Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc dọa máy bay Philippines ở Trường Sa

19/01/2016, 09:14

Philippines bị “Hải quân Trung Quốc” đe dọa khi bay gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

hai-quan-trung-quoc-doa-may-bay-philippines
Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc chiếm đóng và cho xây dựng các công trình trái phép tại đây. (Ảnh: Philstar)

Ông Eric Apolonio, phát ngôn viên Cơ quan hàng không dân dụng Philippines (CAAP) cho biết, sự việc trên xảy ra ngày 17/1, khi ông cùng một số chuyên viên bay thị sát gần khu vực đảo Thị TứTrung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Theo ông Apolonio, các thông điệp phát ra từ vô tuyến của Hải quân Trung Quốc cảnh báo rằng: Máy bay Philippines đang “đe dọa sự an toàn của trạm chúng tôi”, song máy bay của CAAP vẫn tiếp tục thực hiện chuyến thị sát.

Trả lời phỏng vấn truyền thông, người phát ngôn của Tổng thống Herminio Coloma nói: “Bộ Ngoại giao đã nhận được thông báo về các sự cố liên quan tới Cơ quan hàng không dân dụng của chúng tôi”, đồng thời đang chuẩn bị một tuyên bố về vấn đề này.

CAAP đang xem xét ký một thỏa thuận trong năm 2016 với quân đội nước này, liên quan tới việc lắp đặt các radar trên không nhằm phát hiện sự xâm nhập trong vùng không phận là 402km – vượt ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế.

Philippines cũng có kế hoạch lắp đặt một hệ thống vệ tinh trị giá hơn 1 triệu USD, để theo dõi các chuyến bay thương mại trong vùng Biển Đông, sau khi Trung Quốc tuyên bố đáp thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

"Vì không có radar trong khu vực, hệ thống hoạt động dựa trên vệ tinh sẽ giúp theo dõi các máy bay, tăng cường an toàn và an ninh", ông Rodante Joya, Phó cục trưởng Cơ quan hàng không dân dụng Philippines nói.

Các động thái của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa gần đây, đã làm dấy lên mối quan ngại về những căng thẳng sẽ leo thang tại vùng Biển Đông. Trong đó, Trung Quốc tuyên bố gần như toàn bộ chủ quyền với vùng biển có tổng giá trị thương mại hàng hóa mỗi năm lên tới  hơn 5.000 tỉ USD.

Trong một diễn biến liên quan hồi đầu tháng này, cả Philippines và Việt Nam đã lên tiếng phản đối các chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Mới đây nhất, ngày 15/1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Namtrước việc trang mạng chính thức của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đăng bản đồ hàng không về FIR Tam Á trong đó có ghi dòng chữ tiếng Trung “thành phố Tam Sa – Trung Quốc” và có biểu tượng sân bay trên bãi đá Chữ Thập với dòng chữ tiếng Anh “Sân bay Vĩnh Thử  - Tam Sa”, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam đã nhiều lần phát biểu phản đối việc Trung Quốc thiết lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, sân bay trên các đảo này… Các hành động này của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền hợp pháp khác của Việt Nam ở Biển Đông.

Liên quan đến các bản đồ về FIR Tam Á đăng trên mạng của ICAO, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có công thư gửi ICAO khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam, lưu ý việc Trung Quốc mở đường bay ra đá Chữ Thập đã vi phạm các quy định của ICAO về an toàn hàng không. Việt Nam quan ngại sâu sắc trước những sự việc này; đồng thời đề nghị ICAO chỉnh sửa lại bản đồ hàng không về FIR Tam Á cho phù hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.