Thời sự

TRỰC TIẾP: Bão số 3 càn quét từ Quảng Ninh đến Nghệ An

19/08/2016, 11:22
image

Tin bão số 3 đổ bộ vào đất liền và càn quét từ Quảng Ninh đến Nghệ An được cập nhật liên tục.

Bao so 2

Tin mới bão số 3 mới nhất: Càn quét từ Quảng Ninh tới Nghệ An. 

20h30: Cơ quan chức năng cảnh báo:

Đêm nay, ngập úng có khả năng xảy ra tại các tuyến phố nội thành Hà Nội từ 0,1 m đến 0,4 m như: Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Giải phóng, Phạm Văn Đồng, Trần Bình, Trường Chinh, Giáp Bát, Minh Khai, Thái Hà, Nguyễn Trãi, Hoàng Mai, Định Công, Đại Kim, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Xiển, Vũ Trọng Phụng, Khuất Duy Tiến, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hoa Bằng, Đội Cấn, Đào Tấn, Nguyễn Phong Sắc, Thụy Khuê, Nguyễn Khuyến, Lê Duẩn, Quang Trung, Cao Bá Quát, Đường Thành

20h00: Trao đổi với PV Báo Giao thông tối 19/8, ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, từ đêm qua (18/8) đến chiều nay (19/8), do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Sơn La xuất hiện mưa to kéo dài khiến nước từ sông, suối dâng cao.

Đó cũng là nguyên nhân khiến lũ tràn về khiến 3 ngôi nhà bị nhấn chìm, hơn 30 ha lúa mùa bị vùi lấp, hư hỏng; 1 người bị lũ cuốn trôi. Nạn nhân được xác định là ông Mùa Bả Súa (48 tuổi), là Bí thư Chi bộ bản Phá Thóng xã Púng Bánh (huyện Sốp Cộp, Sơn La).

18h50: Huyện Mường Lát (Thanh Hóa) bị cô lập: Tối 19/8, ông Lê Sỹ Thao - Phó giám đốc Ban QLDA 1 (Sở GTVT Thanh Hóa) cho biết, hiện nay tuyến QL 15C qua địa bàn xã Pù Nhi và Nhi Sơn bị đất bùn và đá từ trên đồi núi chảy xuống đường với khối lượng 5.000m3 sau mưa lớn liên tục. Cũng theo ông Thao, tại đường vành đai phía Tây Thanh Hóa bị sạt lở 2 điểm cách trung tâm huyện Mường Lát 1,5 km. Sự cố này đã khiến huyện Mường Lát bị chia cắt hoàn toàn.

Ông Lê Sỹ Thao cho biết, cơ quan chức năng đang tập trung 4 máy múc và 2 ô tô tích cực để bốc hết số bùn, đất đến nơi khác để thông tuyến. Hiện nay trên Mường Lát đang mưa nhỏ, nhưng các lực lượng cố gắng thông tuyến QL 15C sớm nhất có thể.

18h30: Ttại Nam Định, Thái Bình trời đã tạnh mưa hoặc mưa nhỏ ở 1 vài nơi; gió giật cấp 5, cấp 6. Hiện tại thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định và Thái Bình chưa có ghi nhận thiệt hại lớn về tài sản và người. Duy chỉ có những cột điện bị ngả do ảnh hưởng từ cơn bão số 1. Cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Một số ngôi nhà đã tháo dỡ gậy gộc chằng chống.

Trong khi đó, thời điểm 18h10, vùng biển vịnh Hạ Long động mạnh, màu nước biển đục ngàu. Tại khu vực cột 5, đường bao biển một số thuyền bè của người dân đã bị đánh chìm, đồ vật trôi lềnh bềnh theo những ngọn sóng cao, mạnh vỗ vào bờ. Theo quan sát của PV, tại đây có một ca nô chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn của lực lượng biên phòng và một tàu nhỏ (3 người ngồi trên) với nhiều đồ cứu nạn lượn nhiều vòng tại khu vực này.

14045122_1087359474644515_23348042_o

Vịnh Hạ Long biển động mạnh, cano thường xuyên tuần tra để ứng cứu ngư dân 

17h40: Chiều 19/8, TP Hà Nội đã họp trực tuyến với các sở ngành, quận, huyện, thị xã về công tác ứng phó với bão số 3. Theo Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng, bão số 3 gây mưa to, úng ngập một số điểm tại Hà Nội, khiến nhà dân bị tốc mái, ôtô bị cây đổ đè bẹp... Bão số 3 làm cây đổ khiến 2 người bị thương.

Theo báo cáo nhanh, Hà Nội có 100 cây đổ, 80 cành cây gãy. Hiện thành phố đã bố trí các lực lượng trực 100% quân số, với 14 xe nâng, 10 xe cẩu, các xe chuyên dụng khác... với tổng cộng 750 người để kịp xử lý các sự cố. Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo tăng cường thông tin tuyên truyền, phối hợp với bưu chính viễn thông để nhắn tin cảnh báo người dân hạn chế đi ra đường nếu không thực sự cần thiết.

17h30: Tên địa bàn huyện Vân Đồn (Quang Ninh) đang có mưa vừa, đến mưa rất to, gió giật cấp 7 cấp 8, ngoài các xã đảo giật cấp 9, cấp 10. Do ảnh hưởng của bão, có 4 nhà bị tốc mái tại các xã Đoàn Kết, Bình Dân, Vạn Yên, nhiều cây dọc tuyến đường 334 bị đỗ, gãy.

Để chủ động phòng chống cơn bão số 3, huyện Vân Đồn đã chủ động ban hành công điện yêu cầu các phòng, ban và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức lực lượng ứng trực 24/24h để sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Đồng thời, huyện thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác triển khai ứng phó với cơn bão số 3 của một số địa phương.

Hiện trên 1.500 phương tiện tàu, thuyền đã được neo đậu về nơi tránh trú bão an toàn, 445 bè nuôi trồng thủy sản được chằng chống, trên 1.000 người được di dời đi các bè lên đất liền an toàn. Đảm bảo an toàn cho 15 khách du lịch tại đảo Minh Châu và Quan Lạn. Huyện cũng xây dựng phương án xử lý tại các vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao như khu vực cầu Vân Đồn 1, Vân Đồn 2. Riêng đối với thôn Bản Sen, xã Bản Sen tổ chức thường trực sẵn sàng di dời người dân khi có lụt xảy ra.

17h20: Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Xuân Hiện, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng (Sở GTVT tỉnh Lào Cai) cho biết, từ 15h trên địa bàn tỉnh Lào Cai bắt đầu xuất hiện mưa tuy nhiên lượng mưa không lớn.

Để kịp thời ứng phó với cơn bão số 3, Sở GTVT tỉnh Lào Cai đã cắt cử các đơn vị, tổ công tác túc trực, tuần tra trên các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao như QL4D và tại các điểm cầu cống, ngầm tràn. Mọi công tác chuẩn bị phòng, chống bão đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp neu bão số 3 đổ bộ vào Lào Cai.

17h10: Trước thông tin cảnh báo, dự báo về diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã ra Công điện khẩn chỉ đạo các địa phương và người dân chủ động ứng phó. Đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian xảy ra bão, yêu cầu những người đứng đầu các huyện, thành phố, các sở ban ngành của tỉnh hạn chế tổ chức, dự các cuộc họp không cần thiết, mang tính nghi lễ, hay đi công tác ngoài tỉnh để tập trung toàn bộ cho công tác phòng chống bão.

Công điện yêu cầu các địa phương cần tuyên truyền đến toàn dân về nguy cơ xảy ra mưa bão, lũ quét, sạt lở đất; yêu cầu cán bộ phụ trách phòng chống thiên tai cấp huyện xuống tận địa bàn các xã hướng dẫn nhân dân, phối hợp với chính quyền địa phương lên phương án phòng chống bão. Đặc biệt, các địa phương cần khẩn trương tổ chức di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm ra nơi an toàn và cương quyết cưỡng chế với những trường hợp không di chuyển.

Công điện cũng yêu cầu tất cả các địa phương phải tổ chức trực ban ngày đêm, kể cả thứ 7, chủ nhật để thường xuyên, liên tục báo cáo tình hình thiên tai về đầu mối của tỉnh.

17h00: Tại huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), đã có 2 nhà bị tốc mái (xã Đồng Rui, xã Phong Dụ), đổ 1 trạm biến áp, 3 cột điện viễn thông kết hợp chiếu sáng công cộng, nhiều cây xanh và hoa mầu bị đổ, thiệt hại… Bên cạnh đó, huyện Tiên Yên đang có nhiều vị trí đê xung yếu, trường hợp mưa lũ lớn, cường độ mạnh có nguy cơ vỡ đê. 

Tại một số ngầm tràn, lực lượng chức năng vẫn duy trì cảnh giác lập barie, cử người canh gác không cho người tham gia giao thông đi lại tự tiện vì đề phòng nước dâng, lũ lên.

Để đảm bảo tuyết đối an toàn cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về tài sản, huyện Tiên Yên đã tổ chức di dời khẩn cấp 37 hộ dân với 137 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn, yêu cầu chủ các đầm nuôi thủy sản, chủ các phương tiện thủy sơ tán người lên bờ.

16h35: Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Hà Nội, sức gió mạnh nhất cấp 6-7 (40-60 km/h), giật cấp 8-9. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, trong 3-6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục tiến sâu vào đồng bằng Bắc Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km. 

Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên còn có gió giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có gió giật cấp 6-7. Khu vực Đông bắc, đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to.

16h20: Tại Phú Thọ, do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lớn kéo dài khiến bờ sông Hồng đoạn qua khu 13,14 xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ bị sạt lở mạnh. Tại Hưng Yên, từ sáng nay đã bắt đầu xuất hiện mưa vừa đến mưa to, tình trạng mưa kéo dài tuy nhiên gió không to.

Tại Nam Định, đến 16h, gió bắt đầu lặng, mưa cũng thưa hạt dần. Tuy nhiên, Sở GTVT tỉnh Nam Định không chủ quan, vẫn cử các tổ túc trực tại các điểm xung yếu như: cầu phao Ninh Cường (huyện Nghĩa Hưng), bến phà Đống Cao (xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng), bến phà Thịnh Long (huyện Hải Hậu), bến phà Sa Cao (Xuân Châu, Xuân Trường), để kịp thời ứng phó vơi diễn biến bất thường của bão số 3

16h10: Hiện nay, một số nơi trong khu vực nội thành Hà Nội có mưa lớn. Lượng mưa trong 3 giờ qua tại trạm Thanh Lương 26 mm, Di Trạch 26 mm, Mễ Trì 21 mm, Vĩnh Quỳnh 28 mm, Cầu Diễn 17 mm, Láng Thượng 19 mm, Định Công 21 mm.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, chiều tối và đêm nay, các tuyến phố nội thành Hà Nội có khả năng ngập úng từ 0,1-0,4 m như: Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, Trần Bình, Trường Chinh, Giáp Bát, Minh Khai, Thái Hà, Nguyễn Trãi, Hoàng Mai, Định Công…

Hoang_mai1

Facebook Nguyen Hung FC chia sẻ trên fanpage Otofun hình ảnh ngập úng tại đường Hoàng Mai (Hà Nội), khiến nhiều phương tiện chết máy. 

16h00: Trung tâm KTTV TW dự báo: Trong 3-6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây vàTây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình có gió giật cấp 10-11. Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có gió giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có gió giật cấp 6-8. Khu vực Đông bắc, Đồng bằng- Trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to. Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 7-9 và mưa to.

15h25: Theo thông tin trên Báo Quảng Ninh, ông Vũ Đình Tân - Phó giám đốc kỹ thuật Công ty Điện lực Quảng Ninh xác nhận, ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ chiều ngày 18/8 cho đến 11h ngày 19/8, Quảng Ninh đã bị mất điện trên diện rộng.

Theo đó, 12/14 thành phố, thị xã, huyện đã bị mất điện (trừ huyện Hoành Bồ và Bình Liêu), ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là huyện Cô Tô, Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà.

15h10: Tại Thái Bình, trao đổi nhanh với Báo Giao Thông, ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện ông cùng nhiều người đang túc trực tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, nơi mà theo dự báo bão sẽ đổ bộ vào. Theo ghi nhận từ trưa 19/8, ở đây có mưa to kèm gió mạnh. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, gió đã lặng chỉ còn mưa nặng hạt. Chiều 19/8, lượng nước dâng lên 2,8 – 2,9m.

Thai Binh

Tại thành phố Nam Định đang có mưa to đến rất to. Ảnh: Yến Chi

14h50:  Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị kiểm tra cơ sở vật chất, trường lớp, theo dõi diễn biến mưa bão; Chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ giáo viên khi xảy ra mưa bão.Đầu giờ chiều 19/8, nhiều trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội thông báo cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

14h40: Bão số 3 thần sét đã chính thức đi vào các tỉnh Đông Bắc bộ. Bản tin Bão số 3 mới nhất của Trung tâm DBKTTV trung ương vừa được phát đi, cập nhật thông tin về bão thần sét: Chiều nay (19/8) bão số 3 đã đi vào khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Ở Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, ở Cô Tô, Cửa Ông (Quảng Ninh) đã có gió giật mạnh cấp 10-11; các nơi khác ở ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có gió giật mạnh cấp 8. Ở Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa 50-150mm.  Lúc 14 giờ, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 10-12. 

>>>XEM BẢN TIN BÁO SỐ 3 CẬP NHẬT LÚC 14H30 TẠI ĐÂY

14h20: Tại bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng hiện có mưa lớn xe kẽ từng cơn nhưng gió bắt đầu thổi mạnh.

Trong khi đó tại TP Nam Định đã bắt đầu xuất hiện nhiều điểm ngập lụt. Mưa bắt đâu dày hạt nhưng gió chưa mạnh, khoảng cấp 6-7. Trên tuyến QL21 từ TP Nam Định về huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ xuất hiện nhiều điểm ngập, có nơi ngập khoảng 15cm. Đường vắng, hầu hết người dân đã trở về nhà tránh bão.

 Biển Đồ Sơn, Hải Phòng sóng đánh rất mạnh. Video: Việt Hòa

13h40: Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ: Hồi 13 giờ ngày 19/08, tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông; ngay trên ven bờ biển Nam Quảng Ninh-Nam Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 10-11.

Dự báo: Trong 3-6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây vàTây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

13h30: PV Báo Giao thông có mặt tại Đồ Sơn, Hải Phòng cho biết bão số 3 gây mưa lớn đúng lúc triều cường đã khiến nhiều khu vực ngập nặng. Quận Đồ Sơn đã tiến hành di dời hơn 2000 người ở những điểm xung yếu về nơi tránh trú bãoan toàn. Kêu gọi 280PT/1.098 người và 11 chòi nuôi ngao/22 lao động về nơi neo đậu (đến 16h00 ngày 18/8 đã về bến trú tránh bão an toàn). Tổng số khách du lịch lưu trú ở Đồ Sơn là 191 người (12 khách nước ngoài) đã được thông báo diễn biến bão và di chuyển đến nơi tránh trú an toàn. Xem chi tiết TẠI ĐÂY.

Do son bao so 3

Do ảnh hưởng bão số 3, Đồ Sơn ngập nặng

 PV Báo Giao thông đưa tin, trực tiếp ứng phó bão số 3 tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ quán triệt các lực lượng không được chủ quan, vì hoàn lưu của bão có thể làm gia tăng lượng mưa ở Quảng Ninh, gây áp lực lên hệ thống đê. Xem chi tiết TẠI ĐÂY.

PHO THU TUONG CHONG BAO

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ quán triệt các lực lượng tham gia ứng phó không được chủ quan với bão số 3

 12h15: Ghi nhận của PV Báo Giao thông trưa 19/8, do ảnh hưởng của bão số 3, tại Nam Định đã xuất hiện mưa vừa đến mưa to, người dân đã hạn chế ra ngoài. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải đối với tỉnh Nam Định về phòng, chống bão số 3; để đề phòng diễn biến thất thường của cơn bão, Sở GTVT tỉnh Nam Định đã giao cho Đơn vị quản lý cầu phao Ninh Cường (công ty cổ phần Xây dựng Hoàng Nam) đề nghị cắt cầu, dấu phao vào âu để đảm bảo an toàn phương tiện và tài sản. 

11h45: Theo báo cáo tính tới 11h sáng nay (19/8) của Ban chỉ huy PCLB Hải Phòng: Các địa phương đang triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp ven biển, các chung cư cũ yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở với tổng số 11.440 người. Ngoài các điểm trọng yếu về đê biển, Hải Phòng có hơn 60 chung cư cũ đã được yêu cầu sơ tán. 

Bộ GTVT họp khẩn, ứng phó bão số 3

Sáng 19/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã họp khẩn với các đơn vị trực thuộc Bộ ứng phó bão số 3. Thứ trưởng Nhật yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ GTVT.

Xem chi tiết TẠI ĐÂY

Mưa lớn, gió giật cấp 8-9 tại TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh). Nguồn: Báo Quảng Ninh

11h30: Tại bãi biển Hải Tiến (Thanh Hóa), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng một số cán bộ và nhân dân kéo một chiếc bè của ngư dân xã Hoằng Tiến lên bờ an toàn.

pho-thu-tuong-vu-duc-dam-keo-be-giup-dan-chong-bao

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đẩy bè giúp ngư dân xã Hoằng Tiến ( huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) lên bờ an toàn (Ảnh: P. Tuấn)

 >>> Xem thông tin chi tiết TẠI ĐÂY

11h15: Ghi nhận của phòng viên Báo Giao Thông tại quận Đồ Sơn (Hải Phòng): Mưa lớn liên tục trút xuống kèm gió giật mạnh.  Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết: quận huy động hơn 1500 người, hơn 70 xe cùng nhiều vật tư tham gia ứng trực tại các điểm đê kè xung yếu. Hiện tại nhiều khu vực của Đồ Sơn đang xảy ra tình trạng ngập lụt. 

Theo bản tin thời tiết mới nhất của Trung tâm Khí tượng thủy văn T.Ư phát lúc 11h15 trưa 19/8: Chiều nay (19/8), bão số 3 sẽ vào sâu đất liền các tỉnh Quảng Ninh đến Thái Bình. >>>XEM CHI TIẾT TẠI ĐÂY.

11h: Theo VOV Giao thông quốc gia, do mưa to khiến tầm nhìn hạn chế và đường trơn trượt tại Hà Nội vừa xảy ra một vụ va chạm liên hoàn giữa 3 xe ô tô trong hầm đường bộ Kim Liên. 

10h45: Theo ghi nhận của PV, sức gió tại vị trí cầu Bãi Cháy (TP Hạ Long, Quảng Ninh) khá mạnh, đủ sức quật ngã xe đạp và làm chao đảo phương tiện xe máy khi di chuyển qua cầu. Để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, lực lượng chức năng đã dựng barrie chặn xe máy, phương tiện thô sơ qua cầu Bãi Cháy.

 (Video: Cấm các phương tiện qua cầu Bãi Cháy. Nguồn: Báo Quảng Ninh)

10h: Tin từ Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines), do ảnh hưởng của bão số 3 đến một số tỉnh Bắc bộ, để bảo đảm an toàn, hãng này không khai thác 10 chuyến bay đến/đi từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng), Thọ Xuân (Thanh Hóa) trong ngày hôm nay (19/8).

>>> Xem thông tin chi tiết TẠI ĐÂY

imageresize

Đường đi dự kiến của bão số 3

Trong bản tin mới nhất, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, tới 14h ngày 19/8, vị trí tâm bão trên vùng ven biển các tỉnh Hải Phòng-Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/h, giật cấp 11-13.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-13, sóng biển cao từ 4-6 m.

Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-13. 

Cơ quan khí tượng dự báo, đến 16h ngày 19/8, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và phía Bắc Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10-12.

Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, phía Bắc Thanh Hóa tiếp tục có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 11-13.

Các nơi khác thuộc vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Nghệ An, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10. Vùng ven biển từ Nam Quảng Ninh đến Nam Định có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3-4 m.

Sau đó, bão đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực thượng Lào, mỗi giờ đi được 15-20 km.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.