Thế giới giao thông

Trung Quốc - Mỹ căng thẳng thương mại, Boeing sẽ ra sao?

09/04/2018, 07:28

Đứng giữa cuộc leo thang chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, tương lai của Boeing thế nào?

28

Máy bay Boeing 737 Max mới có thể không nằm trong danh sách bị nâng thuế của Trung Quốc

Chưa tác động mạnh ngay lập tức

Tuần qua, Mỹ nâng rào cản thuế với 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ước tính gây thiệt hại cho Bắc Kinh khoảng 50 tỷ USD trong năm 2018. Ngay lập tức Trung Quốc đáp trả bằng một lệnh tăng thuế với tổng giá trị tương tự chủ yếu tập trung vào điện tử, máy móc, máy bay, nông nghiệp...  trong đó nhắm tới gần như toàn bộ thế hệ máy bay Boeing 737, trừ dòng 737 Max mới hơn của Boeing.

Ông Seth Seifman, nhà phân tích tại JPMorgan Chase & Co nhận định: “Chúng tôi thấy rằng, đề xuất cụ thể từ phía Trung Quốc là đã được “đo ni đóng giày” cẩn thận để tránh gây tác động lớn tới Boeing và có lẽ nó chỉ mang tính chất thông điệp mà Trung Quốc gửi tới Mỹ”.

Mặc dù chưa thể chắc chắn rằng, trong tương lai biện pháp thuế này của Trung Quốc có gián tiếp tạo điều kiện cho hãng Airbus của châu Âu hay không vì hiện nay Bắc Kinh vẫn luôn đặt hàng giữa hai bên ở trạng thái rất cân bằng.

Hơn nữa, theo nhà phân tích Douglas Harned đến từ Sanford C Bernstein, Trung Quốc khó có thể bỏ các đơn đặt hàng đã đặt của Boeing vì nó có thể ảnh hưởng tới ba hãng hàng không lớn nhất của nước này.

Trong ngắn hạn, các hãng hàng không Nhà nước Trung Quốc không thể chuyển các đơn hàng máy bay thân hẹp của Boeing mà họ vốn ưa dùng cho các tuyến nội địa ngắn hơn sang Airbus vì dòng máy bay A320 Neo của Airbus đã được bán hết đến năm 2022.

Trong năm 2016, Mỹ đã xuất khẩu máy bay trị giá 15 tỉ USD sang Trung Quốc. Do đó, theo ông Douglas, “Trung Quốc khá khó khăn khi áp thuế với ngành này. Song, mối đe dọa lớn hơn với Boeing không phải từ phía Trung Quốc mà là cuộc chiến tranh thương mại có thể gây ra khủng hoảng toàn cầu”. Ngay sau khi biện pháp thuế của Trung Quốc được công bố, cổ phiếu của Boeing đã tụt 1% còn 327,44 USD trong phiên đóng cửa cùng ngày.

Đồng ý với quan điểm này, nhà phân tích Robert Stallard đến từ Công ty Đối tác nghiên cứu Vertical cho biết: “Thông báo tăng thuế vừa qua của Trung Quốc gần như là một phần trong chiến dịch thương mại mở rộng và nếu Mỹ - Trung Quốc tạm đàm phán để hòa hoãn, nó sẽ ít khắc nghiệt hơn với cả hai quốc gia này”. “Boeing đứng giữa cuộc “đấu súng” thương mại nên dễ bị tổn thương với những thay đổi khôn lường trong tương lai”, ông Stallard cho hay.

Phục vụ tham vọng của Bắc Kinh

Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một động thái góp phần tạo điều kiện hiện thực hóa giấc mơ bay của Trung Quốc.

Đề xuất thuế của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới những máy bay có trọng lượng từ 15.000kg và 45.000kg. Nếu nước này thông qua tăng thuế, các khách hàng Trung Quốc đặt máy bay Boeing sẽ đối mặt với tổng thuế lên tới 30%. Trong khi máy bay Boeing 737 và A320 Neo đều có giá niêm yết khoảng 100 triệu USD, chưa tính chiết khấu.

Quyết định nâng rào cản thuế với máy bay được đưa ra khi Trung Quốc đang đặt mục tiêu có thể tự chế tạo máy bay thương mại, phá thế “song mã” trên thị trường này của Boeing-Airbus.

Công ty Máy bay thương mại Trung Quốc do Nhà nước làm chủ đang thử nghiệm máy bay thân hẹp mới. Trước nay, cả Boeing và Airbus đều đã rất chật vật với áp lực từ Chính phủ Bắc Kinh để có thể thành lập các cơ sở sản xuất địa phương cùng lúc phải lèo lái để vượt qua Luật Sở hữu trí tuệ của Trung Quốc - nguồn cơn khiến ông Trump áp thuế với Bắc Kinh.

Về phần mình, Boeing cho rằng: “Mặc dù cả hai nước đều đưa ra các lập trường có thể gây tổn hại tới ngành công nghiệp không gian - vũ trụ toàn cầu nhưng không nước nào áp các biện pháp nghiêm khắc. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp tích cực với cả hai Chính phủ”, hãng sản xuất máy bay Mỹ khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.