Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc đang chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông

24/04/2016, 18:39

Trung Quốc tuyên bố đã đạt được đồng thuận với Brunei, Campuchia và Lào trong vấn đề Biển Đông, theo Reuters ngày 24/4.

Vuong-Nghi

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Hãng Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại một buổi trả lời phỏng vấn ở thủ đô Vientiane, Lào hôm 23/4, trong đó khẳng định: Trung Quốc đã đạt “sự đồng thuận quan trọng” với Brunei, Campuchia và Lào về vấn đề Biển Đông. Ông Vương còn khẳng định, sự đồng thuận này không hề ảnh hưởng tới mối quan hệ Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tranh chấp chủ quyền Biển Đông có liên quan tới 4 quốc gia thành viên ASEAN gồm: Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông. Hiện, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia ASEAN.

Nhóm các quốc gia ASEAN còn lại bao gồm Singapore, Indonesia, Thái Lan và Myanmar không đứng ngoài tranh chấp Biển Đông. Các quốc gia này bày tỏ sự quan tâm và sát sao đối với các diễn biến liên quan.

Reuters dẫn lời ông Vương cho rằng, “vấn đề Biển Đông không phải là tranh chấp giữa Trung Quốc với ASEAN, đồng thời không ảnh hưởng tới mối quan hệ này”. Song, trên thực tế, khiếu nại hàng hải của Trung Quốc luôn là vấn đề nóng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, các quốc gia luôn phải nỗ lực hỗ trợ lẫn nhau trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc.

Hãng thông tấn Nhà nước Tân Hoa Xã dẫn thông tin cho biết, 4 điểm chính mà Trung Quốc cùng Brunei, Campuchia và Lào đạt được đồng thuận trong vấn đề Biển Đông bao gồm: “Các nước có quyền tự chọn giải quyết tranh chấp theo cách của mình, tôn trọng luật pháp quốc tế; Phản đối tất cả các hành động đơn phương áp đặt một chương trình nghị sự nhất định lên các nước khác; Các tranh chấp phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp đến Điều 4, Tuyên bố Ứng xử trên Biển Đông (DoC); Trung Quốc và ASEAN cần chung tay đảm bảo hòa bình và ổn định trên Biển Đông thông qua hợp tác. Các quốc gia bên ngoài khu vực cần đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này.

Các nhà quan sát cho rằng, với động thái đạt được “đồng thuận” trong vấn đề Biển Đông với Brunei, Campuchia và Lào, Trung Quốc đang tiến gần hơn đến mục tiêu chia rẽ các quốc gia ASEAN trong lập trường về Biển Đông.

Chưa kể, việc Bắc Kinh lôi kéo Brunei, Campuchia và Lào trong bối cảnh phán quyết của Tọa trọng tài Quốc tế (PCA) sắp được đưa ra trong vụ kiện do Philippines khởi xướng, chính là hành động đi ngược lại Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (1982).

Đặc biệt, động thái của Bắc Kinh là hành động gây xói mòn niềm tin và tình đoàn kết trong khối ASEAN, đi ngược lại nhận thức chung của ASEAN về Biển Đông. Mới đây nhất, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM-48) tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia tháng 8/2015, Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN đã cùng nhất trí tăng cường đoàn kết, trách nhiệm và vai trò của ASEAN trong xử lý vấn đề Biển Đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.