Thế giới giao thông

Trung Quốc coi hạ tầng là “chìa khóa” để vượt Mỹ

24/03/2021, 06:38

Đại dự án hạ tầng được kỳ vọng trở thành nền tảng giúp Bắc Kinh hiện thực hóa tham vọng tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế...

img

Trung Quốc đầu tư mạnh vào hạ tầng để phát triển kinh tế

Bắc Kinh đã và đang dốc toàn lực, đầu tư “khủng” cho đại kế hoạch nâng cấp hạ tầng toàn diện, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông để tạo động lực, nâng quy mô nền kinh tế lên gấp đôi. Trong khi đó, chiến lược cải thiện hạ tầng đi trước đón đầu kinh tế vẫn ì ạch qua suốt nhiều đời Tổng thống Mỹ.

Đại kế hoạch hạ tầng

Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện vừa công bố kế hoạch tổng thể, mở rộng quy mô hạ tầng toàn diện. Trong đó, tính đến năm 2035, hệ thống đường sắt tốc độ cao, vốn đã lớn nhất thế giới của nước này, sẽ được phát triển lên gấp đôi tới 70.000km, đánh dấu mức tăng 84% so với 38.000km chiều dài đường sắt tốc độ cao đã sở hữu hiện nay.

Sau 15 năm nữa, tổng số km toàn hệ thống đường sắt quốc gia Trung Quốc sẽ đạt 200.000km, tăng 37% so với 146.000km hiện có.

Ngoài ra, Trung Quốc dự tính nối dài hệ thống đường cao tốc thông thường và cao tốc quốc gia lên 460.000km; mở rộng hệ thống đường thủy nội địa chất lượng cao tới 250.000km.

Cùng lúc, Bắc Kinh sẽ xây thêm 162 sân bay dân sự, nâng tổng số sân bay lên con số 400 để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, thương mại.

Đại dự án hạ tầng được kỳ vọng trở thành nền tảng giúp Bắc Kinh hiện thực hóa tham vọng tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2035. Đây là mục tiêu mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng khẳng định là hoàn toàn khả thi.

Đáng chú ý, trong chiến lược xây dựng hạ tầng lần này, Bắc Kinh không chỉ đầu tư ngân sách “khủng” mà còn huy động tổng lực về chất xám, chú trọng vào sáng tạo, công nghệ thông minh, tự động. Từ đó, “con rồng châu Á” có thể bay lên dựa trên chính sức sáng tạo của mình, thay vì phải mua công nghệ từ bên ngoài.

Cụ thể, trong kế hoạch, Bắc Kinh sẽ nêu rõ chi tiết quy định để hỗ trợ các phương tiện tự lái, thông minh trong tương lai; tăng cường ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu do Trung Quốc tự phát triển BeiDou nhằm cạnh tranh với Hệ thống Định vị toàn cầu (GPS) thuộc sở hữu của Mỹ.

Trung Quốc cũng nhấn mạnh mục tiêu phát triển các công nghệ đường sắt hiện đại như hệ thống tàu đệm từ với tốc độ lên tới 600km/h và tàu ống chân không.

Tất cả sẽ đưa Trung Quốc trở thành “đất nước có hệ thống giao thông vững mạnh”, theo nội dung kế hoạch.

“Chìa khóa” để phát triển kinh tế

img

Sau 15 năm nữa, tổng số km toàn hệ thống đường sắt quốc gia Trung Quốc sẽ đạt 200.000km, tăng 37% so với 146.000km hiện có

Dựa trên nền tảng giao thông hàng đầu thế giới, Trung Quốc có thể thực hiện chiến lược phát triển kinh tế “vòng tuần hoàn kép”, trong đó chú trọng phát triển nội lực, tăng trưởng dựa trên thị trường nội địa nhiều hơn.

Chỉ có phát triển hạ tầng đồng bộ, Trung Quốc mới có thể giải quyết vấn đề “phát triển lệch” đang nhức nhối, xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực thành thị, nông thôn và giữa các thành phố với nhau.

Nhờ củng cố hạ tầng, số chuyến vận tải khách tại Trung Quốc sẽ tăng trung bình 3,2%/năm trong giai đoạn từ 2021-2035; khối lượng vận tải hàng hóa sẽ tăng 2%/năm; tỉ lệ dịch vụ chuyển phát nhanh thường niên dự kiến tăng 6,3 %/năm.

Bên cạnh phát triển trong nước, Trung Quốc sẽ thiết lập một hệ thống vận chuyển nhanh có khả năng giao hàng tới bất cứ thành phố lớn nào trên thế giới trong 3 ngày.

Đồng thời, Bắc Kinh kêu gọi đầu tư thêm vào các tuyến đường kết nối với một số quốc gia trong Sáng kiến Vành đai và Con đường để duy trì các tuyến vận tải quốc tế đối với các nhóm hàng hóa quan trọng của quốc gia như dầu thô, quặng, ngũ cốc, khí đốt hóa lỏng. Từ đó, Trung Quốc có thể đứng vững trước môi trường quốc tế biến đổi phức tạp.

Mỹ phải e ngại và hành động gấp

Tham vọng phát triển thần tốc của “đối thủ số 1” đã khiến Mỹ phải e ngại, nhất là trong bối cảnh hai nước ngày càng cạnh tranh sâu sắc.

Từ một quốc gia có hệ thống hạ tầng giao thông đáng ngưỡng mộ trên thế giới, hiện nay, Washington đang phải chạy theo Bắc Kinh đến “hụt hơi”. Từ thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, qua thời ông Donald Trump và đến ông Joe Biden, các lãnh đạo Nhà Trắng đều nhấn mạnh hạ tầng Mỹ đang rệu rã và cần hàng nghìn tỉ USD để nâng cấp. Song, cả 2 đời Tổng thống trước vẫn chưa thể đáp ứng được mục tiêu ngân sách đó.

Ngay đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ về hạ tầng và giao thông công cộng với ngân sách đầu tư lớn.

Do đó, Mỹ cần phải tăng mạnh đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng quốc gia. “Nếu chúng ta không hành động, họ (Trung Quốc) sẽ dùng luôn bữa trưa của Mỹ”, Tổng thống Mỹ nói trong một cuộc họp kín với các Thượng Nghị sĩ về vấn đề chi tiêu hạ tầng.

Lãnh đạo Mỹ còn đặc biệt nhấn mạnh tới những kế hoạch mở rộng hệ thống đường sắt cao tốc và nỗ lực phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường thay thế phương tiện sử dụng động cơ đốt trong mà Trung Quốc đang xúc tiến.

Thực tế, dựa trên sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ của Bắc Kinh từ đại dịch Covid-19, nhiều nhà phân tích dự đoán, quy mô kinh tế của đất nước đông dân nhất thế giới sẽ vượt Mỹ tính đến đầu năm 2028 - sớm hơn mục tiêu mà Bắc Kinh đưa ra tới 7 năm.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế vẫn e ngại, chiến lược kích thích kinh tế mới của Trung Quốc đang quá phụ thuộc vào chi tiêu hạ tầng và có thể tạo thêm gánh nặng về nợ cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.