Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc đáp chiến đấu cơ xuống Trường Sa, leo thang căng thẳng

19/04/2016, 07:26

Một máy bay quân sự Trung Quốc lần đầu tiên công khai đáp xuống sân bay mới được xây dựng trên đá Chữ Thập.

Đường băng mới được xây dựng trái phép trên đá Chữ

Đường băng dài 3 km được Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Trước nguy cơ Tòa trọng tài quốc tế sẽ ra phán quyết gây bất lợi trong vụ Philippines khởi kiện về chủ quyền trên biển Đông, Trung Quốc liên tục có những hoạt động quân sự gây gia tăng căng thẳng và nhiều chuyên gia quan ngại nước này sẽ lập cái gọi là Vùng Nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông...

Gây căng thẳng bằng quân sự

Hôm qua (18/4), truyền thông Trung Quốc đưa tin, một máy bay quân sự nước này lần đầu tiên công khai đáp xuống sân bay mới được xây dựng trên đá Chữ Thập, được bồi đắp trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đường băng mới được xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập dài 3 km và là một trong 3 đường băng Trung Quốc xây dựng chỉ trong vòng 1 năm qua. Không chỉ các nước trong khu vực, Mỹ cũng nhiều lần chỉ trích việc bồi đắp trái phép đảo nhân tạo trên biển Đông vì lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng những cơ sở hạ tầng này vào mục đích quân sự.

Tháng 1 vừa qua, Trung Quốc bắt đầu cho các chuyến bay dân sự đáp thử nghiệm xuống đường băng này. Đến nay, Trung Quốc trắng trợn cho máy bay quân sự hoạt động tại đây. Tờ Quân Giải phóng Nhân dân (PLA Daily) giải thích, máy bay quân sự này đang tuần tra trên biển Đông thì nhận được lời kêu cứu khẩn cấp, nên đáp xuống đá Chữ Thập để đưa ba công nhân ốm nặng tới đảo Hải Nam chữa trị.

Đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc thừa nhận cho máy bay quân sự đáp xuống đá Chữ Thập. Tờ Thời báo Hoàn cầu trích lời một chuyên gia quân sự nhận định, hoạt động này chứng tỏ đường băng trên đá Chữ Thập đạt tiêu chuẩn quân sự; Trong tương lai, nếu xảy ra chiến tranh, chiến đấu cơ của Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng cơ sở hạ tầng này.

Không chỉ vậy, cùng ngày, Reuters dẫn thông tin từ PLA Daily cho biết, hạm đội của Trung Quốc trên biển Đông thực hiện cuộc tập trận giả tưởng điều kiện chiến tranh thật bắt đầu từ ngày 7/4. Trước đó, hạm đội này thực hiện các cuộc tập trận trong mọi thời tiết, tập trận tốc độ cao để tăng hiệu quả chiến đấu. Ông Tian Junqing, một sĩ quan chỉ huy cuộc tập trận cho biết: “Trong bối cảnh tình hình đặc biệt ngày càng phức tạp, đối phó với những kẻ địch ngày càng nguy hiểm, tạo môi trường chiến đấu giống như thật là những phương pháp quan trọng để không quân và hải quân Trung Quốc bám sát những yêu cầu chiến đấu thực tiễn và tăng cường sức mạnh tác chiến”.  

Tuy nhiên, địa điểm cụ thể của cuộc tập trận không được nêu rõ và PLA Daily cho biết, tới đây, hạm đội này tiếp tục thực hiện tập trận tấn công trên biển 24/24h, thực hiện tấn công phòng vệ ở độ cao tối thiểu cùng các chiến thuật khác. Nếu Trung Quốc tiến hành triển khai máy bay chiến đấu trên các đường băng trái phép ở biển Đông, họ có thể tiến hành tuần tra trên 90% vùng biển này, theo NI (Tạp chí National Interest).

Trong tháng 2, quân đội Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các nhà phân tích nhận định, trong phạm vi 125 dặm, HQ-9 là mối đe dọa đáng quan ngại đối với bất kỳ máy bay nào.

Âm mưu thiết lập ADIZ

Trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông ngày càng "nóng", nhất là chỉ còn vài tuần nữa Toà trọng tài quốc tế sẽ đưa ra phán quyết việc Phillippines khởi kiện về chủ quyền trên biển Đông, National Interest ngày 15/4 dẫn lời các chuyên gia nhận định: Nhiều khả năng, nếu phán quyết bất lợi, rất có thể Trung Quốc sẽ tuyên bố cái gọi là Vùng Nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông để… đáp trả, tương tự như điều quốc gia này từng làm trên biển Hoa Đông.

Trung Quốc rõ ràng đang cố tình quân sự hóa ở biển Đông. Phải là người tin rằng, Trái đất là một mặt phẳng mới có thể nghĩ khác được”. 

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh hạm độiThái Bình Dương của Mỹ

Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lớn tiếng: “Đừng trông chờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế sẽ giúp giảm căng thẳng” và “Bắc Kinh sẽ không công nhận phán quyết của tòa nếu điều đó có lợi cho Philippines”.

Còn  trong một bài phân tích trên Tạp chí The Diplomat, các chuyên gia từng nhận định, kể từ khi đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông năm 2013, sẽ không còn lâu nữa, Trung Quốc sẽ thiết lập một vùng tương tự trên biển Đông. Tạp chí này từng dẫn lời Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, ông Antonio Carpio cho rằng: “Trung Quốc gần như đang thực thi ADIZ ở biển Đông”. Hiện bất kỳ máy bay Philippines nào bay qua quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên biển Đông đều nhận được lời cảnh báo từ Trung Quốc thông qua điện đàm yêu cầu “tránh xa khu vực này”, Diplomat cho biết.

Các nhà quan sát nhận định, rất có thể ADIZ mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố ở biển Đông sẽ bao gồm tất cả phần lãnh thổ nằm trong cái gọi là “Đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tự… tưởng tượng ra trước đó, trong đó có bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nó cũng có thể mở rộng ra ở bãi cạn Scarborough và quanh khu vực các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp, cải tạo trái phép gần đây.

Trước những phân tích về động thái trên của Trung Quốc, Đô đốc Hary Harris, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) tuyên bố sẽ “bỏ qua” cái gọi là ADIZ trên biển Đông như họ đã từng “phớt lờ” ADIZ trên biển Hoa Đông, đồng nghĩa với việc các lực lượng Mỹ sẽ không công nhận ADIZ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.