Thế giới giao thông

Trung Quốc có gì để thách thức Mỹ trên thị trường xe tự lái?

19/08/2020, 08:06

Về xe tự lái, Trung Quốc cũng đã nắm trong tay những nhân tố quan trọng, sẵn sàng chờ đợi cơ hội để vượt lên Mỹ.

img
Hàng trăm xe tự lái tại bãi đỗ xe Apollo mà Baidu mới khai trương đầu năm nay.

Trung Quốc đã và đang thách thức Mỹ trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị tới khoa học kỹ thuật... Về chiến lược phát triển các phương thức vận tải tương lai - điển hình nhất là xe tự lái, Trung Quốc cũng đã nắm trong tay những nhân tố quan trọng, sẵn sàng chờ đợi cơ hội để vượt lên.

Điểm mặt các “chiến binh”

Hiện tại, rất nhiều “chiến binh” của Trung Quốc như Baidu, Auto-X (do tập đoàn Alibaba hậu thuẫn) và “ông hoàng” trong ngành chia sẻ xe Didi Chuxing, liên tiếp ra mắt các dự án thử nghiệm taxi tự lái tại nhiều thành phố trên toàn quốc.

Sự kiện gần đây nhất đến từ AutoX, khi vừa ra mắt dòng xe tự lái với cái tên đơn giản “Robotaxi” ngay tại Thượng Hải, sẵn sàng cạnh tranh với mẫu xe tương tự mà Didi vừa cho ra mắt ở cùng thành phố tháng 6 vừa rồi. Giám đốc điều hành AutoX, ông Xiao Jiangxiong tự tin tuyên bố: “Phương tiện tự động lái hoàn toàn đầu tiên sẽ lăn bánh trên đường phố vào cuối năm nay”.

Không dừng ở đó, ông Xiao kỳ vọng, trong 2-3 năm nữa, nếu toàn bộ những vấn đề về quy định và công nghệ được giải quyết, họ sẽ triển khai phương tiện này trên quy mô lớn hơn, chẳng hạn như cho xe chạy mà hoàn toàn không cần người lái.

Một thành viên khác trên thị trường phát triển xe tự lái là “gã khổng lồ về công nghệ” Baidu, cũng đang lên kế hoạch xây dựng các trung tâm thử nghiệm xe tự lái tại hơn 10 thành phố trên toàn đại lục bao gồm Thủ đô Bắc Kinh.

Hiện tại, đã có 45 xe được thử nghiệm tại TP Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc trên khu vực rộng khoảng 130km2. Đầu năm nay, Baidu mở cửa bãi đỗ xe Apollo và nắm trong tay hơn 200 phương tiện tự lái.

Trong thư gửi tới nhân viên, Giám đốc điều hành Apollo Li Zhenyu khẳng định: “Kỷ nguyên dành cho xe tự lái chắc chắn đang đến rất gần”.

Lợi thế từ nhận thức người dân

Một trong những lý do khiến các lãnh đạo trong ngành xe tự lái ở đất nước tỷ dân tự tin đến vậy là vì ngoài công nghệ, họ không quá vất vả để thay đổi tư duy của người dân về dòng xe hoàn toàn không cần đôi tay con người này. Người tiêu dùng Trung Quốc nổi tiếng về không ngại ngần tiếp nhận công nghệ mới như thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến và các giải pháp điện tử khác. Với công nghệ xe tự lái cũng vậy.

Một giám đốc điều hành của Didi khẳng định, tập đoàn gọi xe này sẽ vận hành hơn 1 triệu ô tô tự lái tính đến năm 2030. “Những gì chúng tôi đang cố giải quyết hiện nay chỉ là 0,5% vấn đề còn sót lại… Chúng tôi tin, trong tương lai, Didi có thể đưa xe tự lái đạt tới mức lái xe an toàn hơn con người”, vị lãnh đạo khẳng định.


Điều này thể hiện rõ qua dòng người tấp nập xếp hàng tham quan phương tiện tự động lái do tập đoàn xe công nghệ Didi Chuxing tự phát triển trong dự án thử nghiệm tại Thượng Hải hồi tháng 6 vừa qua.

Didi cho phép người dùng sử dụng ứng dụng điện thoại đặt chuyến trong phạm vi vòng quanh ngoại ô. Phương tiện tự lái của hãng là dòng xe do Volvo (hãng xe Thụy Điển) sản xuất, được trang bị công nghệ và thiết bị radar để tự điều hướng.

Phương tiện này khởi động, tăng tốc, phanh, ra tín hiệu và tự bật giọng nói của nữ thông báo cho người ngồi trong xe biết các thông tin như “chiếc xe đang được khử trùng, sẵn sàng phục vụ khách...”.

Vì dự án này đang trong quá trình thực hiện nên vẫn cần một nhân viên an toàn của Didi ngồi trên ghế lái, sẵn sàng điều khiển bánh lái khi cần. Trong quá trình thử nghiệm, có lúc một chiếc ô tô tải lớn bất ngờ ngoặt ngay phía trước, xe Didi lập tức thực hiện hành động hãm phanh an toàn.

Tuy nhiên, cũng giống như người mới học lái xe, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trên các phương tiện này cũng cần có thời gian thực hành liên tục để vận hành thành thạo.

Chẳng hạn, ở một điểm dừng đèn đỏ, chiếc xe phanh gấp khiến hành khách bị giật người về phía trước. Bất cứ biến cố nào bất ngờ xảy ra lệch so với lộ trình được định trước, xe vẫn không thể tự xử lý mà phải nhờ sự can thiệp của tài xế.

Theo ông Paul Lewis, nhà nghiên cứu chính sách hàng đầu tại công ty phi lợi nhuận Eno Center for Transportation, có trụ sở ở Washington, Mỹ: Trên thế giới, “đến thời điểm này, nhiều nhà phát triển công nghệ bắt đầu nhận ra những hạn chế của trí tuệ nhân tạo cũng như lợi ích từ bộ não con người trong quá trình xử lý các nhiệm vụ khó nhằn bất ngờ trên đường” nên dần điều chỉnh bớt kỳ vọng vào công nghệ này.

“Có lẽ vẫn còn một chặng đường dài phía trước để xe ô tô tự lái có thể chính thức được sử dụng trên đường phố thực trong điều kiện thông thường”, ông Lewis e ngại.

Song, với những người dân Trung Quốc tham gia thử nghiệm như cô Da Xuan (24 tuổi, nhân viên truyền thông), dù có xảy ra chút sai lệch cần tài xế ngồi tại ghế lái xử lý kịp thời thì mọi người vẫn cảm nhận được công nghệ nước nhà đã đến rất gần.

“Tôi biết một số công ty tại Mỹ như Uber hay Tesla đang nghiên cứu công nghệ tự động lái nên rất tò mò, muốn tìm hiểu xem các công ty Trung Quốc cùng ngành đang làm gì, liệu họ có sản xuất các phương tiện như vậy không và trải nghiệm như thế nào”, cô Da Xuan chia sẻ. Sau một vòng trải nghiệm phương tiện của Didi, Xuan cảm nhận chuyến đi “rất mượt mà”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.