Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc báo động về lối sống buông xuôi của giới trẻ

11/06/2021, 07:12

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhanh chóng có những bài viết nhằm định hướng dư luận và tư tưởng của giới trẻ của nước này.

img

Giới trẻ Trung Quốc có biểu hiện mệt mỏi về công việc

Để thúc đẩy tinh thần thế hệ trẻ trong xây dựng và phát triển đất nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra khẩu hiệu “xắn tay áo lên và làm việc thật chăm chỉ”. Nhưng, trái với lời kêu gọi, trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện trào lưu buông xuôi, bỏ mặc tất cả vì mất cân bằng tâm lý, không thể chịu nổi áp lực cuộc sống.

Ngại làm, ngại áp lực

Trên mạng xã hội Trung Quốc những ngày qua, cư dân mạng chia sẻ và tranh luận gay gắt về bài viết của một cư dân mạng thuộc thế hệ 9X tên Xiaoxin về lối sống buông xuôi, sợ áp lực.

Xiaoxin đã tưởng tượng về một cuộc sống hạn chế chi tiêu nhất có thể, ăn uống đơn giản, chủ yếu xoay quanh cơm, trứng, rau và thi thoảng đổi bữa vào cuối tuần. Như vậy, chàng trai sẽ chỉ cần làm việc 2 tháng/năm, không phải căng thẳng triền miên với công việc và đủ thứ áp lực khác.

“Tôi chỉ cần ăn 2 bữa một ngày, tốn chưa đến 200 NDT (gần 720.000 VNĐ)/tháng. Như vậy, tôi chỉ phải làm việc 1 - 2 tháng/năm là đủ sống”, thanh niên này cho hay.

Nếu đây chỉ là chuyện đùa, than vãn nhất thời vì áp lực công việc của một cá nhân thì không có gì to tát nhưng nó đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi, thậm chí trở thành xu hướng trên mạng xã hội Trung Quốc.

Giới trẻ Trung Quốc gọi lối sống này là “Tang Ping” (dịch sát nghĩa tiếng Việt là “nằm thẳng” nhưng có thể hiểu theo nghĩa bóng là trạng thái buông xuôi).

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), xã hội Trung Quốc đang tồn tại một bộ phận không nhỏ thanh niên Trung Quốc thế hệ thiên niên kỷ (người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) chọn lối sống “buông xuôi”, kỳ vọng thấp vào cuộc sống, hạn chế chi tiêu, ngại làm việc, ngại kết hôn và không muốn có con để đỡ phải sống vội, chạy đua trong xã hội cạnh tranh khốc liệt.

Trên mạng xã hội Douban của Trung Quốc, nhóm mang tên “Nhóm buông xuôi”, tập hợp những người trẻ muốn từ bỏ tất cả khi đối mặt với áp lực học hành và cuộc sống. Họ nói chuyện, an ủi, chia sẻ cho nhau những món ăn tinh thần như chương trình truyền hình thực tế vui vẻ.

Cô Zhao Ziyin (25 tuổi), một nhân viên marketing tại công ty bất động sản Fuzhou (tỉnh Phúc Kiến) đã gia nhập nhóm này từ tháng 3 vừa rồi sau khi quá mệt mỏi với văn hóa công sở “996” (làm việc từ 9h sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần). “Khi thấy nhiều cư dân mạng ủng hộ lối sống buông xuôi, tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn. Như vậy, tôi không cô đơn. Còn rất nhiều người ngoài kia cũng có suy nghĩ muốn sống chậm lại, trốn khỏi áp lực công việc”, Zhao chia sẻ.

Không riêng lớp trẻ đang tuổi đại học hay mới ra trường, những bậc phụ huynh 9X tại Trung Quốc cũng có mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn khi họ ngày đêm muốn tạo cho con điểm khởi đầu tốt nhất, sợ con bị tụt lại phía sau hay không thông minh bằng các bạn. Vô hình chung, áp lực từ bố mẹ lại truyền sang cả các con nhỏ.

Chỉ riêng môn tiếng Anh, để được đánh giá là “thông minh” và “tài năng” ở Trung Quốc, một đứa trẻ 6 tuổi phải đọc được truyện Harry Porter bản gốc tiếng Anh.

Cô Li Sitian, nhân viên hành chính làm việc ở một trường đại học tại Thượng Hải chia sẻ, gia đình cô thường chi từ 40.000 - 50.000 NDT/năm chỉ để cho con gái 7 tuổi đi học các lớp ngoại khóa.

Cộng tiền học của con với tiền thuê nhà, cả hai vợ chồng cô thường nhẵn túi trước khi đến kỳ nhận lương tháng tới.

Tâm lý con một và không chịu được áp lực

img

Hình ảnh minh họa về một bộ phận giới trẻmuốn buông xuôi trước áp lực

Đánh giá về xu hướng buông xuôi, nhiều nhà xã hội học và giáo dục Trung Quốc nhận định, đa phần thế hệ trẻ đều là con một, lớn lên trong môi trường luôn được coi là trung tâm, dễ nhạy cảm với áp lực hơn các thế hệ trước.

Ông Li Fengliang, giáo sư đại học Thanh Hoa cho rằng, khái niệm buông xuôi là “thái độ cực kỳ vô trách nhiệm, không chỉ khiến cha mẹ thất vọng mà còn khiến hàng trăm, hàng triệu người nộp thuế thất vọng”.

Hãng tin AFP dẫn lời ông K Cohen Tan, học giả tại Đại học Nottingham chi nhánh Ninh Ba, Trung Quốc lý giải: Trong cụm từ “Tang Ping”, họ sử dụng từ “Tang” (với hàm nghĩa tang tóc) để thể hiện về cảm giác thất bại, tự ti của thế hệ 9X - 10X khi họ không thể trở thành người dẫn đầu, không thể mua được xe, sắm nhà, kết hôn, nuôi dạy con hoàn hảo.

Từ đó, họ chọn hạ thấp mục tiêu và giảm bớt khát vọng. Họ chỉ cần kiếm đủ sống, đáp ứng nhu cầu cơ bản, thời gian còn lại là tận hưởng cuộc sống.

Nhưng nếu để xu hướng này tiếp diễn và không có sự định hướng chính xác, một bộ phận thanh niên sẽ đi theo lối sống muốn được nhàn thân, ngại làm, ngại thử thách. Khi lối suy nghĩ này ăn sâu vào đại bộ phận giới trẻ, nó sẽ làm thui chột ý chí của lực lượng quan trọng là động lực phát triển của đất nước.

Chính vì vậy, truyền thông nhà nước Trung Quốc nhanh chóng có những bài viết nhằm định hướng dư luận và tư tưởng của giới trẻ.

Trên Global Times, bên cạnh nêu ra thực trạng trên, báo Trung Quốc dẫn câu chuyện của một nam thanh niên trẻ đã là phó Giáo sư về toán học tại Đại học Bắc Kinh.

Dù người này cũng chọn cách sống tối giản, chi tiêu không quá 300 NDT, hiếm khi xem TV hay lướt mạng nhưng lại giành phần lớn thời gian học hành, đạt thành tựu cao trong kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế.

Còn hãng thông tấn Tân Hoa Xã chỉ trích xu hướng buông xuôi qua video về một nhà khoa học dù đã 86 tuổi nhưng vẫn kiên trì lao động, làm việc 12 giờ/ngày.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc cũng lên tiếng, nhắc nhớ giới trẻ hãy thôi kêu ca khi ngoài kia còn hàng nghìn bác sĩ, y tá trẻ chiến đấu với dịch bệnh Covid-19 mà còn không đòi hỏi được nghỉ ngơi.

Giờ đây, nhiều gia đình ở Trung Quốc không muốn sinh thêm con, dù từ đầu tháng 6 này, chính phủ Bắc Kinh chính thức nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép các cặp đôi có thể sinh tới 3 con. Nhiều gia đình trẻ đã nói “không” với việc sinh thêm vì sợ không đủ tài chính, sức lực để nuôi dạy các con chu đáo so với tiêu chuẩn của xã hội hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.