Thế giới giao thông

Trực thăng y tế Trung Quốc sẽ “ăn khách”

05/07/2016, 06:20

Ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc có thêm một loại hình dịch vụ “ăn khách”: Trực thăng cứu hộ y tế.

Trực thăng cứu thương của Hội chữ thập Đỏ Bắc Kinh

Trang thiết bị bên trong trực thăng cứu thương của Hội Chữ thập đỏ Bắc Kinh

Cùng với sự bùng nổ của hàng không dân dụng Trung Quốc, ngành công nghiệp hàng không nước này có thêm một loại hình dịch vụ “ăn khách”: Trực thăng cứu hộ y tế.

Thị trường máy bay trực thăng quan trọng nhất thế giới

Airbus Helicopters (AIR.PA), nhà cung cấp trực thăng thương mại lớn nhất thế giới ngày 13/6 vừa hoàn thiện thỏa thuận xây dựng một nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc. Nhà máy của Airbus sẽ được đặt tại khu Sino-German Ecopark, thuộc TP Thanh Đảo, dự kiến hoạt động vào năm 2018, với công suất 36 chiếc/năm.

Thỏa thuận này được đề xuất lần đầu tiên hồi tháng 10 năm ngoái và được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây. Thương vụ này có tổng trị giá lên tới 1 tỉ euro, Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Airbus. Airbus ước tính, Trung Quốc cần khoảng 3.000-5.000 trực thăng trong vòng 20 năm tới.

Tại Trung Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có tới hơn 250 nghìn trường hợp tử vong vì TNGT đường bộ/năm. Vì thế, cứu hộ bằng trực thăng là điều vô cùng cần thiết, nhất là ở một quốc gia rộng lớn, địa hình trải rộng và đa dạng như Trung Quốc, các máy bay trực thăng cứu thương góp phần gia tăng cơ hội cứu sống nạn nhân. Ông Norbert Ducrot - người đứng đầu Chi nhánh trực thăng Airbus tại Trung Quốc cho biết, hãng hy vọng sẽ bán được 60 trực thăng và dự kiến, số lượng sẽ lên tới 300 chiếc vào năm 2025. Theo ông Ducrot, đến năm 2025, nước này sẽ trở thành thị trường máy bay trực thăng quan trọng nhất thế giới.

Những công ty tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh trực thăng cứu hộ ở Trung Quốc như Công ty Qian Siwei sẽ được lợi. Bác sĩ Qian nói với Reuters: “Dịch vụ cấp cứu y tế trên không có tiềm năng phát triển rất lớn ở Trung Quốc bởi vì mục tiêu của chúng tôi là hướng đến tất cả mọi người dân, chứ đó không đơn thuần là một đặc quyền”. Trong khi chi phí cho một chuyến trực thăng di tản (trong trường hợp khẩn cấp) trung bình khoảng 30 nghìn NDT (khoảng 4.565 USD)/giờ, Công ty Qian Siwei tuyên bố sẵn sàng cắt giảm khoảng 50% chi phí trong một số trường hợp.

Có trụ sở tại tỉnh Thiểm Tây, Công ty Dịch vụ trực thăng y tế Trung Quốc của Qian sở hữu một đội gồm bốn máy bay trực thăng và hai máy bay phản lực thương mại, hoạt động với sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Ông Qian cho biết, ông đã thuyết phục được ba tỉnh bạn xây dựng loại hình dịch vụ này.

Nghiên cứu mở rộng tuyến đường bay của trực thăng cứu thương

Thời gian gần đây, Bắc Kinh nới lỏng một vài chính sách, cho phép các chuyến bay ở độ cao dưới 1.000m (3.280 feet) được bay qua một số khu vực thuộc sự quản lý của quân đội. Hiện giới chức đang xem xét đề xuất nâng mức trần cho máy bay qua các khu vực này lên tới 3.000m.

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, vẫn còn nhiều bất cập trong việc phát triển dịch vụ trực thăng cứu hộ y tế. Trước hết, hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được loại hình này. Như trường hợp Công ty Dịch vụ trực thăng y tế của Qian, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, cho phép xây dựng các sân đỗ trực thăng ở các bệnh viện hiện đại, còn lại, hầu hết trong tình trạng yếu kém và khá lạc hậu, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được sự phát triển của trực thăng cứu hộ y tế.

Đơn cử như tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên, kỹ sư Liu Xiaoxi nói rằng, cơ sở hạ tầng bệnh viện này được xây dựng vào những năm 1980 và khi được đề nghị xây dựng sân bay trực thăng đã bị thẳng thừng từ chối vì cho rằng… “quá phức tạp”.

Trung Quốc có thể có tới 2.000 sân bay các loại vào năm 2030, nếu nước này cho phép mở rộng đầu tư tư nhân trong lĩnh vực hàng không, theo Francis Chao - nhà phát hành báo cáo của Hàng không dân dụng Trung Quốc. Tuy nhiên, Chao cảnh báo rằng, sự phát triển các sân bay của Trung Quốc sẽ vấp phải vô vàn khó khăn nếu Chính phủ nước này không nới lỏng việc cấp phép bay, cung cấp nhiên liệu, không tạo điều kiện trong việc tiếp cận các sân bay và các loại hình dịch vụ bay.

Chưa kể, Trung Quốc vẫn phải đầu tư mạnh mẽ vào các trung tâm đào tạo phi công nếu muốn phát triển dịch vụ trực thăng y tế cứu hộ, bởi đây là vấn đề cốt yếu mà Trung Quốc đang thiếu. Tính đến năm 2015, số lượng phi công tuy đã tăng nhưng vẫn thiếu trầm trọng, không đáp ứng đủ nhu cầu, theo China Daily. Chuyên gia hàng không Wu Peixin nhận định: “Nếu tính toán chính xác, chúng tôi cần tới 500.000 phi công (cả thương mại, tư nhân và trực thăng). Hiện nay, tôi được biết, Trung Quốc mới có chưa tới 3.000 phi công”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.