Thời sự Quốc tế

Trung Quốc công bố tàu tuần tra mới trên Biển Đông

29/07/2022, 10:16

Trung Quốc thông báo vừa đóng mới một tàu thực thi pháp luật để tuần tra trên Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực này leo thang.

Theo thông tin trên trang web của Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Wuchang, phương tiện thực thi pháp luật trên mang tên Sansha Zhi Fa 101 đã được biên chế cho các cơ quan thực thi pháp luật chịu trách nhiệm giám sát vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Tập đoàn này cho biết tàu Sansha Zhi Fa 101 được trang bị các “thiết bị thực thi pháp luật chuyên dụng và một bãi đáp trực thăng”, sẽ chịu trách nhiệm tuần tra và giám sát vùng biển mà Trung Quốc khẳng định nằm dưới quyền tài phán của cái gọi là thành phố Tam Sa do Bắc Kinh tuyên bố trái phép trên Biển Đông.

img

Tàu Sansha Zhi Fa 101 do Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Wuchang, Trung Quốc chế tạo. Ảnh - SCMP

Theo thông báo, việc biên chế con tàu có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ quyền hàng hải và các lợi ích của Trung Quốc, đặc biệt là chủ quyền.

Trung Quốc bắt đầu thành lập cái gọi là thành phố “Tam Sa” từ năm 2012 để tự cho mình có quyền quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Đến năm 2020, mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) ngang nhiên đưa tin, theo phê chuẩn của Chính phủ Trung Quốc, cái gọi là "thành phố Tam Sa" sẽ thành lập 2 quận quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo CGTN, 2 quận này được gọi là Tây Sa và Nam Sa. Tây Sa và Nam Sa là tên Trung Quốc dùng lần lượt để gọi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Cũng theo CGTN, quận Tây Sa quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trung Sa cùng các vùng biển xung quanh và chính quyền huyện đặt ở đảo Phú Lâm.

Còn quận Nam Sa quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển xung quanh và chính quyền đặt ở đá Chữ Thập. Đây là một trong 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp.

Tại thời điểm Trung Quốc ra tuyên bố trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định mạnh mẽ Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó, và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.

Song, bất chấp phản đối của Việt Nam và sự lên án của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc không ngừng cải thiện cơ sở hạ tầng trên Biển Đông để tăng cường kiểm soát.

Căng thẳng trên Biển Đông cũng đang trở thành điểm nóng trong quan hệ Trung Quốc và Mỹ. Washington coi đây là vấn đề quan trọng trong chiến lược để kiềm chế Trung Quốc và thường xuyên thực hiện các hoạt động “tự do hàng hải”. Đôi khi, Mỹ thực hiện nhiệm vụ này cùng với các nước đồng minh Nhật Bản và Australia.

Mới đây, tại một hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (có trụ sở tại Washington, Mỹ), bà Jung Pak – Phó trợ lý chuyên trách khu vực Đông Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc đã tăng cường hành động khiêu khích nhằm ngăn các bên cùng tuyên bố chủ quyền và các quốc gia khác trên Biển Đông hoạt động hợp pháp trong khu vực.

Bà đề cập tới 3 sự việc diễn ra trong vòng vài tháng qua trong đó Trung Quốc đã thách thức hoạt động thăm dò năng lượng và nghiên cứu hàng hải trong vùng biển mà Philippines tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Theo bà Pak, những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực này là trái pháp luật, sẽ dẫn đến bất ổn trong khu vực, làm tổn hại kinh tế của các quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền khác, làm xói mòn trật tự hàng hải, đe dọa quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia phụ thuộc hoặc vận hành trên tuyến đường thủy quan trọng này.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá bình luận trên của bà Pak là hoàn toàn đảo ngược trắng đen.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc Mỹ đang hành động hoang tưởng trên Biển Đông và đánh giá đây là “mối đe dọa thực sự” đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.