Xã hội

TRỰC TIẾP: Công bố thủ phạm gây cá chết ở miền Trung

30/06/2016, 11:41
image

Toàn bộ diễn biến họp báo công bố nguyên nhân cá chết chiều nay (30/6)

cong-bo-ca-chet-mien-trung-baogiaothong

Chiều nay, công bố thủ phạm gây cá chết ở miền Trung

Báo Giao thông tường thuật diễn biến cuộc họp báo công bố nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết ở miền Trung. 

Kết luận cuộc họp báo, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng CP trong phiên họp buổi sáng: Đó là rà soát lại tất cả các quy hoạch liên quan đến môi trường, kiên quyết điều chỉnh lại tiêu chuẩn quy định về môi trường và chế tài. Đối với cán bộ liên quan, dù ở cấp độ nào cũng bị xử lý theo mức độ sai phạm.

Xin hãy đánh giá mức độ an toàn nước biển, hải sản tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng?

Đại diện Bộ Y tế trả lời: Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của bộ, sở y tế 4 tỉnh triển khai các biện pháp cần thiết để làm sao đảm bảo sức khỏe của người dân. Việc xét nghiệm hải sản sống chúng tôi cập nhật liên tục cung cấp đến người dân. Tất cả hải sản xét nghiệm công bố minh bạch, đảm bảo chất lượng. Vấn đề giám sát các yếu tố ảnh hưởng sức khỏe, chúng tôi tiếp tục triển khai các cơ sở y tế tại 4 tỉnh này.

Đại diện Bộ NN&PTNT: Bộ đã thực hiện 3 việc là lấy mẫu, giám sát và quan trọng là xác định vùng ảnh hưởng. Ngay 1/5 tại Hà Tĩnh đã đưa ra được kết luận khoanh vùng ảnh hưởng là 20 hải lý tính từ bờ của 4 tỉnh bị ảnh hưởng. Trong vùng này, 15 nghìn tàu khai thác đều được lấy mẫu và giám sát hàng ngày, phát hiện có hải sản nhiễm độc sẽ lập tức tiêu hủy và hỗ trợ ngư dân. Ngoài vùng này là vùng an toàn, tổ chức xác nhận hải sản khai thác ngoài 20 hải lý, chứng nhận ngay tại cảng. Nhưng để yên tâm, chúng tôi vẫn chỉ đạo lấy mẫu với tần suất 2-3 ngày, nếu có vấn đề sẽ xử lý. Với nuôi trồng thủy sản, chúng tôi cũng khuyến cáo trong thời gian chưa rõ nguyên nhân và mẫu nước không an toàn thì không nên thả nuôi ở biển cũng như lấy nước về nuôi ven bờ. Khi lấy mẫu hàng ngày, nếu thấy nước an toàn sẽ hướng dẫn địa phương lấy nước theo quy trình lắng nghiêm ngặt vào nuôi. 

Xin hỏi UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong quá trình Formosa vận hành thì tỉnh kiểm tra thế nào? Công ty vi phạm thì xử lý trách nhiệm của địa phương ra sao?

Đại diện tỉnh Hà Tĩnh: Sự cố vừa qua rất nghiêm trọng, nhưng nhân dân miền Trung vẫn kiên trì chờ đợi nguyên nhân từ đâu, chúng tôi cũng tin tưởng vào Đảng, Chính phủ. Hôm nay Formosa đã nhận trách nhiệm, xin lỗi nhân dân Việt Nam đã phần nào giải toả được sự chờ đợi bấy lâu nay. Formosa là dự án lớn, nhiều việc vượt ra khỏi khả năng của Hà Tĩnh. Nhưng trong quá trình kiểm tra, giám sát, Hà Tĩnh đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương để giám sát, xử lý. Khi sự cố xảy ra, Hà Tĩnh cũng tích cực phối hợp tìm ra nguyên nhân. Nhưng do khả năng có hạn, việc kiểm tra giám sát, theo dõi thường xuyên làm chưa tốt, còn bất cập. Qua việc này, chúng tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm và sẽ xử lý cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ nhưng chưa hoàn thành.

-Tiền đền bù 500 triệu USD là rất cao. Xin ông cho biết tính toán như thế nào, ra sao được con số như vậy?

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà: 500 triệu USD mới chỉ là tính toán sơ bộ, đó chỉ là con số rất nhỏ, vì không chỉ có thiệt hại về kinh tế, sinh thái biển, mà còn thiệt hại về tâm lý. Cái này không thể tính toán được. Chúng tôi không quan trọng việc đền bù là bao nhiêu, mà chúng tôi yêu cầu Formosa chuyển đổi công nghệ, không để xảy ra sự cố tương tự.

-Thực tế Formosa gây ra nhiều “tiền án” tại các nước. Vậy thưa ông, quy trình thẩm định thu hút đầu tư nước ngoài ở VN có gì thay đổi không?

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đăng Huy Đông: Chúng tôi khẳng định chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam là nhất quán, thực hiện đúng cam kết với cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài. Sự kiện xảy ra là điều đáng tiếc, các cơ quan của Chính phủ, Nhà nước sẽ rút ra bài học, rà soát để đảm bảo việc thu hút đầu tư của VN được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Quan điểm là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị đầu tư, thân thiện với môi trường thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 13 của Chính phủ. Chính phủ không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, đầu tư.

Xin hỏi, trong vụ việc này, Việt Nam có xử lý hình sự Formosa không?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: thái độ của lãnh đạo Đảng nhà nước VN là kiên quyết. Tuy nhiên, Formosa đã nhận lỗi, đưa ra 5 cam kết. Vì vậy, người VN chúng tôi có câu đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại. Việc đưa vụ án ra khởi tố không, VN sẽ cân nhắc.

Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn: Việc khởi tố hay không sẽ phụ thuộc vào cơ quan tư pháp, Chính phủ không can thiệp.

Xin hỏi, Có chủ trương cấm báo chí thông tin không? Có giấu nhân dân về vụ việc hay không?

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Ngay sau sự cố, báo chí đưa tin nhiều về sự cố này với tần suất dày đặc. Đảng và NN không hề có chủ trương che giấu nhân dân, không chỉ người dân cần biết sự thật mà Đảng và Nhà nước cũng cần biết sự thật.

Tuy nhiên, có một thời gian, để đảm bảo hoạt động điều tra, chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan truyền thông hoạt động theo Luật báo chí, giảm tần suất đưa tin, không quy chụp, suy diễn làm ảnh hưởng đến hoạt động điều tra. Hoạt động điều tra của báo chí không thể thay thế hoạt động của cơ quan điều tra. Nhưng tôi khẳng định báo chí có sự hậu thuẫn trong việc tìm ra nguyên nhân và công bố sự cố môi trường này.

Quá trình công bố nguyên nhân và thủ phạm gây cá chết miền Trung chậm so với sự bức xúc của dư luận, ông nói gì về sự chậm chễ này?

Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn: Công bố nguyên nhân là để giải quyết kịp thời hậu quả, công bố thủ phạm là xử lý sai phạm, điều tra nguyên nhân và thủ phạm là hai việc khác nhau. Điều tra nguyên nhân được tiến hành bởi các nhà khoa học, đối tượng là hiện tượng. Điều tra thủ phạm được tiến hành bởi cơ quan điều tra và nhà khoa học, đối tượng chủ thể là con người nên phức tập hơn rất nhiều. Các cơ quan tham gia điều tra đã lực rất lớn, làm hết trách nhiệm của mình.

Dư luận phản ứng chậm trễ công bố nguyên nhân cá chết là điều dễ hiểu vì sự cố này liên quan đến đời sống của hàng vạn ngư dân, nhưng sự phản ứng thái quá và suy diễn nguyên nhân, kết quả điều tra đã làm nhiễu loạn quá trình điều tra. Có một số thế lực thù địch đứng sau gây bất an trong nhân dân, đó là điều không thể chấp nhận. Đến giờ tôi khẳng định việc công bố nguyên nhân là kịp thời.

Vietnamnet: Xin hỏi, vì sao sau 3 tháng mới có công bố chính thức nguyên nhân cá chết?

Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh: Thủ tướng đã chỉ đạo và phân công các Bộ, ngành liên quan khẩn trương, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân. Về phía các nhà KH, tôi khẳng định dã vào cuộc với cố gắng và nỗ lực với tinh thần cao nhất, không kể ngày đêm trong thừoi gian qua. Cũng có khó khăn trong quá tình xác định nguyên nhân là phải tìm kiếm những dấu vết ngay tại thực địa cũng như dưới đáy biển.

Kết quả khoa học với sự bổ trợ của các chuyên gia quốc tế đã bổ sung các dữ liẹu, cùng các nhà khoa học VN đối chứng, so sánh, đánh giá chỉ tiêu để có chứng cứ khoa học có đầy đủ độ tin cậy, tính khách quan và chính xác nhất. Kết quả ngày hôm nay là nỗ lực của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Có 1 sự so sánh là vào tháng 12/2004, tại Nhật bản có sự cố môi trường Nhật Bản xảy ra, hơn 1 năm sau, Hội đồng đánh giá của Nhật Bản mới có thể kết luận nguyên nhân và xử lý chất thải của 1 công ty gang thép.

Chúng ta có kết luận được quốc tế ghi nhận.

Tiền Phong: Xin hãy cho biết quá trình xác định nguyên nhân cá chết?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà:

Việc xác định nguyên nhân đòi hỏi phải có chứng cứ khoa học chặt chẽ, bài bản. Đây là sự cố xảy ra trên diện rộng, rất nghiêm trọng, phức tạp nên phải làm cẩn trọng, khoa học, khách quan, chính xác. Trước yêu cầu của thủ tướng CP và yêu cầu chính đáng của dân, với sức ép rất lớn, chúng tôi xác định phải tiến hành việc này một cách bài bản, không chỉ để trả lời nguyên nhân vì sao mà phải tìm được ai là thủ phạm? Bước thứ nhất, chúng tôi tìm nguyên nhân, xem cái gì đang diễn ra trên biển miền Trung khiến hải sản hết hàng loạt. Đây là công việc rất khó, phức tạp. Tiếp theo là xác định nguồn gây ô nhiễm từ đâu?

Chúng tôi đã tập trung 100 các nhà khoa học trong và ngoài nước, tiến hành nhiều công việc liên quan lấy mẫu cá, mẫu nước, mẫu tầng đáy hay sinh vật phù du, đồng thời thực hiện nhiều việc khác nhau, hồi tố lại sự việc. Nhiều nhà khoa học đã phải xuống biển để tìm dấu vết, xác định bản chất vấn đề. Qua kết quả phân tích của hàng nghìn thí nghiệm khác nhau, có phân tích phải thực hiện hàng tuần mới cho ra được kết quả. Đồng thời khi có kết quả, Thủ tướng chỉ đạo phải theo trình tự khoa học, chúng tôi tổ chức Hội đồng khoa học của Nhà nước để đánh giá, xin ý kiến của nhà phản biện độc lập, sau đó mới công bố.

17h45: Để khắc phục hậu quả, Công ty Formosa cam kết 5 điều:

-Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.

-Thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường thiệt hại môi trường… với tổng số tiền 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ

-Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, không để tái diễn sự cố môi trường như thời gian qua

-Phối hợp với các Bộ, ngành, các tỉnh miền Trung khắc phục sự cố ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự, tạo niềm tin cho nhân dân Việt Nam và quốc tế.

-Thực hiện đầy đủ các cam kết trên, không để tái diễn vi phạm, nếu vi phạm sẽ chịu các chế tài xử phạt của VN.

17h30: Sau khi Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu, Chính phủ cho phát một đoạn video ghi lại lời xin lỗi của đại diện Công ty Formosa. Theo đó, người này công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, cam kết sẽ khắc phục hậu quả, đồng thời không để xảy ra các vi phạm tương tự.

17h23: Formosa cho biết sẽ thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường thiệt hại môi trường… với tổng số tiền 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ

17h17: Với nội dung liên quan việc công bố nguyên nhân sự cố gây cá chết hàng loạt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại: Tháng 4 vừa rồi, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung nươc ta đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng làm hải sản chết bất thường. Chính phủ  chỉ đạo các cơ quan chức năng, khoa học xác định làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý. Giao Bộ KHCN chủ trì phối hợp với Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam huy động trên 100 nhà khoa học đầu ngành của 30 cơ quan trong và ngoài nước tổ chức thu thập dữ liệu, có sự phản biện của các chuyên gia quốc tế, và xác định nguồn thải lớn nhất xuất phát từ khu vực Vũng Áng của Hà Tĩnh.

Chứa chất độc có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển là nguyên nhân làm hải sản chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy biển. Bộ TN-MT rà soát nguồn thải, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các Bộ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và phát hiện ra công ty Formosa có một số hành vi vi phạm, có hành vi xả thải ra biển vượt quá mức cho phép. Từ các căn cứ trên, các cơ quan chức năng của VN đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà KH trong nước và quốc tế kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành, thử nghiệm của nhà máy Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường ở hà Tĩnh trong tháng 4 vừa qua.

17h10: Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ông Dũng cho biết cuộc họp báo chuyên đề này sẽ tập trung vào 2 nội dung lớn.

Thứ nhất là thông báo ban hành các nghị định quy định chi tiết các Luật, pháp lệnh, đặc biệt là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, có hiệu lực từ 1/7.

Nội dung rất quan trọng khác là thực hiện theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 6 sẽ công bố nguyên nhân sự cố môi trường khiến hàng loạt hải sản chết bất thường ở các tỉnh miền Trung thời gian qua.

Anh6

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính Phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo

 17h5: Đại diện Văn phòng Chính phủ tuyên bố bắt đầu cuộc họp báo chuyên đề, tập trung nội dung lớn là công bố nguyên nhân gây ra sự cố môi trường và cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung.

16h45:  Tại Trung tâm Hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong, phóng viên nhiều báo đã đến, chuẩn bị đưa tin. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sẽ chủ trì cuộc họp báo. Tham dự có lãnh đạo nhiều Bộ ngành như Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Công thương, Khoa học Công nghệ, NN&PTNT, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh…

Anh4

Rất  đông phóng viên tới đưa tin cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết ở miền Trung. Ảnh: H.Thu

 16h30: Phóng viên Báo Giao thông có mặt tại Formosa cho biết, cổng vào nhà máy rất vắng lặng. Người dân quanh khu vực cho biết nhiều công nhân nhà máy được cho nghỉ từ vài ngày nay. 

16h15: VnExpress đưa tin, trong buổi sáng 30/6, bức thư của Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh đã được các trưởng bộ phận đọc lại toàn văn cho nhân viên làm việc tại Formosa Hà Tĩnh

16h00: Mặc dù 17h chiều nay (30/6), Văn phòng Chính phủ mới tổ chức cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết ở các tỉnh miền Trung nhưng ngay trong sáng 30/6, Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh Trần Nguyên Thành đã ký bức thư gửi đến toàn thể cán bộ nhân viên công ty, thừa nhận Formosa Hà Tĩnh đã gây ra hiện tượng cá chết.

Theo đó, ông Chủ tịch Formosa cho rằng: "Đối với hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua, theo kết quả điều tra của đoàn kiểm tra liên ngành của do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nhận định rằng công ty trong giai đoạn vận hành thử, do những sai sót của các nhà thầu phụ gây ra cá chết. Mặc dù, đây là một kết quả chúng tôi không mong muốn, nhưng công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ".

Ông Trần cũng khẳng định: "Trong bất kì tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam".

formosa-1548

Bức thư của Chủ tịch Formosa Trần Nguyên Thành, thừa nhận gây ra hiện tượng cá chết

15h30: Trong lịch sử, thế giới đã từng chứng kiến rất nhiều thảm họa môi trường tồi tệ. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã phải trả giá đắt cho những hành vi gây ô nhiễm môi trường của mình.

Cụ thể, Từ năm 1932 đến năm 1968, Chisso đã đổ tổng cộng 27 tấn hợp chất thủy ngân vào Vịnh Minamata tại Nhật Bản. Sau đó, Tổng công ty Chisso đã phải trả hơn 86 triệu USD, đồng thời được yêu cầu phải dọn sạch ô nhiễm môi trường do tập đoàn gây ra.

Năm 2010, tại giàn khoan dầu Deepwater Horizon phát nổ khiến 11 người thiệt mạng và 4,2 triệu thùng dầu tràn ra biển. BP bị chính phủ Mỹ phạt gần 20 tỷ USD.

Tháng 2/2011, tòa án Ecuador đã đưa ra phán quyết cho Tập đoàn Chevron của Mỹ phải bồi thường 18 tỷ USD vì hành vi xả thải trực tiếp tại sông Amazon trong suốt 20 năm. Sau đó, bức án này đã được giảm xuống 9,5 tỷ USD.

Video Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016  cho biết đã xác định được nguyên nhân cá chết nhưng... chưa công bố (nguồn: Chinhphu.vn)

14h30: Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ trực tuyến chiều 30/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực và làm hết sức mình để tìm ra nguyên nhân cá chết ở miền Trung. Thủ tướng khẳng định: “Chiều nay, Chính phủ sẽ chính thức công bố nguyên nhân và những giải pháp đã làm để khắc phục sự cố môi trường nghiêm trọng ở miền Trung. Nhưng bài học về kinh tế môi trường ở đây là gì? Đó là vấn đề hết sức nghiêm trọng”.

14h05: Bắt đầu phiên họp Chính phủ trực tuyến

13524010_974458316000487_404011797_o

Các phóng viên đến dự và đưa tin phiên họp Chính phủ trực tuyến chiều 30/6

Bộ TN&MT: "Cá chết do thủy triều đỏ, không phải Formosa"

Ngày 27/4, Bộ TN&MT công bố 2 nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt, trong đó có thủy triều đỏ, không liên quan đến Formosa. 

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT thông báo kết quả cuộc họp chiều hôm nay. Thứ trưởng Nhân nhận định thông tin cá chết thời gian gần đây gây hoang mang cho người dân, đời sống sản xuất tại 4 tỉnh miền Trung. Bộ TN&MT lưu ý dư luận cần bình tĩnh đồng hành cùng cơ quan quản lý tìm ra nguyên nhân, giải pháp xử lý.

“Thực hiện chỉ đạo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ đã tiến hành cuộc họp đánh giá nguyên nhân và tìm ra giải pháp. Trước đó Bộ TN&MT, NN&PTNT đã có nhiều đoàn khảo sát tìm hiểu tại 4 tỉnh. Đòi hỏi cần có thời gian mới tìm ra nguyên nhân. Đây là vấn đề nóng, càng đòi hỏi cơ quan quản lý vào cuộc sớm. Tuy nhiên cần phải tiến hành bài bản để các nhà khoa học, phòng thí nghiệm xác định rõ bản chất vấn đề”, ông Nhân nói.

Ông Nhân cho biết, trong cuộc họp chiều nay, Bộ TN&MT mời bộ ngành liên quan, chuyên gia Nhật Bản thảo luận về những kết quả bước đầu tìm hiểu sự việc. Sau thảo luận, cơ quan quản lý và các nhà khoa học thống nhất 2 nguyên nhân chính.

Đó là: "Do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền, trên biển" và "Do hiện tượng dị thường của thiên nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa, thủy triều đỏ như đã xảy ra ở nhiều nước".

Đến thời điểm này, qua kiểm tra thu thập chứng cứ chưa có bằng chứng cho thấy có sự liên hệ giữa nhà máy Formosa với việc cá chết hàng loạt.

Qua số liệu quan trắc và đánh giá của các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, môi trường nước biển chưa phát hiện thông số vượt tiêu chuẩn. Để xác định rõ nguyên nhân cụ thể hiện tượng cá chết hàng loạt và có các giải pháp ứng phó về lâu dài với các thảm họa tương tự, cần tổ chức nghiên cứu làm rõ 2 nhóm nguyên nhân trên.

14h00: Diễn biễn vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung

- Ngày 6/4: Xuất hiện hiện tượng cá chết tại một số của biển ở Hà Tĩnh

- Ngày 10/4: Hiện tượng cá chết lan dần đến Quảng Bình, Quảng Trị.

- Ngày 15/4: Cá chết xuất hiện ở Thừa Thiên - Huế.

- Ngày 20/4: Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà họp khẩn với các đơn vị trong bộ và xác định: Không loại trừ nguyên nhân ô nhiễm môi trường.

-  Ngày 21/4: Ngư dân Nguyễn Xuân Thành ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh thông tin về ống xả thải khổng lồ chạy dưới biển, một đầu đường ống nối với Khu công nghiệp Formosa… Cũng trong ngày 21/4 đoàn công tác đầu tiên của Tổng cục Thủy sản - Bộ NNPTNT, đến thị xã Kỳ Anh để kiểm tra thực tế, tìm hiểu nguyên nhân.

ca-chet-1802-1955

Ngư dân bị ảnh hưởng vụ cá chết được Chính phủ tăng mức hỗ trợ 

- Ngày 22/4, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh xác nhận đường ống dẫn thải ra biển của KCN Vũng Áng là hợp pháp, đã được phê duyệt. 

- Ngày 23/4 : Tại Hà Tĩnh, các bộ liên quan có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế

-  Ngày 25/4: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo kiểm tra thực địa tại tỉnh Hà Tĩnh và tình hình cá chết tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

- Ngày 25/4: Trả lời trên VTC, ông Chu Xuân Phàm - Phó phòng Đối ngoại Formosa đã đưa ra phát ngôn gây sốc: “Phải chọn tôm cá hay xây dựng ngành thép”.

- Ngày 25/4: Lãnh đạo công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã cúi đầu xin lỗi toàn thể người dân Việt Nam về những phát biểu gây sốc của ông Chu Xuân Phàm.

- Ngày 27/4: Họp báo công bố nguyên nhân cá chết. Cuộc họp báo sau đó khoanh vùng hai nguyên nhân: Độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và tảo nở hoa.

- Ngày 28/4: Ông Chu Xuân Phàm thông tin mình bị đuổi việc vì phát ngôn gây sốc. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đi kiểm tra Formosa.

- Ngày 1/5: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Bất cứ tổ chức, cơ quan, cá nhân nào vi phạm cũng phải làm rõ và không được bao che ai”.

- Ngày 2/5: Bộ trưởng Bộ TNMT làm việc với các chuyên gia Đức, Mỹ, Israel  cùng 100 chuyên gia trong nước để tìm ra nguyên nhân cá chết

- Ngày 4/5:  Tổ công tác liên ngành bắt đầu làm việc kiểm tra Formosa Vũng Áng trong 4 ngày.

- Ngày 14/5: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết đã đủ cơ sở khoa học để xác định nguyên nhân cá chết.

- Ngày 2/6: Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn thông tin: “Đã xác định nguyên nhân cá chết nhưng chưa thể công bố”.

- Ngày 28/6: Bộ TT&TT chính thức thông báo về cuộc họp của Chính phủ, trong đó sẽ dành thời lượng lớn để thông tin tới người dân nguyên nhân và thủ phạm gây ra cá chết.

- Ngày 30/6: Họp báo.

13h30: Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, đã có nguyên nhân cá chết hàng loạt, nhưng chưa thể công bố. Theo ông, việc này không chỉ cần bằng chứng khoa học mà còn phải điều tra đầy đủ chứng cứ vi phạm pháp luật. "Bất kỳ sơ suất nào trong xác định nguyên nhân cũng có thể dẫn đến sai lầm trong khắc phục hậu quả", ông Tuấn nói.

13h00: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định sửa đổi bổ sung một số nội dung về hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường. Theo đó, hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian tối đa sáu tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu và hộ gia đình bị ảnh hưởng do cá chết.

Các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước VN chỉ định với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản từ ngày 05/5/2016 đến 05/7.2016.

12h30: Thông tin từ PV Báo Giao thông gửi về, cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ sẽ diễn ra từ 14h00 chiều 30/6. Sau đó, VPCP sẽ chủ trì họp báo công bố nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết ở miền Trung.

12h00: Theo thông tin mới nhất, cuộc họp báo này sẽ do Văn phòng Chính phủ chủ trì cùng với các Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TN&MT, Bộ KH&CN, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.

Trước đó, trong buổi họp báo sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Công an, Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát Bộ Công an cũng cho biết “trong ngày 30/6 sẽ họp báo công bố rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra cá chết”.

Trả lời câu hỏi của báo giới, Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát Bộ Công an cho biết Bộ Công an được Chính phủ giao phối hợp với các cơ quan chức năng, đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên & Môi trường làm rõ nguyên nhân, xác minh vi phạm để xử lý.

“Việc này đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp” – Trung tướng Vệ cho biết thêm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngay sau khi phát hiện cá chết bất thường, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo kịp thời và quyết liệt các Bộ ngành, địa phương.

Có hơn 30 bộ, ngành địa phương đã vào cuộc tìm nguyên nhân cá chết; hàng trăm nhà khoa học trong nước, quốc tế cùng tham gia thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác minh, điều tra nguyên nhân trên nguyên tắc phải dựa vào khoa học khách quan, chặt chẽ về tính pháp lý. Trong quá trình điều tra, quan điểm của Thủ tướng nêu rõ, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết nhưng trước khi có kết luận chính thức, Thủ tướng đã giao các cơ quan chức năng mời các nhà khoa học, cũng như các nhà tư vấn trong và ngoài nước để phản biện độc lập. Vì xác định đây là vấn đề rất quan trọng, khi công bố phải đảm bảo chứng cứ, đảm bảo tính pháp lý, tính khách quan.

Hiện tượng hải sản chết bất thường, hàng loạt bắt đầu xảy ra từ ngày 6/4 tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của Thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại Quảng Bình ngày 10/4, Thừa Thiên Huế ngày 15/4, Quảng Trị ngày 16/4 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng 4/5.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.