Góc nhìn

Trump đang phá vỡ "mối quan hệ đặc biệt" Mỹ-Anh?

14/07/2018, 11:00

Mối quan hệ được xây dựng hàng trăm năm qua giữa 2 nước đang gặp phải cản trở bởi chính sách của ông Trump.

105324955-1531374527988gettyimages-996288852.530x2

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May

Mỹ và Anh luôn tự hào về một liên kết trong cả văn hoá, chính trị và thương mại từ lâu đời. Như ông Peter Westmacott, cựu Đại sứ Anh tại Mỹ đã chia sẻ, thì mối quan hệ giữa Washington và London rất quan trọng và thực sự đặc biệt trong suốt nhiều năm qua.

Thuật ngữ “mối quan hệ đặc biệt” lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1946 bởi Thủ tướng Anh lúc đó là Winston Churchill, sau khi cả Anh và Mỹ cùng nhau vượt qua sự tàn sát của Thế chiến 2 và cơn hỗn loạn của cuộc khủng hoảng lúc bấy giờ.

Kể từ đó, mối quan hệ giữa 2 nước đã được định hình bởi những liên kết thương mại và văn hóa trên cơ sở một ngôn ngữ chung, bên cạnh những chiến dịch quân sự cùng nhau sát cánh mà trong đó là cuộc chiến chống lại nhóm phiến quân Hồi giáo ở Syria và Iraq diễn ra gần đây nhất.

qua-bong-bay-donald-trump-va-10000-nguoi-dieu-hanh

Quả bóng bay được làm nhái theo hình ảnh ông Trump tại London

Nhưng theo kênh truyền hình CNBC, kể từ khi Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, những nguyên tắc ngoại giao đã bị phá vỡ và sự vận động trong quan hệ giữa Mỹ và Anh và phần còn lại của thế giới, đang có những sự đổi thay.

Cho dù “mối quan hệ đặc biệt” này vẫn có thể tồn tại, nhưng đứng trước sự thay đổi này, quả thực không thể nói trước điều gì.

Khi ông Trump chính thức trở thành Tổng thống của Mỹ, chính phủ Anh đã nhanh chóng gửi lời chúc mừng đến chiến thắng của vị tân lãnh đạo và cam kết sẽ hợp tác với chính quyền của ông. Nhưng kể từ khi lễ nhậm chức của ông Trump diễn ra, nó cũng đã báo hiệu một thời kì bất ổn cho mối quan hệ của 2 nước.

Thủ tướng Anh Theresa May đã từng bày tỏ hy vọng 2 quốc gia sẽ “là đối tác mạnh mẽ và thân thiết trong vấn đề thương mại, an ninh và quốc phòng”.

Nhưng ông Trump, kể từ khi lên nắm quyền, đã gây ra một loạt những xáo trộn trong dư luận và giới chính trị gia tại Anh bằng những ý kiến gây tranh cãi về nữ quyền, vấn đề nhập cư, người Mexico và Hồi giáo.

Những tuyên bố và chính sách của Tổng thống Trump đã khiến cho chuyến đi của ông đến Anh trong những ngày này thực sự trở thành một vấn đề rắc rối.

_102511350__102505629_maytrump_hands_epa

Tổng thống Mỹ đang có chuyến thăm đến Anh trong 3 ngày

Đáng lẽ ra, chuyến thăm kéo dài 3 ngày của ông Trump sẽ diễn ra dưới danh nghĩa “chuyến thăm cấp nhà nước”, tức là ông sẽ được Nữ hoàng Anh đón tiếp với tất cả sự phô trương và long trọng. Nhưng vì sự phản đối mạnh mẽ của dư luận Anh với những cuộc biểu tình chống Trump rầm rộ, cuộc gặp đã bị hạ cấp xuống chỉ còn là “chuyến thăm làm việc”.

Hồi năm 2017, có đến 1.8 triệu người Anh đã ký vào một bản kiến nghị phản đối kế hoạch chuyến thăm cấp nhà nước ông Trump. Mặc dù cuộc gặp lần này đã bị hạ cấp, nhưng đám đông với hàng nghìn người vẫn đổ về London cho một cuộc biểu tình chống lại Tổng thống đương nhiệm của Mỹ.

Thị trưởng London, ông Sadiq Khan, đã cho phép một quả bóng bay khổng lồ được làm nhái theo hình ảnh ông Trump thả trên bầu trời thành phố này. Những người tài trợ cho kế hoạch này nói rằng quả bóng đã thể hiện tính cách của ông Trump - ‘một đứa bé giận dữ với lòng tự tôn mỏng manh và đôi tay nhỏ bé’.

Ông Digby Jones, cựu Tổng giám đốc Liên minh các ngành Công nghiệp Anh (CBI) nói với CNBC rằng việc cho phép quả bóng này xuất hiện là một điều "đáng kinh tởm".

“Trump là đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta và ông ấy được bầu lên một cách dân chủ. Tổng thống Mỹ là nhà đầu tư vào Anh và số người Mỹ đi làm mỗi ngày cho các công ty tại Anh nhiều hơn bất cứ công dân của quốc gia nào. Vì lẽ đó, chúng ta nên dành cho ông ấy sự tôn trọng và cư xử một cách đúng mực”, ông Jones chia sẻ.

Ông cũng nói thêm rằng, hành động của đám đông quá khích là không thể chấp nhận, cho dù đó là quyền tự do của mọi người. “Liệu chúng ta có chấp nhận việc ông Trump sẽ trao một quả bóng hình Nữ hoàng Anh mặc tã lên trên Nhà Trắng? Các bạn sẽ không thích điều đó đâu”, ông Jones nói thêm.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở sự phản đối của người dân đối với nhà lãnh đạo Mỹ, mà ngay cả giữa chính phủ 2 nước cũng tồn tại cũng khác biệt về chính sách.

Ông Nigel Sheinwald, cựu Đại sứ Anh tại Mỹ chia sẻ với CNBC rằng, mối quan hệ giữa Washington và London phát triển bền vững trên nhiều mặt: kinh tế, thương mại, quốc phòng, giao lưu nhân dân. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã thực thi những chính sách về Trung Đông, biến đổi khí hậu hay thương mại, đều không hề tương đồng với quan điểm của chính phủ Anh hay của nhiều chính phủ khác trên thế giới.

ong-trump-chuan-bi-don-giang-moi-voi-trung-quoc

Những khác biệt trong chính sách giữa Mỹ và Anh đang đẩy quan hệ 2 nước trở nên xa cách

London đang chống lại các chính sách thuế quan của ông Trump, phản đối việc Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và cam kết chống lại những tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường sống của con người.

Ngược lại, Tổng thống Trump đã phản bác lại tất cả những vấn đề này. Thậm chí ngay cả với vấn đề Brexit đang khiến chính quyền nước này đang chia rẽ hơn bao giờ hết, thì ông Trump là người cổ vũ cho việc Anh rời EU.

Bên cạnh đó, với tôn chỉ “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump, chính quyền bà May cũng lo ngại rằng việc đạt được một thoả thuận thương mại và mậu dịch có lợi cho Anh là điều không hề chắc chắn.

Mới đây, việc áp thuế lên sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Anh cùng nhiều đối tác khác như EU, Canada, Nhật Bản gặp bị ảnh hưởng. Điều đó đã thể hiện sự trái ngược trong lập trường thương mại giữa Washington với các đồng minh của mình, trong đó có London.

Ông Digby Jones nhận định rằng, Tổng thống Trump đã ‘sai lầm’ khi khiến những đối tác thân cận, nhất là Anh, trở nên xa cách nước này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.