Quản lý

Trưng bày quá xa, nguy cơ tàu điện ngầm "ế" khách

17/03/2015, 19:55

Không có đông người đến tham quan sau hai ngày mô hình tàu điện ngầm được trưng cầu dân ý…

IMG_1602
Chuyên gia giao thông và phóng viên mục sở thị mô hình tàu điện ngầm

Dân ngại đi xa thăm mô hình

Có mặt tại bãi đúc dầm (quận 9), nơi trưng bày mô hình đầu máy toa xe tuyến Metro số 1 (bến Thành – Suối Tiên) hai ngày qua, phóng viên chứng kiến, hầu hết những người tới đây tham quan mô hình này là các phóng viên báo đài và một số chuyên gia trong ngành.

Chị Nguyễn Thúy Hằng (ngụ tại phường Bến Nghé, quận 1) cho biết, lần đầu tiên được góp ý kiến cho một công trình của TP chị rất phấn khởi nhưng điểm trưng bày quá xa nên chả thể đi vài chục km để tận mắt xem mô hình tàu điện ngầm. Theo chị Hằng, Ban QLĐSĐT lẽ ra nên để đầu máy toa xe mô phỏng tại Công viên Tao Đàn, hoặc Công viên 23/9 ở trung tâm Thành phố thì hợp lý hơn. “Ở những nơi đó không gian rất rộng, như vậy, sẽ có đông người dân đến chiêm ngưỡng và đóng góp ý kiến cho thiết kế đầu máy toa xe tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam. Tôi chỉ xem mô hình qua các phương tiện thông tin đại chúng. Màu sắc bên ngoài nên chăng là ánh bạc thì khỏe khoắn hơn. Nội thất như vậy là ổn rồi. Vì hành trình của tuyến số 1 chỉ tối đa là 29 phút nên có nhiều chỗ đứng cũng không sao…”, chị Hằng nói.

"Hóa ra xêm xêm như xe buýt!" 

Sáng 17/3, trả lời phóng viên, ông Nguyễn Văn Quang (hành nghề chạy xe ôm, ngụ tại đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9) một trong những hành khách hiếm hoi có mặt tại cổng bãi đúc dầm cho hay "tiện đường ông ghé vào xem “cho vui” chứ chẳng có ý kiến gì với Ban Quản lý".

Khi chúng tôi gặng hỏi: Ông thấy đầu máy toa xe có đẹp không? Ông Quang cho rằng, màu sắc hài hòa, nhưng nội thất thì có vẻ đơn giản quá.

“Tôi tưởng tàu điện ngầm phải hiện đại và tiện nghi lắm, hóa ra cũng xêm xêm như xe buýt”, ông Quang nói.

Một vị khách khác đang có mặt trên toa tàu mô hình cũng góp ý với phóng viên, lẽ ra tàu điện ngầm phải có nhiều chỗ ngồi hơn, ghế cần có đệm như ô tô và trang trí cũng nên vui mắt hơn bằng nhiều họa tiết, màu sắc khác nhau để thể hiện sự năng động, hiện đại…

Nên hạ thấp tay vịn

Theo Kỹ sư Hà Ngọc Trường, Chuyên gia cao cấp về giao thông, Phó Chủ tịch Hội Cầu - Đường- Cảng TP. HCM, tàu có màu xanh da trời kết hợp với màu trắng là thích hợp với khí hậu của Việt Nam, thể hiện triển vọng và phát triển của Thành phố trong tương lai. Về hình dáng của đoàn tàu cũng phù hợp theo mô hình mà các đoàn tàu điện ngầm của nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Đầu tàu không vuốt nhọn cũng chẳng sao vì tốc độ chỉ khoảng là 80 km/giờ.

Ông Trường đề xuất, nên có toa riêng cho phụ nữ và nam giới; Tạo không gian thoáng mát hơn bằng việc để hở hai đầu thành ghế (làm tay vịn hở); Hạ thấp tay vịn trên mái xuống khoảng 10cm để phù hợp với dáng vóc thấp bé của người Việt; Tăng cường thêm cửa thoát hiểm; Riêng đối với cabin, nên thiết kế nhựa tổng hợp thay cho hợp kim nhôm…

Những giải đáp ban đầu

Trước đó, trong buổi họp báo mở màn cho “chiến dịch” trưng cầu dân ý về mô hình đầu máy toa xe tuyến tàu điện ngầm Metro số 1 (kéo dài từ 16/3 – 15/4), trả lời  phóng viên Báo Giao thông: Tại sao không trưng bày mô hình tàu điện ngầm ở khu trung tâm Thành phố để người dân dễ tiếp cận, quan sát và góp ý thay vì phải di chuyển đến bãi đúc dầm xa xôi? Ông Đoàn Như Cương, Phó Ban Quản lý đường sắt cao tốc  cho hay, Ban đã báo cáo Thành phố, cân nhắc nhiều vị trí, nhưng không có vị trí nào đảm bảo ATGT nên phải trưng bày đầu máy toa xe mô hình của tuyến Metro số 1 tại đây. “Cũng chỉ có tại nơi này mới có đầy đủ trang thiết bị, phòng ốc, nhân lực và không gian để tiếp nhận đông đảo người dân đến tham quan”, đại diện Ban QLDA  khẳng định.

Có ý kiến của phóng viên là: Vì sao không đưa ra nhiều mô hình để người dân có thể dễ góp ý về các ưu, nhược điểm? Đại diện Ban QLDA ĐSĐT cho rằng, Ban QLĐSĐT và nhà thầu đã nghiên cứu kỹ thiết kế dựa trên các mô hình của nhiều nước, đặc điểm của thời tiết khí hậu và con người Việt Nam… Mặt khác, chi phí cho một mô hình cũng khá lớn, trong khi Ban QLĐSĐT còn phải lấy ý kiến đóng góp của đông đảo người dân và chuyên gia cho mô hình sẽ áp dụng

“Trước khi lựa chọn mô hình này, chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều phác thảo, lấy ý kiến không chỉ nội bộ mà có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, sau đó yêu cầu nhà thầu Hitachi làm đúng theo mô hình mà hiện nay đang trưng bày. Chúng tôi tổ chức trưng cầu ý kiến của người dân, các giới, các nhà khoa học, các chuyên gia để góp ý thêm. Tập trung vào 6 nhóm ý kiến (đầu tàu, ngoại thất, màu sắc, ghế ngồi, thảm sàn, tay nắm… và các góp ý khác) nhằm điều chỉnh phù hợp để có sản phẩm ưu việt nhất”, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt  nói.

Mai Huyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.