Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc âm mưu gì khi đưa tên lửa ra Hoàng Sa?

19/02/2016, 07:48

Trung Quốc đưa hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm khiến cộng đồng nghi hoặc âm mưu thực sự.

Ảnh bên phải chụp ngày 3-2 khi bờ biển đảo Phú Lâm
Ảnh bên phải chụp ngày 3/2 khi bờ biển đảo Phú Lâm trống trơn. Ảnh bên trái chụp ngày 14/2 cho thấy hàng loạt bệ phóng tên lửa được triển khai dọc bờ biển

Đi ngược Cam kết phi quân sự hóa Biển Đông

Ngày 18/2, tờ New York Times đưa tin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc không xác nhận hay từ chối việc triển khai hệ thống tên lửa HQ-9; Tuy nhiên, Bộ này nhấn mạnh, Không lực và Hải quân Trung Quốc đã triển khai các lực lượng ra quần đảo Hoàng Sa “từ nhiều năm nay”.

Tuy nhiên, trước đó, giới chức Mỹ, Đài Loan đã xác nhận thông tin Trung Quốc đưa hệ thống tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm. Theo ảnh chụp từ vệ tinh ImageSat International, nếu như ngày 3/2, bờ biển bên đảo trống không; Đến ngày 14/2 có thể thấy rõ nhiều tên lửa hiển hiện tại đây. Fox News trích lời một quan chức Mỹ xác nhận tính chính xác của những bức ảnh vệ tinh.

Có rất nhiều bằng chứng diễn ra hầu như hàng ngày về việc gia tăng quân sự hóa dưới hình thức này hay hình thức khác. Chúng tôi đặc biệt quan ngại điều này. Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận với Trung Quốc và tôi tin rằng, trong những ngày tới, chúng tôi sẽ có cuộc thảo luận rất nghiêm túc về vấn đề này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Theo người này, qua phân tích hình ảnh vệ tinh có thể phỏng đoán, đây là hệ thống phòng không HQ-9, tương tự hệ thống tên lửa S-300 của Nga, tầm xa 125 dặm (tương 200 km), có thể đe dọa tới bất cứ máy bay chiến đấu, máy bay dân sự hoặc quân sự nào bay gần. Trao đổi với Reuters, người phát ngôn Cơ quan quân sự Đài Loan David Lo cũng khẳng định, hệ thống tên lửa được đưa ra đảo Phú Lâm.

Cùng ngày, trong một buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc truyền thông phương Tây cố tình “thổi phồng” sự việc. Không thẳng thắn thừa nhận việc triển khai tên lửa ra đảo Phú Lâm nhưng ông Vương nói: “Việc triển khai các cơ sở quân sự là nhằm mục đích tự phòng vệ - nằm trong phạm vi luật pháp quốc tế. Động thái này không ảnh hưởng tới tự do hàng hải; Mọi chuyến bay của tất cả các nước đều có thể hoạt động bình thường theo luật pháp quốc tế”.

Cũng có mặt trong buổi họp báo khi đang ở thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã hối thúc kiềm chế trong khu vực và kêu gọi các bên giải quyết hòa bình những tranh chấp. Bà Bishop khẳng định, Australia không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Hãng tin ABC dẫn một nguồn tin quốc phòng cấp cao nói rằng, nếu Trung Quốc chỉ triển khai các vũ khí đất đối đất thì đó là một chuyện, nhưng việc triển khai tên lửa đất đối không lại là một chuyện hoàn toàn khác. Động thái này càng khẳng định sự đúng đắn của những cảnh báo về việc quân sự hóa biển Đông, bất chấp đề nghị kiềm chế từ Mỹ và cũng đi ngược lại với cam kết phi quân sự hóa biển Đông của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm tới Mỹ hồi tháng 9/2015.

Nguy cơ triển khai ADIZ trên Biển Đông

Nhiều chuyên gia uy tín trên thế giới nhận định, âm mưu của Trung Quốc “ẩn” sau động thái này là nhằm “dằn mặt” Mỹ. Trong một bài bình luận liên quan, Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Australia nhận định: “Động thái này nhằm đáp trả các hoạt động tuần tra trên không và trên biển của Mỹ gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa...

Hơn nữa, qua đây, Trung Quốc muốn chứng minh - chỉ trong thời gian ngắn, nước này cũng có thể triển khai những hệ thống tương tự trên quần đảo Trường Sa nhằm chống lại các mối đe dọa từ phía Mỹ”. Ông Carl Thayer cho rằng, hành động của Trung Quốc đặt ra nhiều nguy cơ đối với các hoạt động tuần tra tình báo hàng hải Mỹ trong tương lai tại các vùng biển gần Hoàng Sa.

Ngoài quan điểm đồng nhất với giáo sư Carl, ông Neil Ashdown, Phó tổng biên tập Tạp chí Tình báo IHS Jane’s cho biết thêm: “Việc Trung Quốc chọn một đảo tại Hoàng Sa để triển khai HQ-9 là có ý đồ vì Hoàng Sa có khoảng cách gần đất liền Trung Quốc hơn Trường Sa”.

Một số chuyên gia khác e ngại, việc triển khai hệ thống HQ-9 tới đảo Phú Lâm sau động thái triển khai chiến đấu cơ Shenyang J-11 tới đây hồi tháng 11/2015, có thể Trung Quốc đang âm mưu thành lập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trong tương lai hoặc các hạn chế khác trong di chuyển trên biển Đông.

Giáo sư James Kraska đến từ Trung tâm Stockton về Nghiên cứu luật pháp quốc tế tại Đại học Chiến tranh Hải quân nhận định: “Động thái sử dụng vũ khí (hệ thống phòng không HQ-9) như “một lời đe dọa ẩn ý” tới lãnh thổ quốc tế là trái với luật pháp quốc tế. Một khi Trung Quốc sử dụng hệ thống này để thực thi ADIZ hoặc áp dụng các hạn chế khác đối với hàng không thế giới thì Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.