Bạn cần biết

Trục vớt tàu chìm trên biển Quy Nhơn: Càng chậm càng thiệt hại

20/11/2017, 07:15

Việc chậm trục vớt các tàu chìm trước vùng luồng lạch vào cảng Quy Nhơn khiến các tàu lớn ra vào cảng gặp khó...

19

Ngành chức năng đang gấp rút triển khai hút dầu để trục vớt các tàu chìm

Gần tuần nay, mỗi ngày hàng chục công nhân, thợ lặn của các công ty trục vớt giăng phao quanh khu vực các tàu chìm tiến hành hút dầu trong các tàu chuẩn bị cho việc trục vớt các xác tàu bị chìm do bão số 12, khai thông luồng lạch ra vào cảng Quy Nhơn, Bình Định.

Trục vớt chậm

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Bình Định, trong 10 tàu gặp nạn có 7 tàu chìm gồm: SB Biển Bắc 16, Hoa Mai 68, Sơn Long 08, Hà Trung 98, Nam Khánh 26 (Việt Nam), Jupiter CPC (Campuchia), Fei Yeu 9 (Mông Cổ). Có 3 tàu mắc cạn là Việt Thuận 168, Thanh Hải 18 (Việt Nam). Riêng tàu An Phú 18 (Việt Nam) đã tự nổi và di chuyển đến nơi an toàn. Thống kê số lượng dầu trên các tàu ước tính vào khoảng 211.686 lít dầu DO, 8.000 lít dầu FO.

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, lãnh đạo Cục đã họp trực tuyến với lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam và Công ty Hoa tiêu khu vực VII, yêu cầu triển khai gấp các giải pháp như: Dịch chuyển phao báo hiệu tàu đắm bị trôi lệch sau bão lui vào; dịch chuyển phao số 4 đến phao số 6 sang bên trái luồng, tận dụng độ sâu ở biên luồng để mở rộng luồng lưu thông; cho lắp đặt một thủy chí ở ngay cảng Quy Nhơn để đọc chính xác độ cao thủy triều thực tế nhằm đưa tàu lớn vào cảng trong thời gian sớm nhất...

Theo ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định, vấn đề cần giải quyết cấp bách nhất hiện nay là xử lý toàn bộ số dầu bên trong các tàu hàng bị chìm để tránh sự cố tràn dầu, gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các tàu đã có phương án trục vớt và được phê duyệt. Riêng tàu Jupiter vẫn còn thuyền viên mất tích chưa được tìm thấy. “Công tác hút dầu trên các tàu chìm được triển khai khẩn trương. Đến lúc này đã hoàn thành việc hút dầu trên 4 tàu Hà Trung 98, SB Biển Bắc 16, Fei Yeu 9, Nam Khánh 26. Ngày 20/11 sẽ hoàn thành việc hút dầu trong 2 tàu cuối cùng để tiến hành trục vớt tàu. Việc trục vớt hạn cuối đến giữa tháng 12. Nếu quá thời hạn mà các chủ tàu không trục vớt tàu thì các cơ quan chức năng tỉnh sẽ tiến hành trục vớt, các chủ tàu phải chịu mọi chi phí” , ông Châu cho biết.

Ông Châu cũng cho biết, việc trục vớt tàu đến thời điểm hiện tại tiến hành rất chậm. Nguyên nhân do đang trong mùa mưa bão, sóng lớn khó cho việc tiếp cận các tàu. Các chủ tàu chậm phối hợp với các công ty trục vớt để tiến hành trục vớt tàu. Bên cạnh đó, vấn đề bảo hiểm của các tàu chìm cũng khiến việc này kéo dài.

20
“Nghĩa địa” tàu chìm gây tắc luồng lạch, cản trở tàu lớn ra vào cảng Quy Nhơn

Tắc luồng lạch, xuất nhập hàng hóa tê liệt

Việc chậm triển khai trục vớt các tàu chìm trước vùng luồng lạch vào cảng Quy Nhơn khiến các tàu lớn ra vào cảng gặp khó khăn. Từ ngày 9/11, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn chỉ cho phép khai thác luồng hàng hải Quy Nhơn tạm thời trong điều kiện thời tiết bình thường từ 6h - 18h hàng ngày đối với tàu có mớn nước tối đa đến 7m. Các tàu container và tàu hàng có trọng tải lớn đem theo hàng nhập khẩu từ Singapore hoặc Malaysia, các tàu nhận hàng xuất khẩu không thể ra - vào luồng hàng hải Quy Nhơn.

Theo đại diện Công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn từ ngày 4/11 đến nay có 17 tàu với 237.000 tấn hàng phải hủy chuyến vì không thể vào cảng xếp dỡ hàng hóa. Tại cảng cũng đang tồn 1.700 container hàng các loại. Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng này gần như tê liệt.

Theo ông Trần Châu, luồng tàu ra vào cảng Quy Nhơn bị tắc do 2 tàu Nam Khánh 26 và tàu SB Biển Bắc 16 bị chìm giữa phao số 2 và phao số 5 vẫn chưa được trục vớt.

Ông Bùi Văn Vương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cũng đặt ra lo ngại các xác tàu nằm dưới biển vẫn gây mất an toàn cho việc lưu thông tại vùng biển này. Bởi tại cảng Quy Nhơn, hàng ngày có trung bình từ 5-7 tàu hàng tải trọng lớn ra vào bốc dỡ hàng hóa nên khi luồng lạch bị tắc sẽ gây tổn thất rất lớn. "Theo kế hoạch, nếu không có diễn biến bất thường, khoảng 20-25 ngày nữa, hoạt động của tàu vận tải tại cảng Quy Nhơn mới bình thường như trước”, ông Vương nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Tổng giám đốc cảng Quy Nhơn lo lắng tình trạng các tàu chìm gây tắc luồng lạch sẽ khiến cho doanh nghiệp thiệt hại trong khâu xếp dỡ hàng hóa. Theo ông Phúc, mỗi ngày các tàu hàng quốc tế nằm chờ để được vào cảng xếp dỡ hàng hóa với chi phí từ 5.000 - 6.000 USD. Không chỉ vậy, tình trạng này càng kéo dài, thương hiệu cảng Quy Nhơn sẽ bị ảnh hưởng.

Trước 25/11, hoàn thành hút dầu các tàu gặp nạn do bão 12

Theo ông Bùi Văn Vương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, do ảnh hưởng của cơn bão số 14, công tác hút dầu trên các tàu có thể bị gián đoạn trong khoảng thời gian ngắn”, ông Vương cho hay.

Cũng theo ông Vương, trong buổi làm việc với cơ quan chức năng và các chủ tàu, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu các chủ tàu gặp nạn phải hoàn thành việc hút dầu trên tàu trước ngày 25/11 để đảm bảo môi trường cũng như tiến trình hoạt động của cảng Quy Nhơn.

N.Khánh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.