Xã hội

Dịch Corona: Khẩu trang không phải cứu tinh, không cần lúc nào cũng đeo

05/02/2020, 15:17

Chiều nay, 5/2, Bộ Y tế họp báo thông tin về tình hình dịch viêm phổi cấp do virus Corona biến thể (nCoV) gây ra.

img
Bộ Y tế họp báo thông tin về tình hình dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra

Chiều nay, 5/2, Bộ Y tế họp báo thông tin về tình hình dịch viêm phổi cấp do virus Corona biến thể (nCoV) gây ra.

Kết thúc buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Chúng ta đối phó dịch chủ động với nhiều phương án. Với sự chỉ đạo nhịp nhàng từ Trung ương tới các ngành, địa phương; Thực hiện đồng bộ giải pháp trên tinh thần hạn chế tối đa lây nhiễm, có thể hi sinh về kinh tế nhưng đảm bảo sức khỏe người dân.

"Báo chí không chạy theo tin đồn thất thiệt, giúp người dân, các cơ quan chức năng bình tĩnh đối phó hiệu quả với dịch này", ông Long nhắn nhủ.

Một ngày thay 5-7 khẩu trang rất tốn kém

Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về hành vi tự ý nâng giá bán khẩu trang và thiết bị phòng ngừa dịch nói chung sẽ bị xử lý thế nào, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết: “Phó thủ tướng đã chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý, phạt thật nặng các nhà thuốc phản cảm găm hàng, tăng giá.

Theo đó, thời gian qua, cơ quan chức năng đã lập biên bản một số cơ sở vi phạm, hiện đang liên hệ với sở y tế địa phương cấp phép để xem xét tùy mức độ vi phạm mà xử lý. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kêu gọi 50-70 nghìn cơ sở kinh doanh dược phẩm trải dài toàn quốc cấp phát miễn phí khẩu trang cho người dân”.

Qua đây, ông Đông cũng nhắc lại: Không phải mọi trường hợp phải đeo khẩu trang, không phải lúc nào cũng phải đeo khẩu trang, một ngày thay 5-7 khẩu trang rất tốn kém.

"Người dân hết sức bình tĩnh, nghe theo chỉ đạo của Bộ Y tế, không làm cung cầu mất cân bằng", ông Đông lưu ý.

img
Theo đại diện Bộ Y tế, đeo khẩu trang không phải biện pháp duy nhất để ngừa dịch

Bác thông tin 4 người nhiễm virus Corona ở Long Biên, Hà Nội

Bộ Y tế bác bỏ thông tin có 4 người nhiễm virus corona ở Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội. Theo đại diện Bộ, tin đồn bắt đầu từ sự nhầm lẫn ở địa phương.

Chưa có nghiên cứu virus lây qua nước

Cũng theo đại diện Bộ Y tế tại buổi họp báo, chưa có nghiên cứu nào nói virus Corona lây qua nước, nhưng nếu chúng ta ra bể bơi, khạc nhổ, virus bám vào thành bể, các chỗ bám vịn thì virus sẽ lây nhiễm.

Về đeo khẩu trang, ông khuyến cáo cần phải đeo đúng cách. Không sờ vào mặt trong của khẩu trang, thậm chí cả mặt ngoài của khẩu trang, chỉ nên sờ vào phần quai.

Quy trình xét nghiệm phát hiện dương tính nhanh nhất cũng phải mất 5,5-8,9 giờ

Theo đại diện Bộ Y tế, Phương pháp xét nghiệm xác định người nhiễm virus corona hiện nay được toàn thế giới áp dụng là Real-time PCR (RT-PCR). Đây là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất. Toàn bộ quy trình của phương pháp này là 5,5-8,9 giờ, bao gồm thời gian phá mẫu, chuẩn bị mẫu hay ủ như thế nào...

Thứ trưởng Long cho biết, Bộ Y tế cũng đang hối thúc việc phát triển sinh phẩm chẩn đoán nhanh. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay chưa có nước nào phát triển được sinh phẩm chẩn đoán nhanh nên chúng ta cần hết sức bình tĩnh.

"Khẩu trang không phải cứu tinh"

Liên quan tới hiện tượng hàng loạt các cửa hàng thuốc tăng giá, treo biển không bán khẩu trang, ông Long nhận định đây là vấn đề đạo đức trong kinh doanh. Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định khẩu trang không phải là cứu tinh, nếu dùng khẩu trang không đúng cách còn lây bệnh.

Cụ thể, theo khuyến cáo của WHO, không cần đeo khẩu trang y tế vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy có lợi ích bảo vệ với những người không bị bệnh. Khẩu trang chỉ là một phần, cần kết hợp với các biện pháp khác.

Theo ông Long, virus corona rất nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ, tia cực tím và sợ cả gió (môi trường thông thoáng khí) nên khuyên mở cửa sổ, ở ngoài điều kiện tự nhiên có nắng, gió không nhất thiết phải dùng khẩu trang.

“Cục Quản lý Dược đã có khuyến cáo các hiệu thuốc toàn quốc phát khẩu trang cho người dùng và cần hướng dẫn cách sử dụng. Tuy nhiên người dân cũng cần lưu ý, đeo khẩu trang không phải biện pháp duy nhất để ngừa dịch”, ông Long nói.

Người nhiễm nCoV sau chữa khỏi không bị tái nhiễm

Ông Long cũng khẳng định người nhiễm nCoV sau khi chữa khỏi sẽ không bị tái nhiễm, thời gian miễn dịch kéo dài có thể trong 2 năm.

Trước lo ngại dịch viêm phổi cấp có lây qua chó mèo, ông Long nhận định: “Với dịch nCoV nguồn gốc lây chưa rõ qua vật chủ trung gian nào, các nhà Khoa học chưa tìm được đường lây. Vật nuôi không là vật trung gian lây, tuy nhiên chăm sóc chó mèo cần cẩn thận với nhiều bệnh khác”.

Liên quan về độ tuổi nào dễ bị tác động nhiều nhất bởi dịch nCoV, ông Long thông tin: “Hầu hết ca mắc là trên 30 tuổi, nữ ít hơn nam. Những ca tử vong ở Vũ Hán chủ yếu trên 60 tuổi và có bệnh nền từ trước”.

Nếu khủng hoảng tâm lý sẽ rất nguy hiểm cho việc phòng chống dịch

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hoạt động phòng chống dịch lần này của Việt Nam được các tổ chức y tế quốc tế đánh giá cao.

“Nếu áp dụng biện pháp đã triển khai thì sẽ có thể kiểm soát dịch tốt nhất. Khi phát hiện sẽ khoanh vùng, dập dịch ngay tại chỗ. Cụ thể đối với trường hợp nhóm công nhân nhiễm bệnh tại Vĩnh Phúc sau khi trở về từ Vũ Hán, chúng ta đã tiến hành 3 vòng cách ly và nay cách ly thêm vòng thứ 4, đảm bảo khoảng cách an toàn, giám sát chặt chẽ từ cộng đồng”, ông Long nói và nhấn mạnh: “Người dân cần bình tĩnh mới chiến thắng được bệnh dịch, nếu khủng hoảng tâm lý sẽ rất nguy hiểm cho việc phòng chống dịch. Do vậy cơ quan chức năng cần tuyên truyền cách phòng chống đến từng người dân”.

Việt Nam đủ năng lực để xét nghiệm virus Corona

Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc hạn chế cách ly người từ vùng dịch về được cho là rất quan trọng. Tới 12h trưa nay, tất cả các cửa khẩu không nhận người đến hoặc đi qua Trung Quốc vào Việt Nam.

“Các trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam được cách ly tại cơ sở. Tới nay có khoảng 900 người được cách ly, hầu hết là người Việt Nam.

Số người Trung Quốc về nước được hỗ trợ hết mực và ngược lại đối với người Việt Nam trở về từ nước ngoài cũng vậy”, ông Long nói.

Liên quan tới việc xét nghiệm virus nCoV, ông Long khẳng định: “Việt Nam đủ năng lực để xét nghiệm. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị xét nghiệm tăng cường tập huấn chỉ đạo các địa phương ở nơi có người cách ly để có thể tự xét nghiệm được. Ngoài ra, hiện mồi xét nghiệm của Việt Nam đang có từ nhiều nguồn viện trợ của nước ngoài. Tuy nhiên, tới đây, Việt Nam có thể sản xuất mồi xét nghiệm. Do đó, chúng ta có thể yên tâm đủ sinh phẩm, khả năng làm các xét nghiệm này”.

"7-10 ngày tới là đỉnh dịch virus Corona ở Trung Quốc, không phải Việt Nam"

Trước câu hỏi tại cuộc họp với Thủ tướng chiều 4/2, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long có phát biểu đỉnh điểm 7-10 ngày tới, ngành y tế cho biết có sự hiểu chưa đúng về vấn đề này. "Chúng tôi muốn nói về nhận định của chuyên gia đánh giá tình hình dịch Trung Quốc, cho rằng đỉnh dịch Trung Quốc có thể 7-10 ngày tới không phải đỉnh dịch Việt Nam. Việt Nam quá sớm có thể nhận định. Nếu triển khai quyết liệt và đồng bộ có thể kiểm soát tốt hơn", ông nói.

Thời tiết nắng ráo, không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế

Trước câu hỏi có nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế để ngừa virus nCoV, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Theo khuyến cáo của chuyên gia WHO, khẩu trang y tế chỉ là một phần để ngăn ngừa virus. Không phải ở đâu cũng cần đeo khẩu trang y tế, nhất là đối với người mạnh khỏe. Virus nCoV rất nhạy cảm với ánh sáng, gió và tia cực tím, do vậy người dân nên mở cửa sổ để thông thoáng khí. Ở điều kiện tự nhiên như miền Nam hay Tây Nguyên, thời tiết nắng khô ráo, không nhất thiết dùng khẩu trang”.

Liên quan tới phác đồ điều trị virus nCoV, ông Long cho biết: “Một số chủng virus không có điều trị dự phòng và thuốc đặc hiệu. Do vậy chỉ điều trị triệu chứng, đảm bảo dinh dưỡng cân bằng điện giải, ăn uống đầy đủ chất; Theo dõi hô hấp để có biện pháp can thiệp, mức nhẹ chỉ cần thở oxy, mức nặng sẽ cho thở máy...

Theo ông Long, trong những ngày qua, Bộ Y tế luôn cập nhật công bố điều tra dịch tễ các ca bệnh nghi nhiễm nCoV để có hoạt động phòng chống kịp thời.

“Ngay ca đầu Ban Bí thư đã có chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ cũng có công điện, coi đây là nhiệm vụ chính trị, cấp bách, do vậy tại các địa phương vào cuộc mạnh mẽ. Các biện pháp chúng ta triển khai động bộ từ trên xuống. So với thời điểm dịch SARS 2003, nhiều biện pháp phòng ngừa hiện nay còn mạnh mẽ hơn để kiểm soát dịch bệnh do virus nCoV”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bệnh nhân nhiễm nCoV tại Việt Nam chỉ điều trị triệu chứng

Khi tổng kết 10 ca nhiễm nCoV tại Việt Nam, đa phần bệnh nhân chỉ điều trị triệu chứng, duy chỉ có 1 ca người Trung Quốc có tiền sử bệnh phổi nhưng cũng chỉ thở oxy không cần thở máy. Các ca bệnh được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tiệm cận với các phác đồ của thế giới”.

Trước câu hỏi có nên xây dựng bệnh viện dã chiến khi dự báo dịch nCoV có thể đạt đỉnh trong vòng 7-10 ngày tới, ông Long cho biết: “Bộ Y tế đã chỉ đạo các BV TƯ chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. Theo đó, đến nay đã chuẩn bị hơn 2 nghìn giường bệnh tại tuyến TƯ và 2 nghìn tại các địa phương, do vậy chưa cần xây dựng bệnh viện dã chiến vì lẽ đó.

Chúng tôi tin các địa phương chuẩn bị phương án điều trị 1 cách phù hợp nhất và có kế hoạch dự phòng tiếp đón bệnh nhân. Chúng ta không nên quá hoang mang. Quan điểm của Chính phủ và Bộ Y tế không che giấu bất kỳ thông tin nào".

Không che giấu thông tin

"Chúng ta không giấu dịch, không che giấu bất kỳ thông tin nào. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cũng không thể nào giấu được. Trên các mạng xã hội có những thông tin không đúng, chúng ta phải bình tĩnh. Chẳng hạn những thông tin như cần tích trữ lương thực, thậm chí cả vàng là không đúng", GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Theo ông Long, trong những ngày qua, Bộ Y tế luôn cập nhật công bố điều tra dịch tễ các ca bệnh nghi nhiễm nCoV để có hoạt động phòng chống kịp thời.

“Ngay ca đầu Ban Bí thư đã có chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ cũng có công điện, coi đây là nhiệm vụ chính trị, cấp bách, do vậy tại các địa phương vào cuộc mạnh mẽ. Các biện pháp chúng ta triển khai đồng bộ từ trên xuống. So với thời điểm dịch SARS 2003, nhiều biện pháp phòng ngừa hiện nay còn mạnh mẽ hơn để kiểm soát dịch bệnh do virus nCoV”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

5 con đường lây truyền của virus corona

Theo ông Nguyễn Đình Anh, chủng virus nCoV là loại virus có cấu trúc đơn giản, khả năng lây lan nhanh.

Phương thức lây chủ yếu qua không khí, lây qua tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi; Lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh như nói chuyện hay bắt tay; Lây từ bề mặt bị nhiễm bẩn do virus không lơ lửng trong không khí mà nó ra ngoài tồn tại trên các bề mặt sắt và thép khá lâu; Lây qua đường phân do chăm sóc người bệnh nhưng trường hợp này rất ít...

“Chúng ta cần hiểu để hết sức bình tĩnh để phòng chống”, ông Anh nói và khuyến cáo người dân rửa tay nhiều lần trong ngày vì thường hay đưa tay lên mặt; tránh tiếp xúc với đám đông và người bị bệnh", ông Anh nói.

Cụ thể, các phương pháp phòng chống virus nCoV cần được thực hiện như: Tránh tiếp xúc với người nhiễm bởi khi họ hắt hơi sổ mũi có thể bắn virus ra khoảng 1.8m. Ngược lại, người bệnh khi hắt hơi sổ mũi cần dùng khăn tay, giấy, bỏ vào thùng rác rồi rửa tay, tránh việc đào thải mầm bệnh ra bên ngoài.

“Virus nCoV có thể lây ngay trong thời gian ủ bệnh khi chưa có triệu chứng gì cụ thể, hoặc chỉ sốt nhẹ, ho thoáng qua... Do vậy dễ bỏ sót trường hợp bệnh mà không biết”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Mở đầu cuộc họp báo, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền Thông và Khen thưởng thi đua, Bộ Y tế, cho biết: Thông tin cập nhật mới nhất tới trưa nay, ngày 5/2, Việt Nam phát hiện 10 ca nhiễm virus nCoV. Trong đó, 3 ca đã được điều trị khỏi và xuất viện; Trong 409 ca nghi ngờ cách ly điều trị tới nay đã loại trừ 347 ca vì có kết quả xét nghiệm âm tính, còn 52 ca đang theo dõi chờ kết quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.