Xã hội

Trụ trì chùa Ba Vàng: Phật dạy muốn có phúc phải mất tiền

22/03/2019, 14:32
image

Đại đức Thích Trúc Thái Minh, Trụ trì chùa Ba Vàng lý giải về việc tại sao cần cúng dường, làm công quả sau khi “Thỉnh oan gia trái chủ”...

img
Đại đức Thích Trúc Thái Minh, Trụ trì chùa Ba Vàng.

Hôm qua, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng đã có buổi thuyết pháp trước gần 1.000 phật tử, khẳng định việc thực hiện "oan gia trái chủ" của nhà chùa giúp mang lại sức khỏe, tiền tài cho nhiều người, đồng thời thanh minh việc phật tử đóng tiền khi tham gia giải oan là tự nguyện.

Trong clip mới được đăng tải ngày 21/3 trên trang Facebook chính thức của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, ông đã lý giải việc tại sao cần cúng dường, làm công quả sau khi “Thỉnh oan gia trái chủ".

Cụ thể, trong clip dài gần 8 phút, Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho biết: Phật dạy chúng ta phải biết gieo tâm bố thí và cúng dường để có được phước báu. Và số tiền ấy có cúng cũng để xây chùa, để làm các việc Phật sự. Trong khi các sư thầy mỗi ngày ăn một bữa và không cần đồng tiền ấy.

“Nếu thầy cần tiền, thầy đã thu tiền trông xe, thu tiền lệ phí lên thăm quan chùa…thầy miễn hết. Mình gieo được hạt giống biết bố thí, biết xả ly, biết cúng dường để nhiều kiếp về sau mình không khổ, người ta đến chùa cúng dường rất nhiều mà không cầu gì. Còn đây, mình cúng để giải bệnh, giải nghiệp của mình mà mình lại còn kêu sao” – Đại đức Thích Trúc Thái Minh nói.

Sau khi nêu quan điểm của một số phật tử về việc đi đến chùa phải mất tiền, phải đi chùa nào không mất tiền, vị trụ trì cho hay: Phật dạy cho các phật tử mất tiền. Phải mất tiền mới có phúc", ông nhấn mạnh và giải thích: Phật dạy bố thí đứng đầu trong lục độ. Trong khi nhiều người bây giờ đi tu ở đâu cũng thích không mất tiền, đến chùa nào lễ xong là được oản, được lộc mang về, bỏ ra 5 hào nhưng lại được nải chuối, có lãi nhiều hơn thế mới đi tu.

"Như vậy làm sao gọi là phật tử mà những người như vậy thì không khá lên được", vị trụ trì chùa Ba Vàng nói.

Cũng theo ông này, người nào đến chùa không có của sẽ có công sức, dọn dẹp nhà chùa làm công đức. Đó là bố thí sức lực để mình có phước báu. "Chùa mình sạch sẽ như vậy là do mọi người đến cúng dường công sức. Đó là phúc của mình chứ. Đừng ai nghĩ đi đến chùa làm để cho thầy Thích Thái Minh. Với thầy Thái Minh thì thầy không cần cái đó mà làm như vậy là cho chính mình”, ông nói.

Tiếp đó, trụ trì chùa Ba Vàng dẫn chứng một câu chuyện "có thật": Có cô gái năm nay ngoài 30 tuổi mãi không có bạn trai. Sau khi về chùa Ba Vàng thỉnh oan gia trái chủ xong, mấy tháng sau đã có bạn trai, rồi cưới. Không chỉ cô gái cưới được chồng mà cả gia đình này cũng được "chuyển nghiệp".

"Cho nên việc này còn nhiều người chưa hiểu, thầy mong các quý phật tử tìm hiểu thật kỹ rồi giải thích cho mọi người về việc thỉnh oan gia trái chủ. Việc đó là một phương pháp vừa giúp cho phật tử giải được các oán kết, bớt được đau khổ lại giúp cho mình có được công đức, tu tập” - Đại đức Thích Trúc Thái Minh nói thêm.

Như tin đã đưa, thông tin chùa Ba Vàng "gọi vong thu hàng trăm tỷ" đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trưa 22/3, trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, ngay sau khi thông tin và các video clip phản ánh chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) tổ chức các hoạt động mang tính mê tín dị đoan như gọi vong, hóa giải các ân oán từ nhiều kiếp trước... được một số báo điện tử đăng tải và chia sẻ trên các trang mạng xã hội, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có công văn gửi Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Quảng Ninh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Theo đó, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiểm tra, xác minh để làm rõ và có biện pháp ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm (nếu có), đồng thời thông tin cho các cơ quan quan báo chí về kết quả xử lý giải quyết.

Nêu quan điểm về góc độ quản lý nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh, các hiện tượng “trục vong”, “gọi hồn” không có trong truyền thống Phật giáo, nếu các cơ sở thờ tự Phật giáo thực hiện việc trên là đang vi phạm Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định 162/2017/NĐ - CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng như những văn bản liên quan, cần được xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Báo Lao động có bài điều tra phản ánh, tại chùa Ba Vàng xuất hiện tình trạng truyền bá vong báo oán, mỗi năm thu trăm tỷ đồng. Đáng chú ý, ngay sau khi bài viết được đăng tải và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều người dân đã bày tỏ sự lo lắng và hoang mang trước sự việc này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.