Xã hội

Hội thảo quốc tế về phát triển xe điện ở Việt Nam

Trao đổi và thảo luận về những cơ hội và thách thức đối với việc thúc đẩy phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện ở Việt Nam.

xem toàn bộ ảnh của bài
Mới nhất Sắp xếp diễn biến mới trước img Cũ nhất Sắp xếp diễn biễn cũ trước

11h40

Hội thảo kết thúc. Các đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm.

img

Phần tọa đàm khép lại. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu ghi nhận sau hội thảo.

img

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn phát biểu kết thúc hội thảo

Cần chuyển đổi nhận thức, người dân không nhất thiết phải đi xe quá to, phát thải nhiều

Ông Khuất Việt Hùng gửi câu hỏi tới UNDP về việc quốc tế sẽ hỗ trợ gì để Việt Nam chuyển đổi năng lượng xanh?

Ông Đào Xuân Lai - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và môi trường, UNDP: UNDP không thể trả lời thay cho tất cả tổ chức quốc tế, chúng ta phải cùng chung tay để giải quyết vấn đề này.

Từ góc độ phát triển và cơ hội, VINFAST nhìn thấy cơ hội, Việt Nam cũng nên nhìn thấy cơ hội. Chúng ta có tiềm lực, tôi hy vọng cơ hội mở ra lĩnh vực ngành nghề mới.

img

Ông Đào Xuân Lai - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và môi trường, UNDP

Thứ ba, chuyển đổi giao thông chỉ là một trong những vấn đề. Ngoài ra còn có chuyển đổi năng lượng. Trong đó, các tổ chức quốc tế, các nước phát triển có trách nhiệm huy động nguồn lực để chuyển đổi năng lượng. Nếu sử dụng năng lượng như bây giờ, thì cũng chưa “xanh lắm”.

Chúng tôi chỉ hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, còn kinh phí thì sẽ là khối tư nhân.

Nhưng nhận thức rất quan trọng. Người dân không nhất thiết phải đi xe quá to, phát thải nhiều.

Ông Khuất Việt Hùng: Như vậy, có thể nói xe điện là cơ hội cho ngành công nghiệp của Việt Nam nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hoá của Việt Nam nói chung hay không?

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương: Đúng vậy, thực sự ngành ô tô quy tụ hàm lượng công nghệ lớn.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công thương được Chính phủ giao chủ trì chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ (cung cấp sản phẩm nguyên, phụ liệu phụ trợ để sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh). Nếu ngành công nghiệp phụ trợ phát triển thì có thể giúp kéo giảm giá thành sản phẩm.

Thời gian vừa qua, chúng tôi đã có nhiều hoạt động tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ, từ năng lực quản trị đến sản xuất… để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần phát triển ngành ô tô nói riêng và ngành công nghiệp nói chung.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội nhiều các văn bản ưu đãi về thuế, phí với xe điện

Tiếp tục phần tọa đàm, ông Khuất Việt Hùng mời đại diện Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính chia sẻ thêm về những chính sách thuế đang dành cho phương tiện xanh và liệu sẽ có nhiều hơn nữa trong tương lai hay không?

Bà Trần Thị Bích Ngọc Trưởng phòng chính sách thuế xuất nhâp khẩu, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính: Hiếm có ngành nào được hỗ trợ nhiều về chính sách thuế như ngành công nghiệp ô tô.

Đối với xe điện, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội rất nhiều các văn bản ưu đãi về thuế, phí.

img

Bà Trần Thị Bích Ngọc Trưởng phòng chính sách thuế xuất nhâp khẩu, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính

Ô tô xanh có rất nhiều loại và mỗi loại sẽ có những chính sách ưu đãi riêng. Gần đây, Nghị định 57 cũng được ban hành để hỗ trợ phát triển ngành ô tô, bao gồm cả xe điện. Trong đó quy định, các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế đáp ứng điều kiện có dây chuyền sản xuất lắp ráp, sản xuất xe điện và đáp ứng một sản lượng nhất định (thấp hơn so với xe xăng) sẽ được nhập khẩu linh kiện với mức thuế 0% (áp dụng với linh kiện trong nước chưa sản xuất được).

Cơ bản trong bộ linh kiện của xe điện nhập khẩu về đều được áp mức thuế 0%, trong khi, nếu ô tô xăng nhập khẩu nguyên chiếc, mức thuế áp dụng thông thường là 70%. Như vậy, sản xuất, lắp ráp xe điện trong nước đang được khuyến khích rất nhiều.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, xe xăng kết hợp năng lượng điện hoặc năng lượng sinh học và trong đó tỷ trọng xăng sử dụng trong tổng năng lượng tiêu thụ chiếm không quá 70% sẽ được áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) bằng 70% mức thuế áp dụng cho xe chạy xăng, dầu.

Gần đây, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thực hiện theo các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Bộ Tài chính cũng đã trình, ban hành những văn bản trong đó giảm đáng kể mức tiêu thụ đặc biệt của ô tô chạy pin so với xe chạy xăng, dầu.

Cụ thể, từ 1/3/2022 – 28/2/2027, thuế suất thuế TTĐB đối với xe chạy pin, tuỳ theo chỗ ngồi sẽ là 1 - 2 - 3% và từ năm 2027 trở đi sẽ là 4 - 7 - 11%, tương ứng với số chỗ ngồi khác nhau. Trong khi đó, xe xăng sẽ là 15-150%, cao hơn rất nhiều.

Về lệ phí trước bạ, xe điện cũng có ưu đãi rất cao, theo Nghị định 10 mới trình thì quy định lệ phí trước bạ đối với xe chạy pin giảm 100% đối với 3 năm đầu và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.

Với những chính sách trên, tôi tin rằng sẽ góp phần lớn khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện vì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều về chính sách thuế, phí.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp sản xuất pin cũng sẽ được áp dụng theo chính sách của công nghệ cao (hiện đang được ưu đãi cao nhất về mức thuế).

Đối với các trạm sạc, nếu đầu tư tại các địa bàn được ưu đãi cũng sẽ nhận được nhiều chính sách về đầu tư xây dựng trạm sạc.

Cách nào kéo giảm giá phương tiện xanh?

Ông Khuất Việt Hùng: Hà Nội đã có nghị quyết của HĐND thành phố về hạn chế, tiến tới dừng sử dụng mô tô, xe máy, thì là dừng chạy xăng hay dừng cả chạy điện. Nếu chỉ dừng xe máy chạy xăng thì phương án thay thế, chuyển sang xe máy điện làm thế nào?

Ông Thái Hồ Phương - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội: Hà Nội đề xuất lộ trình 10 năm thay thế phương tiện sạch vì nhiều phương tiện chạy diesel đến năm 2025 theo lộ trình sẽ phải thay thế, mà đến năm 2026 tiếp tục phải thay thế sang xe năng lượng sạch thì lãng phí.

img

Ông Thái Hồ Phương - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội

Đề xuất quá trình thực hiện và thay thế phương tiện từ năm 2025 đến 2035 vừa tránh lãng phí đầu tư phương tiện, vừa đảm bảo Quy định 876, vừa đáp ứng yêu cầu về phương tiện xanh.

Chúng tôi kiến nghị có cách nào kéo giá phương tiện xuống không, vì giá phương tiện xanh hiện nay gấp 2 và 2,5 lần phương tiện diesel. Trong khi đó, hạn mức kinh phí địa phương và Chính phủ chỉ ở mức nhất định.

Hà Nội đang thực hiện 2 đề án phân vùng và thu phí, đều trong quá trình tư vấn và nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia và người dân. Sau khi Sở GTVT lấy ý kiến xong, sẽ có câu trả lời cụ thể hơn.

Ô tô đi trên cao tốc sẽ sạc điện ở đâu?

Ông Khuất Việt Hùng quay trở lại vấn đề trạm sạc với câu hỏi: Hiện chưa làm quy hoạch về trạm sạc. Xin một chuyên gia để kiến giải, làm rõ hơn về vấn đề quy hoạch trạm sạc.

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng KHCN& Hợp tác Quốc tế, Cục đường bộ VN: Bên cạnh quyết định 876 về phát triển xanh, còn có quyết định 888 về kế hoạch thực hiện cam kết trong COP26, trong đó giao cho Bộ GTVT phối hợp với các địa phương phát triển hạ tầng sạc trên các đường quốc lộ và các đô thị.

img

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng KHCN& Hợp tác Quốc tế, Cục đường bộ VN

Theo quyết định này, Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm phát triển hệ thống trạm sạc trên mạng lưới đường bộ mà Bộ GTVT quản lý như đường quốc lộ, đường cao tốc còn đường địa phương, đường đô thị sẽ do các địa phương chịu trách nhiệm.

Hiện Bộ GTVT đã được Chính phủ phê duyệt quyết định 1454 về mạng lưới đường bộ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 và tiếp tục thực hiện Luật quy hoạch.
Để triển khai phê duyệt mạng lưới đường bộ theo Quyết định 1454, chúng tôi đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho mạng lưới quốc lộ, trong đó coi trạm sạc là 1 kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặt trạm sạc trên quốc lộ và đường cao tốc.

Theo kinh nghiệm quốc tế, đối với quốc lộ, xe có thể dễ dàng tiếp cận 2 bên đường còn trên đường cao tốc thì không dễ, chỉ có thể tiếp cận ở hai trạm dừng nghỉ.

Dự kiến tháng 9/2023, Cục Đường bộ VN sẽ hoàn thành quy hoạch này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Có quy hoạch lưới điện riêng cho trạm sạc sẽ an toàn hơn

Ông Khuất Việt Hùng tiếp tục nêu vấn đề: Một ô đỗ xe dựng trạm sạc ở đó như thế nào? Phương án bảo đảm an toàn như thế nào? Cần diện tích bao nhiêu, tiếp cận khi xảy ra sự cố như thế nào? Cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn.

GS. TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Tôi có thêm một ý, hiện chúng ta chưa có quy hoạch lưới điện phục vụ phương tiện dùng điện. Đây là lý do VINFAST bị phản đối vì sợ cháy nổ. Tất nhiên, VINFAST phải tính toán đáp ứng nhu cầu thì mới phát triển hệ thống trạm sạc. Đương nhiên, hiệu quả sẽ giới hạn. Nếu có quy hoạch lưới điện riêng cho trạm sạc thì sẽ tốt hơn nhiều, hệ thống trạm sạc sẽ tốt hơn, an toàn hơn.

img

GS. TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Ông Khuất Việt Hùng tiếp tục đặt câu hỏi tới khách mời: Có một câu hỏi, chúng ta đặt ra vấn đề liệu có thay đổi chiến lược phát triển ô tô? Chính sách phát triển ô tô điện như thế nào để phù hợp mục tiêu Quyết định 876 của Thủ tướng?

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương: Chiến lược ô tô điện đã được phê duyệt từ năm 2014. Hiện mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, chính sách nhà nước hỗ trợ cho ngành ô tô cũng tương đương Thái Lan, Malaysia, Indonesia, mới chỉ tập trung vào thuế (như thuế tiêu thụ đặc biệt, trước bạ).

img

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ đề xuất sửa đổi Quyết định 1168 đảm bảo chiến lược này phù hợp với sự phát triển hiện nay.

Ông Khuất Việt Hùng: Xin hỏi thêm anh Tuấn Anh, anh Thành vừa nói cao nhất của ô tô điện là ô tô thông minh. Định hướng ô tô điện ở Việt Nam chúng ta hướng đến nhóm nào? Có tiến tới phát triển xe thông minh?

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương: Đây là xu thế mới của thế giới, ở VN chúng tôi cho rằng chưa đề cập tới xe thông minh do mới, quá xa so với nhu cầu và thực trạng của Việt Nam.

Trong mục tiêu Quyết định 876 đặt ra có mốc cụ thể, đó là năm 2025, xe buýt thay mới phải xanh. Tới năm 2030, 100% xe chạy điện phải xanh.

Ông Khuất Việt Hùng: Xin hỏi đại diện Cục Đường bộ VN, trong dự thảo Luật Đường bộ sửa đổi đang được xây dựng, có chính sách mới nào nhằm khuyến khích phát triển xe điện không? Các chính sách về điều kiện của phương tiện tham gia giao thông, điều kiện kinh doanh vận tải và quy chuẩn trạm dừng tương lai có bổ sung hệ thống sạch, cập năng lượng xanh?

Ông Đỗ Công Thuỷ, Trưởng phòng Vận tải (Cục Đường bộ VN): Trên cơ sở Quyết định 876 của Thủ tướng, Dự thảo Luật đã trình Chính phủ qua một, hai vòng. Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ đang tiếp tục giao Bộ GTVT nghiên cứu và hoàn thiện dự thảo. Dự thảo mới nhất chưa đề cập lộ trình sử dụng xe ô tô điện và năng lượng sạch mà mới ở mức độ khuyến khích.

img

Ông Đỗ Công Thuỷ, Trưởng phòng Vận tải (Cục Đường bộ VN)

Trên cơ sở Quyết định 876, Bộ GTVT và Cục Đường bộ VN sẽ nghiên cứu lộ trình quy định trong Dự thảo Luật.

Ngoài xe buýt, xe taxi, còn nhiều xe khác nữa, ví dụ như xe du lịch. Chúng ta phải có lộ trình cụ thể. Ví dụ đến năm 2050 phát thải bằng 0 thì đến năm 2035 loại xe này sẽ phải là xe năng lượng sạch.

Năm 2030, đội ngũ kỹ sư riêng về ô tô sẽ đáp ứng được việc chuyển đổi phương tiện dùng điện

Ông Khuất Việt Hùng: Sự chuẩn bị nhân lực để thực hiện Quyết định 876 được thực hiện như thế nào thưa GS. TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội?

GS. TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Xu thế phát triển xe điện là xu thế tất yếu và Việt Nam đang đi theo đúng lộ trình đó.

Đối với các trường đại học, đặc biệt các trường đại học kỹ thuật, hiện nay đã có các chương trình đào tạo liên quan đến ô tô điện, và đang định hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng phương tiện dùng điện trong tương lai.

Đối với nguồn nhân lực, tôi tin rằng đến năm 2030, đội ngũ kỹ sư riêng về ô tô khi ra trường chắc chắn đủ khả năng để đáp ứng được việc chuyển đổi sang sử dụng phương tiện dùng điện.

Tuy nhiên, phát triển phương tiện dùng điện cần đến nhiều nguồn lực khác, không chỉ riêng con người, mà phải gồm cả các nguồn lực đến từ tất cả các ngành nghề khác nhau của xã hội, chứ không phải chỉ mỗi ngành giao thông.

Các chiến lược phát triển xe điện, tôi nghĩ rằng cần tận dụng mọi nguồn lực của xã hội thay vì tập trung vào ngành giao thông, vì như thế sẽ rất dễ xây dựng một chiến lược mà khó có thể triển khai.

Tác động của việc chuyển đổi phương tiện từ động cơ đốt trong sang sử dụng điện sẽ rất lớn, tôi nghĩ rằng, cần tính đến phương thức tổ hợp thay vì chỉ nhìn thấy duy nhất một cái đích.

Lúc nãy ông Hùng có nói: “Phương tiện dùng điện đích đến có thể là phương tiện tự lái. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, việc phát triển phương tiện sẽ theo 4 từ khoá: điện - chia sẻ - kết nối - tự hành, trong đó 3 phương thức phía sau sẽ là 3 phương thức vận tải chủ đạo và nền tảng là dùng điện.

Có cần xây dựng tiêu chuẩn riêng về trạm sạc?

Sau phần trả lời của đại diện VINFAST, ông Khuất Việt Hùng tiếp tục đặt câu hỏi: Vậy hiện nay, chúng ta có cần xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về trạm sạc hay không?

Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ GTVT: Trách nhiệm ban hành quy định quản lý, quy chuẩn/tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc thuộc về Bộ Công thương.

img

Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ GTVT

Theo luật quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, khi chưa có quy chuẩn/tiêu chuẩn quốc gia thì tuỳ theo công nghệ, bí quyết, quy định riêng của từng hãng, các doanh nghiệp sẽ tìm những tiêu chuẩn trên thế giới để áp dụng.

Toàn bộ yêu cầu về điện, đấu nối, vận tải điện, an toàn điện, hoàn toàn đã có tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để vận hành an toàn.

Ông Phạm Minh Thành - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, Bộ GTVT: Liên quan việc có cần bổ sung thêm quy chuẩn riêng cho xe điện hay không thì chúng tôi xin có ý kiến như sau. Thứ nhất, xe điện tương tự như các dòng xe khác ( xe xăng, diezen, CNG…) cũng phải đảm bảo các điều kiện an toàn và tuân thủ các quy định của Luật GTĐB. Bản chất của hai dòng xe này chỉ khác nhau về nguồn năng lượng.

img

Ông Phạm Minh Thành - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN

Trong quá trình phát triển, khi hình thành dòng xe mới, phân loại mới thì sẽ là dòng xe tự lái, khi đó không còn vô lăng nữa. Đây là vấn đề rất đau đầu sau này sẽ quản lý thế nào.

Liên quan đến quy chuẩn thì Quy chuẩn 09 của Bộ GTVT ban hành đã đáp ứng được các quy định liên quan đến việc kiểm soát an toàn kỹ thuật về môi trường với xe ô tô điện. Chúng tôi đã thử nghiệm và chứng nhận được phương tiện này từ năm 2014.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đối với xe điện quá nhanh, theo lộ trình chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi Quy chuẩn 09 theo hướng bổ sung thêm các quy định về các công nghệ, định hướng phân loại phương tiện, công nghệ hỗ trợ tính năng lái tự động, phân loại phương tiện theo cấp độ tự động lái.

Theo NQ 102 của Quốc hội đã chỉ ra VN sẽ tham gia Nghị định 158 trước 8/2023, chúng tôi đang xây dựng quy trình cố gắng phấn đấu tham gia ký kết trước tháng 4, đồng thời trình lên bộ, Chính phủ về Nghị định FTA hài hoà các quy định giữa các quốc gia trong đó có VN.

Mong trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo mới cũng cần ý kiến của các doanh nghiệp để các quy định đưa ra không bị vương mắc, thúc đẩy sự phát triển của ngành xe điện.

Sạc xe máy điện tại nhà chưa tích hợp chung với ô tô

Mở phần tọa đàm, ông Khuất Việt Hùng gửi câu hỏi tới đại diện VINFAST.

Ông Khuất Việt Hùng: Việt Nam là một trong số ít quốc gia có đơn vị sản xuất, kinh doanh về xe điện. Một khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là trạm sạc. Vậy xin hỏi rất nhanh anh Thắng, đại diện VINFAST, hiện nay đang vướng mắc gì ở vấn đề trạm sạc?

Ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VINFAST: Trong quá trình xây dựng trạm sạc chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Khoa học và công nghệ có quy chuẩn/tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống/thiết bị bảo vệ trạm sạc. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế.

img

Ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc, đại diện VINFAST

Một số khó khăn khác như về vấn đề pháp lý, việc hướng dẫn lắp đặt trạm sạc ở mỗi địa phương cụ thể có hướng dẫn lắp đặt khác nhau, nguồn điện/mức độ cung cấp điện không đồng đều…

Hiện nay, chúng tôi đang tập trung vào sản xuất trạm sạc cho ô tô điện. Với xe máy, việc sạc tại nhà đơn giản nên chưa tích hợp chung với ô tô.

Trong tương lai, VINFAST sẽ phát triển trạm sạc để có thể tích hợp cả xe ô tô và xe máy điện.

Hội thảo bắt đầu phần tọa đàm

Hội thảo tiếp tục phần tọa đàm nhằm trao đổi và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các loại phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện tại Việt Nam.

TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia điều phối chương trình.

img

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia điều phối phần tọa đàm

Khách toạ đàm được mời lên sân khấu gồm: Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương.

Ông Phạm Minh Thành - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN

Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ GTVT.

Chuyên gia: GS. TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đại diện UNDP: Ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban biến đổi khí hậu và Môi trường

Đại diện VAMA: Ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Truyền thông.

Đại diện VINFAST: Ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc.

img

Các khách mời tham gia tọa đàm

Ông Nguyễn Hoài Nam, Cố vấn năng lượng và An ninh năng lượng (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID) trình bày tham luận “Sự hỗ trợ quốc tế thúc đẩy phát triển giao thông điện và giao thông xanh tại Việt Nam”.

img

Ông Nguyễn Hoài Nam, Cố vấn năng lượng và An ninh năng lượng (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID) trình bày tham luận tại hội thảo

Giá xe là yếu tố quan trọng để phổ cập hóa xe điện

Ông Đào Công Quyết, đại diện cho Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam trình bày tham luận: “Những điều kiện cần thiết để hình thành và thúc đẩy thị trường xe điện tại Việt Nam và đề xuất lộ trình mới cho xe điện tại Việt Nam”.

img

Ông Đào Công Quyết, đại diện cho Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo

Ông Đào Công Quyết, xe điện hóa là xu hướng chung trên toàn cầu.

Về sự phát triển của thị trường ô tô ở Việt Nam, ông Quyết cho biết, từ năm 2015 đến nay, doanh số bán của toàn thị trường từng năm tăng dần. Theo thống kê 8 tháng đầu năm, thị trường cả nước đã bán ra hơn 236.000 xe.

img

Sự phát triển của thị trường ô tô tại Việt Nam

Về các yếu tố tác động tới sự chuyển đổi sang xe điện hóa tại Việt Nam, ông Quyết đề cập đến 3 yếu tố.

Cụ thể, gồm: Yếu tố phát thải CO2 và cơ cấu năng lượng.

Khi các quốc gia đặt mục tiêu giảm khí thải CO2 cần tính đến cả CO2 phát thải trong quá trình sản xuất xe, sản xuất pin và CO2 phát thải trong quá trình tạo ra điện để nạp cho xe trong trường hợp của xe điện.

Từ năm 2016-2018, ở Việt Nam, do hệ số phát thải của điện lưới còn cao nên có thể nói rằng xe xăng/dầu “xanh hơn” so với các xe sạc điện nếu xét đến mức phát thải (gCO2/km) cho tất cả các quá trình: Well-to-Wheel, quá trình sản xuất xe và quá trình sản xuất pin cho xe điện.

Yếu tố Cơ sở hạ tầng (Trạm sạc), yêu cầu phải Trạm sạc có chi phí hợp lý: Đối với các nước đã phát triển về các dòng xe điện hóa, trạm sạc là điều kiện tiên quyết. Trạm sạc cũng cần được bao phủ rộng rãi với chi phí hợp lý cho khách hàng.

Do đặc thù Việt Nam, hầu hết các gia đình không đủ điều kiện để lắp đặt trạm sạc tại nhà, trong khuôn viên của gia đình mình trong khi sạc tại nhà là một hình thức sạc phổ biến cho xe điện. Tiêu thụ điện để sạc cho xe điện đòi hỏi nguồn cung cấp điện của Việt Nam phải tăng lên rất nhiều.

Yếu tố Ngành công nghiệp (Chi phí sản xuất - giá xe), để phổ cập xe điện hóa đến khách hàng, giá xe cũng là 1 yếu tố quan trọng. Ở thời điểm năm 2020, chi phí trực tiếp sản xuất ra xe thuần điện cao hơn 45% so với xe động cơ đốt trong. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2030, con số này sẽ được thu hẹp lại còn khoảng 9%.

Đặc biệt, ông Quyết nhấn mạnh, ưu đãi của Chính phủ đóng một vai trò quan trọng tác động tới sự chuyển đổi xe điện hóa.

Trong tham luận, đại diện cho Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cũng gửi tới một số đề xuất về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Theo ông Quyết, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (QĐ 1168/2014/TTg-CP) cần cập nhật với xu thế mới.

"Đề xuất 1: Thực hiện Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ, cần tham vấn Hiệp hội doanh nghiệp để có mục tiêu và lộ trình áp dụng quy định TTNL, chuyển đổi năng lượng trong ngành giao thông, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu phát triển ngành và mục tiêu giảm phát thải.

Đề xuất 2: Phải có chính sách thuế phí và lộ trình phát triển xe điện hóa

Đề xuất 3: Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có tính đến mức phát thải CO2 là công cụ hiệu quả để giảm mức phát thải CO2 (Chi tiết tại Phụ lục)

Đề xuất 4: Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ", ông Quyết trình bày.

Đặc biệt, VAMA mong muốn được phối hợp, trao đổi và tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng, thực hiện các chính sách, văn bản pháp luật trong lĩnh vực này.

Từ 2025, TP.HCM thay mới 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh

Ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. HCM trình bày tham luận về Kế hoạch phát triển phương tiện giao thông điện của thành phố với nội dung "lộ trình và giải pháp phát triển xe điện tại TP.HCM".

img

Ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại hội thảo

Ông An cho biết, nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ngày 22/7/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cac-bon và khí mêtan của ngành giao thông vận tải.

Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh gồm giai đoạn 2022 - 2030 và giai đoạn 2030 - 2050.

Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2030 sẽ phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

TP.HCM đang quản lý 8.447.748 phương tiện; hệ thống hạ tầng giao thông gặp khó vì quỹ đất cho giao thông rất hạn chế

Liên quan đến kế hoạch chuyển đổi và phát triển xe điện, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện nay thành phố đang nỗ lực phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) xây dựng Kế hoạch hành động giao thông vận tải bằng phương tiện giao thông điện cho thành phố, đây là nghiên cứu của hợp phần thuộc Dự án “Hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải thực hiện NDC Việt Nam” trong khuôn khổ dự án khu vực “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước Châu Á” mà Thành phố Hồ Chí Minh là Thành phố được chọn.

Với diện tích hơn tích hơn 2.095km2, dân số trên 9 triệu người, TP.HCM trở thành một đầu mối giao thông của Việt Nam và Đông Nam Á, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không; là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước và là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, thực trạng của hệ thống hạ tầng giao thông thành phố đang có rất nhiều khó khăn như diện tích đất dành cho giao thông rất hạn chế (tổng diện tích mặt đường là 50.630.838m2, với tổng chiều dài tuyến đường là 4.608km. Mật độ đường giao thông đạt 2,26km/km2 và tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,76%).

Trong khi đó, theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2021 thành phố đang quản lý 8.447.748 phương tiện, gồm 819.166 xe ô tô và 7.658.582 xe mô tô (trong giai đoạn từ 2015 - 2021 tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của xe ô tô là 6,65% và của xe mô tô là 1,84%). Theo đó, tỷ lệ xe mô tô 02 bánh cá nhân chiếm 83,95% đây là phương tiện chính trong dòng xe lưu thông tại thành phố; tỷ lệ xe ô tô chở người: 8,1%, xe ô tô tải: 4,17%, xe 3,4 bánh: 2,94%, xe sơ mi rơ móc/rơ móc: 0,66% và xe ô tô chuyên dụng/ô tô khác: 0,18%.

Về phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, hiện nay TP.HCM đang có 2.043 xe buýt tham gia hoạt động trên 127 tuyến, trong đó 1.547 xe buýt sử dụng nhiên liệu dầu diesel, và 496 xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG (97 tuyến có trợ giá và 30 tuyến không có trợ giá).

Từ những phân tích thực trạng nêu trên, ông Bùi Hoà An khẳng định, việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi và phát triển xe điện tại TP. Hồ Chí Minh là rất cần thiết và cấp bách để triển khai các giải pháp theo lộ trình, nhằm thực hiện mục tiêu “Phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050”.

Về việc thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông điện tại thành phố, ông An cho biết, do đang trong quá trình xây dựng Kế hoạch hành động giao thông vận tải bằng phương tiện giao thông điện như nêu trên nên tại thời điểm hiện tại Thành phố chưa đề ra mục tiêu cụ thể nào liên quan đến phát triển phương tiện giao thông điện.

Tuy nhiên, trong Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn TP.HCM, thành phố đã đề cập đến việc nghiên cứu các giải pháp thay thế nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông và nghiên cứu thí điểm xây dựng hệ thống trạm sạc cho các phương tiện giao thông sử dụng điện.

Cụ thể, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố đề ra mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế cacbon thấp, phát triển bền vững trong đó có giải pháp khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong giao thông vận tải.

Ngày 17/10/2020, UBND Thành phố đã phê duyệt Quyết định số 3998/QĐ-UBND trong đó có giải pháp: “Xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư phương tiện xe buýt theo từng giai đoạn, phù hợp với hạ tầng cung ứng nhiên liệu và ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường, thời gian triển khai từ năm 2021 - 2030.”

Về chiến lược lâu dài của Thành phố liên quan đến việc phát triển phương tiện giao thông sử dụng điện, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, phải xây dựng hoàn thiện kế hoạch và đề ra lộ trình phát triển xe điện cho thành phố để thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; kế hoạch phải đảm bảo tính khoa học, phù hợp với mục tiêu và lộ trình chuyển đổi theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cac-bon và khí mêtan của ngành giao thông vận tải.

Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách để đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực thi, thu hút nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia các lĩnh vực phát triển giao thông điện; hỗ trợ khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đáp ứng lộ trình chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện; Thực hiện các giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cơ giới cá nhân:

Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên thành phố sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ liên quan đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác động ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường; Khuyến khích trong việc tham gia giao thông công cộng và thực hiện chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông điện; Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, nghiên cứu sử dụng các công nghệ hiện đại trong quá trình chuyển đổi sử dụng xe điện đặc biệt về việc sử dụng, tái chế và xử lý ắc quy thải ra.

Tiếp tục phần tham luận với phần trình bày của chuyên gia quốc tế. Bà Kathleen Dematera Contreras - Trưởng nhóm giao thông, Mạng lưới không khí sạch Châu Á/dự án SOLUTION plus và SMMR. Bà Kathleen Dematera Contreras sẽ trình bày trực tuyến bài tham luận có tiêu đề: “Kinh nghiệm về thúc đẩy phát triển giao thông điện trên thế giới và bài học cho Việt Nam”.

img

Bà Kathleen Dematera Contreras - Trưởng nhóm giao thông, Mạng lưới không khí sạch Châu Á/dự án SOLUTION plus và SMMR trình bày tham luận tại hội thảo

Từ năm 2030, sử dụng 100% xăng E5

Theo bà Hiền, đây là nhiệm vụ và cơ hội của ngành giao thông: Thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; Phát triển đồng bộ, hiện đại, bền vững; Bắt kịp xu thế và trình độ tiên tiến của thế giới.

Mục tiêu: Hệ thống GTVT xanh, phát thải ròng KNK về “0” vào năm 2050 .

Lộ trình chuyển đổi

Về Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ:

Từ năm 2022, về phương tiện: Mở rộng phối trộn, sử dụng xăng E5; Thúc đẩy SX, LR và NK phương tiện sử dụng điện

Về hạ tầng sạc điện: Phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp.

Từ năm 2030, về phương tiện: Sử dụng 100% xăng E5; Từng bước hạn chế SX, LR và NK phương tiện sử dụng NLHT

Từ năm 2040, phương tiện: Dừng SX, LR và NK phương tiện sử dụng NLHT

Hạ tầng sạc điện: Dần hoàn thiện trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp.

Từ 2050, phương tiện: 100% sử dụng điện, NLX.

Hạ tầng sạc điện: Hoàn thiện trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp.

Về lộ trình chuyển đổi vận tải hành khách đô thị

-Đội phương tiện giao thông công cộng

Từ năm 2025: 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, NLX

Từ năm 2030: Tỷ lệ đảm nhận VTHKCC. Trong đó, Hà Nội: 45% - 50%
TP. Hồ Chí Minh: 25%; Đà Nẵng: 25% - 35%; Cần Thơ: 20%; Hải Phòng: 10% - 15%; Đô thị loại I: ít nhất 5%

Đội phương tiện giao thông công cộng: 50% xe buýt sử dụng điện, NLX
100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, NLX

Từ 2050: Về tỷ lệ đảm nhận VTHKCC: Đô thị đặc biệt: ít nhất 40%; Đô thị loại I: ít nhất 10%.

Đội phương tiện GTCC: 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, NLX.

Nhiệm vụ và giải pháp

Gồm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch; Chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, NLX; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải KNK; HTQT, KHCN, Nhân lực và truyền thông.

Các đơn vị thực hiện gồm:

Bộ Giao thông vận tải: Chủ trì xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách liên quan đến chuyển đổi xanh: 05 bộ luật/ luật chuyên ngành; Hệ thống quy chuẩn, HDKT, định mức liên quan đến SX, LR, NK phương tiện sử dụng điện, NLX; Xây dựng quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu; Nghiên cứu, phát triển, chuyển đổi công nghệ phương tiện; Đào tạo, nâng cao năng lực; Xây dựng kế hoạch và tổ chức truyền thông

Bộ kế hoạch và đầu tư: Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp sản xuất phương tiện sử dụng điện, NLX; Xây dựng chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư, xây dựng hệ thống sạc điện, hạ tầng cung cấp NLX

Bộ Công thương: Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NLX trong GTVT; Quy định dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô sử dụng xăng, dầu; Phát triển hạ tầng cho phương tiện sử dụng điện.

Bộ Tài Chính: Xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị GTVT; Xây dựng chính sách ưu đãi doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển chuyển đổi phương tiện; Xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi cho người dân chuyển đổi phương tiện.

Bộ Xây dựng: Chủ trì hoàn thiện chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đô thị; Rà soát, ban hành quy định, tiêu chuẩn thiết kế đường đô thị có đường dành riêng cho xe đạp/ xe đạp điện.

UBND các tỉnh, thành phố: Hoàn thiện hạ tầng GTCC, hạ tầng giao thông phi cơ giới; Phát triển hạ tầng cho phương tiện sử dụng điện khu vực đô thị; Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang ô tô điện; Thúc đẩy người dân chuyển đổi sang phương tiện điện.

Công nghệ đã sẵn sàng cho chuyển đổi

Đánh giá việc thực hiện chuyển đổi xe điện tại Việt Nam, bà Hiền cho biết, về công nghệ đã sẵn sàng;Tiến bộ công nghệ, giá thành giảm.

Về kinh nghiệm Quốc tế: Lựa chọn công nghệ; Phát triển hạ tầng; Chính sách, quản lý; Tiêu chuẩn, định mức.

Về Công nghiệp: Sản xuất xe điện trong nước; Về thể chế: Hệ thống văn bản QPPL; Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức; Chiến lược, quy hoạch; Chính sách khuyến khích, hỗ trợ.

Về nguồn lực, tài chính (quốc gia, Doanh nghiệp, người dân); nhân lực quản trị, kỹ thuật.

Hạ tầng: Năng lực lưới điện, điện sạch; Phát triển hệ thống hạ tầng sạc điện.


Hội thảo bắt đầu phần tham luận

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT trình bày tham luận: “Chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang xe điện: Lộ trình và giải pháp triển khai”.

img

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT trình bày tham luận tại hội thảo

Chuyển đổi phương tiện - Cơ hội và thách thức của ngành giao thông

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu; vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo

Tại COP 26, Việt Nam đã cùng 147 quốc gia cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ bằng nguồn lực trong nước cùng với hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển cả về tài chính và chuyển giao công nghệ theo các cơ chế của Thoả thuận Paris. Việc triển khai cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước, là cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành GTVT nói riêng sang phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, trên thế giới, năng lượng điện đã được ứng dụng rộng rãi đối với phương tiện giao thông đường bộ. Các nước đang phát triển như Việt Nam, do xuất phát điểm thấp, lộ trình chuyển đổi năng lượng giai đoạn đầu thường chậm hơn khoảng 5-10 năm và cần tăng tốc ở giai đoạn sau để bắt kịp mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

img

Quang cảnh hội thảo

Để từng bước hiện thực hoá cam kết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải với những mục tiêu, lộ trình và nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực; trong đó giao thông vận tải đường bộ với việc phát triển phương tiện điện được xác định là trọng tâm. Đây sẽ là cơ hội cho ngành GTVT tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương tiện của Ngành, bên cạnh những cơ hội cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, như: hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được việc chuyển đổi mạnh mẽ sang sử dụng điện; những hạn chế về công nghệ phương tiện vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, do đó giá thành của xe ô tô điện còn rất cao, là rào cản lớn cho việc chuyển đổi đoàn xe và chi phí logistic ở Việt Nam; kinh phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi cũng là một thách thức rất lớn cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế; nhận thức của các đơn vị, doanh nghiệp về việc chuyển đổi phương tiện còn chưa thực sự đầy đủ, …

"Là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải, Bộ GTVT luôn trân trọng các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp vào định hướng cũng như giải pháp góp phần thực hiện việc phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, an toàn và thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Hôm nay (20/10), Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh”.

Hội thảo là dịp để giới thiệu về chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang xe điện; các chính sách phát triển xe điện; Trao đổi và thảo luận về những cơ hội và thách thức đối với việc thúc đẩy phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện ở Việt Nam, về chính sách, hạ tầng và thị trường. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm và xu thế của quốc tế và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển loại hình phương tiện này ở Việt Nam.

img

Hội thảo “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh”

Tham dự Hội thảo có 100 khách mời là lãnh đạo và các chuyên viên đến từ các cơ quan Chính phủ như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các viện nghiên cứu, chuyên gia từ các trường đại học hàng đầu Việt Nam cùng các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô - xe máy đang hoạt động tại Việt Nam, …

Chuyển đổi sớm năng lượng xanh - cơ hội để Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài

Các nghiên cứu cho thấy, trên thế giới, ngành giao thông vận tải tiêu thụ trên 55% lượng nhiên liệu dầu mỏ và phát thải ra khoảng 25% tổng lượng CO2 toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ này từ các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17%. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong lĩnh vực giao thông vận tải, xe điện được đánh giá có ưu thế hơn cả bởi loại phương tiện này không phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, dễ tích hợp các tính năng hỗ trợ lái xe hiện đại, xe tự lái.

Thị trường xe điện thế giới trong những năm qua đã có những bước nhảy vọt. Năm 2021 số lượng xe điện là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019.

Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8 năm 2022 cả nước đã có gần 3 nghìn ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Đến nay, cả nước cũng đã có gần 1,8 triệu mô tô - xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày.

Việt Nam là nước đang phát triển, tiến trình công nghiệp hóa mới chỉ bắt đầu trong hơn ba thập kỷ qua và đang trên đà phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ tới. Với mục tiêu tăng GDP 6,5%-7% mỗi năm, các ngành và lĩnh vực đóng vai trò chủ đạo để phát triển kinh tế đang là những ngành có mức độ phát thải khí nhà kính cao, việc đặt mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải mạnh mẽ tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 có thể sẽ dẫn đến những thách thức to lớn đối với tăng trưởng kinh tế và điều tiết hài hòa giữa các ngành kinh tế.

Giao thông vận tải là một trong những ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính lớn trong nền kinh tế Việt Nam, do đó, việc đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” sẽ mở ra cơ hội chuyển đổi lớn cho ngành, tuy nhiên cũng sẽ mang đến không ít những khó khăn và thách thức, cần sự chung tay của toàn xã hội và hỗ trợ mạnh mẽ từ quốc tế.

Trên thế giới, tỷ lệ xe không phát thải mới bán ra hiện nay khoảng 2% và ước tính đến năm 2030 là 30% (riêng tại Mỹ là 50%).

Do đó, các chính sách và sáng kiến trong tương lai của Việt Nam về chuyển đổi sớm năng lượng xanh sẽ giúp ngành công nghiệp về phương tiện không phát thải phát triển nhanh và mạnh mẽ tại thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp phương tiện, trang thiết bị không phát thải còn khá non trẻ tại Việt Nam.

Cam kết mạnh mẽ tại COP26 là cơ hội để Chính phủ Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành GTVT nói riêng sang phương thức phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính. Đây cũng sẽ là cơ hội cho ngành giao thông vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiến tới ngang bằng với các nước phát triển về công nghệ xanh; đồng thời tiếp cận các nguồn lực, hỗ trợ quốc tế đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tiên tiến, hiện đại, phát thải thấp, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ngoài những lợi ích trên, thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện còn góp phần hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng cao sức khoẻ người dân,…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.