Thế giới

Trung Quốc chi tiền tỷ cải tạo “thành phố không cây”

24/11/2017, 12:04

Nagqu, nơi có diện tích lớn nhất tại Khu tự trị Tây Tạng, là thành phố duy nhất của Trung Quốc không có cây...

27

Nagqu - thành phố không có cây

Thành phố Nagqu, nơi có diện tích lớn nhất tại Khu tự trị Tây Tạng, là thành phố duy nhất của Trung Quốc không có cây, gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe và tinh thần. Nhằm cải thiện môi trường, sức khỏe và cảnh quan thành phố, chính quyền địa phương có kế hoạch thực hiện dự án đầy tham vọng và tốn kém là dùng năng lượng mặt trời làm tan chảy băng, tăng nhiệt cho đất giúp cây cối có thể phát triển.

Thành phố không một bóng cây xanh

Tại Nagqu, tình trạng vắng bóng cây xanh, thiếu ô xy, thời tiết cực lạnh và bị cô lập về địa lý đã gây nên tình trạng suy sụp về tinh thần đối với quân nhân Trung Quốc đang đóng quân tại đây. Không ít binh lính từ Nagqu đi xe buýt xuống thành phố Lhasa trong ngày nghỉ chỉ để tìm đến một bóng cây râm mát. Có những binh lính xúc động tới mức ôm cây mà khóc, tờ Quân đội giải phóng nhân dân viết.

Hiện, Trung Quốc đang thực hiện bước đi chưa từng có và tốn kém, đó là khai thác năng lượng mặt trời để làm tan chảy băng tại Nagqu, tạo điều kiện môi trường sinh thái cho cây phát triển.

Mục đích của dự án nhằm tạo cảnh quan xanh, tưới mát tâm hồn của người dân và binh lính đang khô cằn về cảm xúc. Ngoài ra, dự án này cũng đánh trúng vào ý nguyện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình với Nagqu lâu nay.

Dự án dựng các tấm năng lượng mặt trời để sản xuất năng lượng điện truyền xuống một mạng lưới dây đồng khổng lồ đặt trên mặt đất nhằm sinh nhiệt. Sức nóng được sản sinh ra sẽ làm tăng nhiệt đất lên vài độ, làm tan chảy lớp đất băng phía dưới bề để rễ cây mới trồng có thể chống chịu được băng giá, theo các nhà khoa học tới thăm khu thử nghiệm.

Các kỹ sư và chuyên gia khảo sát cũng sử dụng những loại máy móc với đầu khoan đặc biệt xử lý việc trồng cây - vừa để kích thích cây sinh sôi nảy nở vừa để giảm thiểu lỗi do con người gây ra. Đặc biệt, dự án còn sử dụng một hệ thống cảm ứng phức tạp được kết nối với các máy tính, sử dụng trí tuệ thông minh giúp quan sát kỹ quá trình phát triển của cây non và lập tức phát âm thanh cảnh báo nếu nhành cây con bị gãy hay sâu bệnh.

Báo cáo từ trang web của Bộ Khoa học và công nghệ Khu vực tự trị Tây Tạng cho biết, vài tháng gần đây, địa phương này đã bắt đầu cải tạo một rừng cây theo phương pháp này. Khu rừng nhân tạo trải dài trên diện tích rộng tương đương 30 sân vận động, những loài thực vật được trồng gồm có cây linh sam, cây bách và cây thông.

Nếu chiến lược này chứng minh hiệu quả trong mùa đông này thì chỉ vài năm tới, người ta sẽ chứng kiến những mầm cây sinh sôi nảy nở tại thành phố Nagqu, một nhà khoa học nhận định.

Dự án cải tạo môi trường, trồng cây xanh tại Nagqu đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quan tâm ngay từ khi ông chưa trở thành người đứng đầu đất nước. Thời còn là Phó bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phúc Kiến hồi cuối năm 90 của thế kỷ XX, ông Tập có lần tới thăm Nagqu và cho biết, ông nhớ rất rõ thành phố này bị bao phủ bởi các lớp băng lạnh khổng lồ trong môi trường khắc nghiệt như ở những điểm cực của Trái đất.

Khi trở thành Chủ tịch nước, có lần trong một sự kiện của Đảng thu hút hơn 200 bí thư cấp huyện tới tham dự vào năm 2015, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Chính phủ địa phương có thể trao giải từ hàng nghìn nhân dân tệ tới 100.000 nhân dân tệ trong 1 năm cho những người dân có thể trồng cây và giúp cây sống sót. Nhưng đến nay chưa ai có thể giành được phần thưởng này”, ông Tập nói.

Và nay, mới cách đây một tháng, Bộ Khoa học và công nghệ Trung Quốc đã báo cáo Chủ tịch Tập Cận Bình về dự án rừng hóa tại Nagqu và ông khẳng định, sẽ “tiếp tục quan tâm tới chương trình trồng cây của Nagqu”.

Trung Quốc đã chi 10 tỉ USD/năm trong vòng một thập kỷ qua để tạo ra những rừng cây mới trên khắp đất nước.

Tốn kém nhưng không chắc khả quan

Tuy nhiên, không ít nhà khoa học lo lắng về giá cả và tác động môi trường của dự án. Tờ Bưu điện Hoa Nam dẫn lời một nhà nghiên cứu giấu tên cho biết: “Có lẽ nhiều quan chức làm vậy để làm hài lòng Chủ tịch nước nhưng hầu hết các nhà khoa học như chúng tôi đều lo ngại về dự án”. “Chi phí dự án có thể đội lên tới hàng chục triệu nhân dân tệ và còn có thể cao hơn. Như vậy, đây có thể là những loại cây đắt nhất thế giới”, một nhà khoa học khác cho biết.

Cũng theo một chuyên gia đã từng quan sát khu vực này nhiều năm cho hay, dự án có thể làm tổn hại tới hệ thống cân bằng sinh thái cao nguyên Tây Tạng. Bỗng dưng một rừng cây nhân tạo trội lên cùng các nhà máy điện năng lượng mặt trời sẽ làm cạn kiệt nguồn năng lượng nước trong khu vực, phá hủy thói quen tự nhiên và làm gián đoạn chuỗi thức ăn tự nhiên vốn mỏng manh trong khu vực khắc nghiệt này, nhà khoa học này cảnh báo.

Theo PLA Daily, không phải đến bây giờ, chính quyền khu vực mới nghĩ đến chuyện trồng cây. Lâu nay, thành phố Nagqu đã chi tới hàng triệu nhân dân tệ trong hàng chục thế kỷ để xanh hóa thành phố. Những biện pháp được sử dụng bao gồm trồng cây dưới một lớp mái cỏ, trộn lẫn vitamin vào đất trồng hay tưới nước ấm lên cây, bọc từng nhánh cây bằng túi nhựa. Nhưng đến nay, chưa có phương án nào khả dĩ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.