m2, buộc nhiều khu công nghiệp phải xây ở những nơi ít phát triển hơn.

Điều này cũng kéo theo vấn đề đau đầu khác, đó là khó kiếm công nhân tại các khu vực vùng sâu vùng xa. “Giá thuê đất tại Việt Nam tăng cao nhưng dù sao vẫn còn ở mức hợp lý. Điều mà các khách hàng của tôi lo lắng nhất lại chính là việc tuyển dụng nhân công”, ông Kung nói.

“Đáng ngại nhất đó là Việt Nam rất hạn chế về số lượng công nhân lành nghề, mức độ kỹ năng chung của họ thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Ví dụ, cùng một công việc, bạn có thể chỉ cần 3 người tại Trung Quốc nhưng ở Việt Nam, bạn cần tới 5 người”, ông Teng Lihao, doanh nhân Trung Quốc đang điều hành một công ty xây dựng tại Bình Dương chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.