Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc cải cách lớn về giáo dục, xem nhẹ môn tiếng Anh

13/09/2021, 06:32

“Tiếng Anh dường như là môn học bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt cải cách này” - một người mẹ than thở với báo SCMP.

Trung Quốc đang thực hiện cuộc cải cách giáo dục trên quy mô lớn, nhằm giảm tải cho học sinh, bớt gánh nặng cho phụ huynh và phần nào cho thấy sự thay đổi quan điểm về tầm quan trọng của tiếng Anh trong giáo dục Trung Quốc thời hiện đại.

Rất nhiều bậc cha mẹ phụ huynh hoang mang, lo sợ con tụt hậu, còn ngành công nghiệp giáo dục có doanh thu béo bở rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

img

Trong quy định cải cách mới, Trung Quốc cấm sử dụng giáo trình nước ngoài hoặc tổ chức lớp học với người nước ngoài sống bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc (học trực tuyến với giáo viên ngoại). Ảnh: Global Times.

Tiếng Anh là môn học bị ảnh hưởng nhiều nhất

Cô Stella Zou, một phụ huynh tại Trung Quốc chia sẻ trên tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) cho biết: “Rất nhiều phụ huynh như tôi coi tiếng Anh là công cụ quan trọng để kết nối với thế giới, đang không biết làm thế nào để khắc phục”. Năm ngoái, con gái cô Zou học tới 4 tiết tiếng Anh/tuần, bổ sung thêm 4 tiết học trực tuyến với giáo viên người Mỹ qua một trung tâm tư nhân.

Nhưng khi kỳ học mới bắt đầu (từ tuần trước), Zou nhận thấy số tiết học tiếng Anh ở trường của con mình giảm chỉ còn 3 tiết/tuần trong khi trung tâm dạy thêm phải đóng cửa vì quy định mới.

“Tiếng Anh dường như là môn học bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt cải cách này”, cô Zou thở dài.

Trong quy định cải cách mới, Trung Quốc hướng đến mục tiêu chính là giảm tải học hành, tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động nghệ thuật, thể thao.

Hiện tại chưa có quy định trên toàn Trung Quốc yêu cầu bắt buộc phải giảm giờ học với riêng môn tiếng Anh nhưng rất nhiều trường học đã điều chỉnh thời khóa biểu theo hướng đó.

Chẳng hạn, các trường tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Tứ Xuyên và một số tỉnh khác đã cắt giảm thời gian dạy tiếng Anh và phân phối bớt thời gian cho hoạt động thể thao, nghệ thuật.

Thượng Hải, thành phố quốc tế lớn nhất tại Trung Quốc, còn tuyên bố học sinh tiểu học sẽ không phải thi tiếng Anh cuối kỳ để giảm bớt gánh nặng học tập.

Hồi tháng 2, tỉnh Liêu Ninh cũng hạ điểm tối đa với môn tiếng Anh trong kỳ thi đại học, từ đó giảm bớt tầm quan trọng của tiếng Anh trong tổng điểm.

Tiếng Anh bị coi là thừa thãi, lãng phí?

Công cuộc cải cách lần này được thực hiện giữa lúc dư luận Trung Quốc tranh cãi gay gắt về việc người dân đã giành quá nhiều thời gian học ngôn ngữ.

Trung Quốc bắt đầu khuyến khích người dân học tiếng Anh từ khi xây dựng chính sách mở cửa vào cuối năm 70 của thế kỷ trước. Hai mươi năm qua, tiếng Anh là môn học chính từ cấp tiểu học.

Năm 2001, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành hướng dẫn yêu cầu các trường tiểu học trên toàn quốc kể cả khu vực vùng sâu, vùng xa phải đưa tiếng Anh vào giảng dạy từ lớp 3 để hiện đại hóa giáo dục, vươn ra thế giới, đáp ứng nhu cầu của tương lai.

Xu hướng dạy/học tiếng Anh lên đỉnh điểm trong thời gian Trung Quốc tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh 2008 vì nước này muốn tận dụng cơ hội để chứng tỏ cho thế giới về sự thay đổi ngoạn mục của đất nước sau hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, khi Trung Quốc đã gây dựng được vị thế mạnh và căng thẳng giữa “con rồng châu Á” với Mỹ cùng các quốc gia phương Tây leo thang, tinh thần dân tộc dâng cao, không ít người Trung Quốc đặt câu hỏi: Có cần chú trọng tiếng Anh nữa hay không?

Tháng 3/2019, ông Hua Qianfang, một blogger nổi tiếng yêu nước từng được mời tham dự cuộc họp về văn hóa và nghệ thuật với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã làm nóng cuộc tranh luận trên mạng xã hội với một bài viết cho rằng, với hầu hết người Trung Quốc, tiếng Anh là kỹ năng thừa thãi. Đồng thời, ông cảnh báo ngôn ngữ Anh sẽ dẫn dắt con người tới suy nghĩ của phương Tây.

Tháng 3 năm nay, ông Xu Jin, một thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc, cơ quan cố vấn chính trị quan trọng, đã đề xuất nên bỏ tiếng Anh khỏi môn học chính của cấp tiểu học và cấp hai, không bắt buộc thi tiếng Anh trong kỳ thi đại học.

Theo ông, việc bắt buộc toàn dân học tiếng Anh là lãng phí thời gian, nguồn lực. “Tiếng Anh chiếm 10% thời gian học trên lớp nhưng thực tế sử dụng sau khi tốt nghiệp chỉ chưa đầy 10%”, ông Xu nói.

Đến nay, cuộc tranh luận này vẫn chưa có hồi kết. Trong khi một số người đồng tình, một số khác lại cho rằng tiếng Anh giúp họ phát triển được lối suy nghĩ phản biện vốn không có trong trường học tại Trung Quốc.

Nhiều gia đình tại các thành phố nhỏ như chị Yuan Jie (36 tuổi), sống tại Tứ Xuyên lo con không bằng bạn bè trên thành phố lớn.

Bởi ở những thành phố cấp 4 như Tứ Xuyên, trường công là nơi con được tiếp cận tiếng Anh nhiều nhất nhưng hiện nay môn tiếng Anh bị giảm từ 3 xuống còn 2 tiết/tuần.

Xóa bỏ dạy thêm trái phép dưới mọi hình thức

Bên cạnh đó, cũng theo SCMP, với nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc, những thay đổi về tiếng Anh trong trường học không tác động mạnh bằng việc Bắc Kinh kiên quyết xóa bỏ mô hình dạy thêm tư nhân.

Trung Quốc ban hành quy định mới từ tháng 7, yêu cầu các công ty dịch vụ dạy thêm, gia sư phải chuyển sang hình thức phi lợi nhuận, cấm dạy thêm các môn học chính như tiếng Trung, tiếng Anh, Toán vào cuối tuần và kỳ nghỉ, cấm sử dụng giáo trình nước ngoài hoặc tổ chức lớp học với người nước ngoài, sống ở ngoài Trung Quốc.

Ngày 9/9, Bộ Giáo dục Trung Quốc tiếp tục ra thông tư, lấp những lỗ hổng mà các công ty giáo dục, trung tâm dạy thêm/gia sư đã lợi dụng để lách luật trong 2 tháng qua.

Cụ thể, Bộ sẽ xóa sạch những tổ chức/cá nhân cung cấp dịch vụ gia sư sau giờ học chính quy, trái phép và trá hình dưới những tên gọi như “tư vấn”, “giáo viên trực tuyến”, “gia sư tư nhân hoạt động theo hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunded)”…

Thông báo cũng nêu rõ, chính quyền sẽ phạt nặng những gia sư ngoài giờ; cung cấp bài giảng thu âm trước; gia sư qua tin nhắn; tổ chức dạy thêm tại nhà, khách sạn hoặc quán cafe; kết hợp học các môn trong chương trình chính quy vào các chương trình cắm trại nghệ thuật, thể thao, công nghệ.

Năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng chỉ trích, việc dạy thêm làm tăng gánh nặng tài chính lên học sinh và gia đình, phá vỡ trật tự giáo dục thông thường, không thể để ngành giáo dục đòi hỏi sự tận tâm thành ngành dịch vụ vì lợi nhuận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.