Hạ tầng

Trục lợi từ bán vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam

10/03/2021, 05:56

Nhiều dự án khi xây dựng dự toán trên cơ sở giá vật liệu do địa phương công bố nay đã “lỗi thời”, bởi có những “bàn tay” đẩy giá tăng nhiều lần…

img

Một đoạn tuyến thuộc gói thầu XL7, XL8 dự án Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thi công (Đến nay, dự án còn thiếu khoảng 1 triệu m3 đất đắp, trong khi đang có hiện tượng tăng giá). Ảnh: PV

6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam vừa triển khai đồng loạt từ Bắc đến Nam được vài tháng, các nhà thầu, chủ đầu tư đang ngày đêm chạy đua với tiến độ đắp nền đường. Nhưng sự háo hức để sớm định hình cao tốc Bắc - Nam đang bị ngáng trở bởi những chủ mỏ bán vật liệu.

Nhiều dự án khi xây dựng dự toán trên cơ sở giá vật liệu do địa phương công bố nay đã “lỗi thời”, bởi có những “bàn tay” vô hình tạo khan hiếm, rồi đẩy giá tăng nhiều lần… Thực trạng này đang khiến nhiều nhà thầu, Ban QLDA đau đầu.

Kỳ 1: Báo động khan hiếm vật liệu, giá “trên trời”

Hàng loạt nhà thầu đang thi công tại các dự án cao tốc Bắc - Nam phải mua vật liệu với giá “cắt cổ” cao gấp 2 - 3 lần so với mức công bố giá của địa phương trước đó, khiến nhiều doanh nghiệp chưa làm đã nhìn thấy lỗ.

“Cháy” vật liệu làm cao tốc từ Nam ra Bắc

Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) là một trong các đơn vị tư vấn tham gia thiết kế kỹ thuật cao tốc Bắc - Nam. Một cán bộ của TEDI cho biết, theo quy định, trước khi các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam tổ chức đấu thầu xây lắp đều được khảo sát kỹ lưỡng, trong đó có việc khảo sát, xác định các mỏ vật liệu phục vụ thi công.

Về quy trình, các đơn vị tư vấn sẽ đi thu thập số liệu để xác định số lượng mỏ (cả mỏ đang khai thác và mỏ có trong quy hoạch nhưng chưa khai thác), trữ lượng mỏ có thể cung cấp nguồn đất đắp cho dự án trên cơ sở pháp lý là quy hoạch mỏ của chính quyền địa phương.

Tiếp theo, tư vấn sẽ tiến hành lấy mẫu để xác định chất lượng, khả năng vận chuyển, rồi tổng hợp để đưa vào hồ sơ các mỏ đất, sau đó xin ý kiến thống nhất của chính quyền địa phương.

Vì thế, về nguyên tắc khi triển khai dự án, các nhà thầu đã có sẵn các mỏ vật liệu để làm, không lo thiếu. Tuy nhiên, nhiều ngày qua, PV Báo Giao thông trực tiếp đi khảo sát tại các dự án, dù mới triển khai được vài tháng, đã phát sinh nhiều vấn đề bức bối về vật liệu làm nền đường.

Kế hoạch hoàn thành các dự án Cam Lộ - La Sơn vào cuối năm 2021, Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây vào năm 2022 theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đang đứng trước nguy cơ vỡ tiến độ bởi nguồn vật liệu thi công nền đường khan hiếm trầm trọng.

Nhà thầu muốn đẩy nhanh tiến độ cũng “lực bất tòng tâm”, khi các mỏ đất được địa phương cấp phép do tư nhân quản lý đang đẩy giá vật liệu lên cao gấp 2 - 3 so với giá khảo sát ban đầu.

Ông Nguyễn Quang Hải, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL-03 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, gói thầu cần 3,2 triệu m3 đất đắp, trong khi lượng đất đắp tận dụng được chỉ khoảng 1,2 triệu m3.

Nếu đến tháng 4/2021 không có nguồn bù vào, việc thi công sẽ bị tắc. “Tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam diễn ra trên diện rộng, chứng tỏ công tác quản lý, cấp phép khai thác mỏ vật liệu của địa phương đang có vấn đề”, ông Hải nói.

Cũng tại dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giấy, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc điều hành thi công gói thầu thầu XL-02 (Tập đoàn Cienco 4) cho hay, phạm vi nhà thầu thi công cần 2 triệu m3 đất đắp, trong khi khối lượng tận dụng được chỉ đáp ứng được hơn 1 triệu m3.

Theo kế hoạch, trong tháng 5/2021, gói thầu phải hoàn thành 70% phần đắp đất nền, khối lượng còn lại sẽ tiếp tục thi công sau mùa mưa. “Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương sớm có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ”, ông Sơn nói.

Tương tự, ở gói thầu XL-02, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, ông Nguyễn Công Phú, Chỉ huy trưởng thi công của Công ty TNHH Nhạc Sơn chia sẻ: “Riêng khối lượng đất đắp của gói thầu cần khoảng 1,2 triệu m3 nhưng bòn vét lắm đến nay cũng chỉ được 37.000m3. Tình hình đang rất căng thẳng!”.

Ngược ra phía Bắc, theo khảo sát của PV Báo Giao thông tại dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, các nhà thầu cũng đang phải loay hoay đi tìm nguồn vật liệu đất đắp để thi công nền đường.

Trong khi đó, tại dự án Cam Lộ - La Sơn, thống kê Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư), chỉ riêng đoạn đi qua địa bàn Thừa Thiên - Huế cần đến 2,2 triệu m3 đất đắp, nhưng các mỏ vật liệu trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 50%, còn thiếu 1 triệu m3. Còn lại, đoạn qua tỉnh Quảng Trị thiếu khoảng 100.000m3 đất đắp cho gói thầu XL-02.

Nhà thầu ngộp thở vì giá vật liệu loạn nhịp

img

Thiếu vật liệu đất đắp nên hạng mục thi công nền tại gói thầu XL5 còn ngổn ngang

Tình trạng cầu vượt cung đẩy giá vật liệu đắp nền cao tốc Bắc - Nam lên rất cao, có nơi gấp 2 - 3 lần so với mức giá trước đó được đơn vị tư vấn khảo sát, cập nhật từ mức giá thực tế và thông báo giá của chính quyền địa phương (các mỏ nằm trong quy hoạch) để đưa vào giá đất đắp trong dự toán các gói thầu.

Trong vai nhà thầu thi công cao tốc gói XL6, XL5 (cao tốc Cam Lộ - La Sơn) cần khoảng 400.000m3 đất đắp, PV đã tiếp cận và trao đổi với ông Trường (được giới thiệu là chủ mỏ đá Trường Thịnh, Thừa Thiên - Huế).

Ông Trường cho biết, chỉ có thể cung cấp được khoảng 200.000m3 đất đẹp, đúng chuẩn. “Tôi đang cung cấp cho một số nhà thầu ở gói XL5, XL6, giá mỗi m3 vận chuyển đến công trường giao động từ 75.000 - 85.000 đồng, tùy từng vị trí. Chỗ anh gần hơn thì lấy 75.000 đồng/m3, không bớt”, ông Trường nói.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua vật liệu tại mỏ, tự vận chuyển vì có đội xe đang “đói việc”, ông Trường quả quyết “xe các anh vào chở dễ gây lộn xộn, chúng tôi sẽ bao luôn vận chuyển”.

Đại diện các nhà thầu trong liên danh gói XL6 cho biết, lý do chủ các mỏ ấn định luôn cả việc vận chuyển nhằm lách sự kiểm soát của cơ quan chức năng về giá vật liệu. Họ đẩy giá cao để nếu bị cơ quan chức năng kiểm tra thì họ sẽ tách phần vận chuyển.

Theo một cán bộ Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phụ trách thi công gói thầu XL5, XL6, với cách tính 75.000 đồng/m3 đến chân công trường, trừ chi phí vận chuyển (khoảng 20km), vật liệu đất đắp này có giá khoảng trên 50.000 đồng/m3, cao hơn nhiều so với mức giá công bố của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

“Thời điểm năm 2019 khi khảo sát, lập dự toán dự án, đất đắp được tỉnh Thừa Thiên - Huế thông báo giá là 27.500 đồng/m3, đến nay thông báo giá của địa phương tăng lên 31.500 đồng/m3, nhưng thực tế các chủ mỏ đang bán với giá trên 50.000 đồng/m3.

Ban đã làm việc cả chục cuộc với lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng địa phương về vấn đề này nhưng chưa xử lý được. Các chủ mỏ tìm cách lách luật bằng việc không công bố giá bán trực tiếp từng m3 đất đắp như trước đây mà gộp cả chi phí vận chuyển vào để ép đơn vị thi công”, đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chia sẻ.

Không chỉ đất đắp, ngay cả cát phục vụ thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn cũng đang bị các chủ mỏ đẩy giá lên mức “cắt cổ”.

Đại diện một nhà thầu thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Quảng Trị tiết lộ: “Giá cát được tính trong dự toán của dự án khoảng 170 - 190 nghìn đồng/m3, nhưng bây giờ chúng tôi đang phải mua tại bãi là 270 nghìn đồng/m3, chưa kể phí vận chuyển.

Giá cao, nhưng cũng không có để mua. Ngay cả các đoạn tuyến thi công ở Huế nhưng phải lấy cát từ Quảng Trị hoặc Quảng Nam về”.

Tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, ông Nguyễn Công Phú, Chỉ huy trưởng thi công của Công ty TNHH Nhạc Sơn cho biết, trước đây các mỏ đều tính giá khoảng 90.000 đồng/m3 đất tầng phủ, nay giá đã đội lên rất cao.

Mới đây, mỏ Cà Tăng (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) qua đấu giá, chủ mỏ báo giá là 140.000 đồng/m3 tại mỏ. “Với giá này thì chưa làm nhà thầu đã biết lỗ”, ông Phú than thở.

Một chỉ huy thi công gói thầu XL-04 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng cho biết, theo quy hoạch lúc đầu, các nhà thầu sẽ sử dụng vật liệu tại mỏ Tà Zôn, Núi Ếch, Chóp Vung (Bình Thuận).

Trong đó, chỉ mỏ Tà Zôn là có cấp phép, nhưng mỏ này chỉ được cấp phép khai thác đá, không có giấy phép khai thác đất tầng phủ (đất có thể đắp nền) nhưng trữ lượng cũng rất ít. Dự kiến khối lượng đất đắp của gói thầu cần mua bên ngoài hơn 3,3 triệu m3. Đối với đất tầng phủ nếu sử dụng phải được nghiền để sử dụng.

Theo vị này, trên địa bàn mỏ vật liệu Núi Ếch được xem là có trữ lượng lớn (ước tính 12 triệu m3 - chưa có giấy phép khai thác), dù được đưa ra đấu giá quyền khai thác từ năm ngoái, nhưng đến nay các doanh nghiệp được cho là tạm thời trúng đấu giá vẫn chần chừ chưa làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp phép (?).

Theo quy trình, nếu được cấp phép thì cần mất khoảng 1 năm. Như vậy, với việc thiếu vật liệu đắp nền K95, K98 (gói XL-04) thì nguy cơ chậm tiến độ gói thầu gần như chắc chắn.

Nhiều lần đề nghị địa phương bổ sung thêm các mỏ

img

Một trong những mũi thi công cống trên đoạn tuyến thuộc gói thầu XL5

Đại diện Ban QLDA7 cho biết, nhu cầu đất đắp cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần khoảng hơn 9 triệu m3 đất rời. Tổng trữ lượng vật liệu hiện có và đang hoàn tất thủ tục cấp phép trên địa bàn dự án đi qua chỉ đạt khoảng 7,8 triệu m3, chưa đáp ứng được tổng nhu cầu vật liệu.

Cụ thể, phạm vi dự án có 25 vị trí mỏ vật liệu đất đắp nền có trong quy hoạch. Trong đó, 9 mỏ đang làm thủ tục cấp phép khai thác với trữ lượng đáp ứng khoảng 5,2 triệu m3.

Từ đầu tháng 11/2020 đến nay, một số mỏ đã hoàn thành công tác đấu giá cấp quyền khai thác như khu vực Núi Ếch (khu 1, khu 2) nhưng vẫn chưa triển khai các công việc tiếp theo để hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác.

Bên cạnh đó, các mỏ Chóp Vung 2, Lâm Giang... dù cam kết sẽ triển khai thủ tục nâng công suất khai thác để đáp ứng nhu cầu về vật liệu tăng đột biến nhưng đến nay chưa triển khai.

Ban QLDA 7 đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận bổ sung một số vị trí mỏ có chất lượng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án nhưng nằm ngoài quy hoạch khoáng sản tại huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Nam; bổ sung 2 vị trí mỏ tại khu vực mỏ đất huyện Bắc Bình, hiện đất không canh tác; cho phép khai thác đất nông nghiệp kém hiệu quả khu vực dự án đi qua.

Tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, ông Nguyễn Vũ Quý, Q.Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, đoạn tuyến dự án Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế lúc đầu thiếu khoảng 2 triệu m3.

Vừa qua, Bộ GTVT đã có một số giải pháp khắc phục, đồng thời địa phương cũng tích cực đôn đốc các thủ tục đấu giá mở thêm các mỏ mới… Đến nay, dự án còn thiếu khoảng 1 triệu m3.

Về giá đất đắp phục vụ dự án Cam Lộ - La Sơn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có hiện tượng tăng giá, lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã yêu cầu các nhà thầu thi công đàm phán với chủ mỏ.

Nếu việc chênh lệch giá đất không nhiều, nhà thầu có thể chấp nhận được thì không vấn đề gì... nhưng khi giá tăng bất thường theo kiểu chèn ép, Ban sẽ có ý kiến với UBND tỉnh để xem xét, xử lý.

Vì sao khan hiếm, giá tăng?

Đại diện TEDI cho biết, về giá đất đắp, đối với các các mỏ đang khai thác, tư vấn sẽ lấy theo giá thực tế của chủ mỏ đang bán ra, cộng thêm chi phí quãng đường vận chuyển.

Tương tự, đối với các mỏ đất nằm trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép khai thác, giá đất được lấy theo công bố giá của địa phương, đây là cơ sở pháp lý để đưa vào dự toán các gói thầu. Nguyên tắc khi xây dựng dự toán giá đất đắp là đất phải được lấy ở mỏ gần nhất và đảm bảo kinh tế nhất.

“Ở các dự án được giao khảo sát, thiết kế kỹ thuật, TEDI đều làm rất kỹ lưỡng, tính toán đủ nguồn vật liệu đất đắp thi công.

Tuy nhiên, đối với các mỏ đã nằm trong quy hoạch nhưng chưa khai thác, việc cấp phép khai thác thế nào, bao giờ cấp phép là trách nhiệm của chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn không thể nắm được”, đại diện TEDI nói và dẫn chứng, tại dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, TEDI đã khảo sát khu vực xung quanh dự án có tới 16 mỏ đất có thể cung cấp cho dự án và đã được chính quyền hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa có văn bản thỏa thuận, thống nhất.

Trữ lượng khai thác của 16 mỏ này khoảng 15 triệu m3, trong khi nhu cầu đất đắp của dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 chỉ khoảng 7 triệu m3. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm vật liệu, giá đất đắp bị tư nhân thổi lên cao vẫn đang xảy ra tại dự án này do nhiều mỏ dù đã nằm trong quy hoạch nhưng chưa được chính quyền địa phương cấp phép.

Theo đại diện TEDI, nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhà thầu làm cao tốc Bắc - Nam hiện phải mua vật liệu đất đắp cao hơn so với giá dự toán trong hồ sơ mời thầu xuất phát chủ yếu từ phía cơ quan được giao quản lý, khai thác tài nguyên.

Bởi, từ khi Chính phủ giao chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm cấp phép mỏ vật liệu cho tư nhân khai thác nên mỗi chủ mỏ bán với một mức giá khác nhau.

Thậm chí, hai mỏ đất giáp nhau, giá chênh lệch nhau rất lớn. Hơn nữa, nhiều địa phương không thể kiểm soát được việc cung ứng cho các dự án trong các trường hợp đột biến.

Bình thường, tại một địa phương có khoảng 20 - 30 dự án xây dựng với quy mô nhỏ, khả năng cung ứng nguồn đất đắp hoàn toàn đáp ứng với mức giá được địa phương công bố khoảng 30.000 - 50.000 đồng/m3.

Tuy nhiên, họ không lường trước được khi có một dự án trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn, chẳng hạn như cao tốc Bắc - Nam với quy mô lớn hàng trăm lần các dự án đang triển khai thì khả năng cung ứng nguồn vật liệu của địa phương lập tức bị động, dẫn tới thông báo giá không còn phù hợp với thực tế.

“Ngay cả chính quyền địa phương cũng không biết giá bây giờ là bao nhiêu. Khi rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu, lúc đó các chủ mỏ đất tư nhân tăng giá lên, chính quyền địa phương không quản lý được, dẫn đến các nhà thầu làm cao tốc Bắc - Nam không lấy được giá đất theo giá dự toán trong hồ sơ mời thầu”, vị này chia sẻ.

PV

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.