Góc nhìn

Trung Quốc cắt giảm 8 bộ và ủy ban chính phủ

15/03/2018, 08:25

Hơn 20 bộ và ủy ban sẽ nằm trong diện bị ảnh hưởng lớn bởi đợt cải cách này.

37

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

Theo đề xuất cải tổ lại bộ máy hành chính được Chính phủ Trung Quốc trình Quốc hội hôm 13/3, hơn 20 bộ và ủy ban sẽ nằm trong diện bị ảnh hưởng lớn bởi đợt cải cách này với mục tiêu chủ yếu nhằm giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát toàn diện các cơ quan Nhà nước.

Tinh gọn bộ máy

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết, cơ quan hành pháp Trung Quốc sẽ chỉ còn 26 bộ và ủy ban (cắt giảm 8 bộ và ủy ban). 7 cơ quan dưới bộ cũng bị cắt giảm.

Mục đích của việc tinh gọn bộ máy hành chính là tránh việc quản lý chồng chéo giữa các cơ quan Chính phủ, gia tăng quyền kiểm soát của ĐCSTQ. Ví dụ, Bộ Quản lý các tình trạng khẩn cấp được thành lập mới là đầu mối chỉ huy công tác cứu hộ, giải quyết các thảm họa thiên nhiên và nhân tạo, từ động đất tới cháy rừng.

Trước khi bộ này ra đời, hệ thống quản lý, giải quyết các sự cố khá phức tạp. Chẳng hạn, khi cháy rừng xảy ra, Cơ quan Quản lý lâm nghiệp sẽ phải có trách nhiệm xử lý, còn cháy trên các đồng cỏ sẽ bị “đẩy bóng” sang Bộ Nông nghiệp.

Trong một động thái khác, Trung Quốc sẽ thành lập Cục Giám sát và Quản lý thị trường quốc gia phụ trách về kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm và ma túy, điều tra chống độc quyền và quản lý giá cả. Các lĩnh vực này trước đây thuộc nhiều cơ quan Chính phủ khác nhau.

Bên cạnh đó, quyền lực của Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia - vốn được xem như “Chính phủ thu nhỏ” - sẽ bị cắt giảm trong lần cải cách này.

Bắc Kinh đã công bố kế hoạch cấu trúc lại bộ máy chính quyền Trung ương này chỉ hai ngày sau khi chính thức bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước. Đây được coi là tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm tăng cường hơn nữa vai trò và hiệu quả quản lý của đảng.

Kế hoạch được coi là đánh dấu một trong những thay đổi lớn nhất đối với chính quyền Trung ương trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, dự kiến ​​sẽ được Quốc hội Trung Quốc thông qua vào cuối tuần này. Lần cải tổ gần đây nhất với quy mô tương tự là vào năm 1998 khi Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ quyết định bãi bỏ và sáp nhập nhiều bộ và các ủy ban thuộc Chính phủ.

Cơ cấu giống Mỹ

Theo bản đề xuất, một mặt lược bỏ hoặc sáp nhập nhiều bộ và ủy ban trực thuộc Trung ương, mặt khác Trung Quốc cũng thành lập thêm các cơ quan đặc biệt để giám sát các vấn đề liên quan đến cựu chiến binh và nhập cư.

Tuy nhiên, GS. Mao Shoulong tại Đại học Renmin (Trung Quốc) cho rằng, Bắc Kinh đã mượn một vài ý tưởng của Mỹ để cải thiện cơ cấu Chính phủ của mình. “Bộ Cựu chiến binh Trung Quốc là học theo Bộ Cựu chiến binh Mỹ, còn Cơ quan Quản lý nhập cư là học theo Cơ quan Đảm trách dịch vụ nhập cư và Nhập tịch của người Mỹ”, ông Mao nhận định.

Vị giáo sư này cũng cho rằng, việc cải tổ lần này là để giải quyết các vấn đề tồn tại rất lâu của Trung Quốc như thiếu liên kết và cạnh tranh lẫn nhau giữa các cơ quan Chính phủ. Ông cho rằng, dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của ông Tập Cận Bình, các vấn đề trên sẽ được giải quyết.

Trong đó, sự xuất hiện của Bộ Cựu chiến binh được xem là động thái đáng chú ý hơn cả, được coi là nỗ lực chăm lo tốt hơn cho những người đã từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Trách nhiệm này trước đây được phân chia ra nhiều bộ gồm: Bộ Dân chính, Bộ Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội cũng như Quân ủy Trung ương.

Giải quyết xung đột lợi ích

Theo giới quan sát, việc cải tổ cũng dẫn đến một số thay đổi cơ cấu các bộ và cơ quan Chính phủ nhằm mục đích giải quyết các xung đột lợi ích. Chẳng hạn, Bộ Bảo vệ môi trường với mục tiêu làm sạch không khí và nước thường sẽ có xung đột với các bộ, ngành theo đuổi các dự án phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Điển hình cho giải quyết vấn đề này là việc sáp nhập Ủy ban Giám sát bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) với Cơ quan Quản lý ngân hàng là bởi có sự đổ lỗi lẫn nhau trong việc gây ra những rủi ro tài chính trong việc cho một số công ty bảo hiểm có thể dùng tài sản để đầu tư nhiều hơn nữa tại thị trường trong và ngoài nước, dưới thời điều hành cựu Chủ tịch CIRC Xiang Junbo.

Theo bản đề xuất, cũng sẽ có vài điều chỉnh các cơ quan giữa các bộ. Ví dụ, Cơ quan Quản lý các vấn đề thay đổi khí hậu và Ô nhiễm sẽ được chuyển từ Cơ quan Hoạch định kinh tế sang Bộ Môi trường sinh thái, còn trách nhiệm quản lý thuốc lá sẽ được chuyển từ Bộ Công nghiệp sang Ủy ban Y tế quốc gia.

Bình luận trên SCMP, nhà nghiên cứu Cheng Enfu, đồng thời là đại biểu Quốc hội Trung Quốc cho rằng, kế hoạch cải tổ cho thấy quyết tâm xây dựng bộ máy hoạt động hiệu quả chính quyền Bắc Kinh giống như ở các nước phát triển.

Tuy nhiên, ông Cheng cho rằng, các quốc gia phát triển chỉ cần dưới 20 hoặc cỡ đó các bộ, ngành để điều hành đất nước. Trong khi, Trung Quốc vẫn còn nhiều cơ quan chính phủ vì “không chỉ có các bộ chính thức mà còn nhiều cơ quan ngang bộ khác”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.