Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin, Tổng cục Điện ảnh và Phát thanh Truyền hình Trung Quốc (SARFT) sẽ có lệnh cấm đối với dòng phim cổ trang, gồm các thể loại: Võ thuật, giả tưởng, lịch sử, tiểu sử, xuyên không, cung đấu… Thông tin này đã khiến khán giả và giới làm phim Trung Quốc hoang mang, lo lắng.
Theo QQ, nguyên nhân khiến Tổng cục Điện ảnh và Phát thanh Truyền hình Trung Quốc có thể ra quyết định cấm phim cổ trang được đồn đoán là do lệnh cấm chiếu phim cung đấu không được thực thi nghiêm túc. Trước đó, Trung Quốc đã ra lệnh cấm để hạn chế sự lan tỏa của dòng phim cung đấu, ngôn tình hóa câu chuyện chốn hoàng cung rồi bóp méo lịch sử, biến các hoàng đế phi tần thành những nhân vật đắm chìm trong tình yêu ủy mị. Phim cung đấu còn bị chỉ trích là tuyên truyền lối sống xa hoa, hoàng tộc, ảnh hưởng xấu tới suy nghĩ, ứng xử của người xem. Vì không được thực thi nghiêm túc nên các nhà quản lý quyết định mạnh tay hơn.
Thời gian qua, các bộ phim cung đấu của Trung Quốc đều rất ăn khách và hầu hết đều là các phim web dramma như: Diên Hy công lược, Hậu cung Như Ý truyện… Có thể thấy, việc siết chặt các bộ phim chiếu mạng được Trung Quốc khá coi trọng. Trong khi đó, nhìn lại Việt Nam, gần đây, thử thách kinh dị Momo xuất hiện trên YouTube đã khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng. Thử thách này được ẩn vào các đoạn phim YouTube như series phim hoạt hình Peppa Pig cho tới các phim trò chơi Fortnite dành riêng cho trẻ em. Chỉ tới khi dư luận và truyền thông lên tiếng, cơ quan quản lý mới có phản hồi với YouTube để xử lý.
Trước đó, loạt gameshow giải trí dung tục như: Date and Kiss, Dare pong, Love Game… đã gây tranh cãi về sự phản cảm. Các chương trình này bị chỉ trích truyền bá văn hóa suy đồi tình cảm, gây ảnh hưởng tới suy nghĩ, tư duy của giới trẻ. Tuy nhiên chỉ đến khi dư luận phản ứng dữ dội, Bộ Thông tin và Truyền thông mới thông tin sẽ điều tra, xác minh và xử phạt các gameshow hẹn hò “bẩn” trên mạng xã hội.
Thế mới thấy, mặc dù cơ quan quản lý đã tiếp thu những phản ánh từ công chúng, nhưng cách quản lý các sản phẩm văn hóa giải trí trực tuyến hiện nay ở Việt Nam còn khá bị động. Chưa kể, chế tài xử phạt sai phạm trong lĩnh vực này cũng bị cho là chưa đủ sức răn đe khi khung xử phạt chỉ 30 - 50 triệu đồng (Theo Điểm b, Khoản 4, Điều 66 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện). Mức xử phạt này được cho là quá nhẹ so với lợi nhuận thu được từ quảng cáo của các sản phẩm giải trí này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận