Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc dùng “quyền lực mềm” với Philippines thế nào?

05/03/2021, 11:35

Quan hệ gần gũi giữa Mỹ và Philippines đã lùi vào quá khứ, nhường chỗ cho mối quan hệ thân tình mới giữa Manila và Bắc Kinh.

img

Tổng thống Duterte và ông Tập Cận Bình Ảnh: Business Insider

Theo các chuyên gia từ Tạp chí Diplomat của Nhật Bản, một trong những yếu tố quan trọng cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia châu Á có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là nhờ chiến lược củng cố “quyền lực mềm” của Trung Quốc tại Philippines.

Chi hàng tỷ USD quảng bá ngôn ngữ, giáo dục, văn hóa

Cách đây ít năm, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan) để phản đối tuyên bố “đường lưỡi bò”, vốn nuốt trọn gần cả Biển Đông và cực lực phản đối sự bành trướng, thái độ khiêu khích của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Nhưng hiện nay, căng thẳng giữa hai nước gần như đã lùi xa, nhường chỗ cho mối quan hệ thân tình. Thái độ của Tổng thống Philippines gần đây là bằng chứng rõ nhất.

Trong khi không ngần ngại chỉ trích Mỹ, yêu cầu Washington trả tiền cho hoạt động đồn trú tại quốc đảo, đe dọa đuổi quân Mỹ về nước, ông Duterte lại giành nhiều lời ca ngợi Bắc Kinh. Tổng thống Philippines từng nói: “Bắc Kinh đã tài trợ cho chúng tôi rất nhiều nhưng không bao giờ đòi hỏi điều gì”.

Ông Duterte còn hai lần cảm ơn sâu sắc Trung Quốc vì nước này tài trợ lô 600.000 liều vaccine Sinovax phòng Covid-19 nhưng vẫn muốn có chuyến thăm chính thức, trực tiếp cảm ơn tới chính phủ và người dân nước này.

Thực tế, vaccine chỉ là một thứ “quyền lực mềm” mà Trung Quốc hướng đến Philippines, qua đó củng cố những cam kết đòi chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, giành nhiều lợi ích về kinh tế, theo The Diplomat.

Quân “át chủ bài” mà Trung Quốc đang sử dụng là mở rộng văn hóa đại chúng (pop) và truyền thông tại Philippines, lan tỏa rộng rãi những nội dung, lối viết thân Trung Quốc.

Cụ thể, dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD quảng bá về ngôn ngữ, trao đổi giáo dục, mở rộng và hợp tác truyền thông, lan tỏa những biểu tượng văn hóa đại chúng.

Theo nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện năm 2019, cách nhìn Trung Quốc của người dân tại Đông Nam Á đã tích cực hơn tại châu Âu hay Bắc Mỹ. Trong đó, 42% người Philippines có cái nhìn cởi mở và thân thiện về Trung Quốc trong khi ở Mỹ con số này chỉ là 26% và Đức là 34%.

Hình ảnh cá nhân của ông Tập Cận Bình cũng được nâng cao tại Philippines khi 58% người dân địa phương tin tưởng chính quyền Bắc Kinh xử lý đúng trong các vấn đề quốc tế, chỉ thấp hơn chút so với người Nga là 59%.

Truyền tải tư tưởng, hình ảnh Trung Quốc qua phim ảnh

Cơ sở của chiến lược xây dựng “quyền lực mềm” xuất phát từ việc từ lâu Chính phủ Trung Quốc coi sự thành công và tầm ảnh hưởng quốc tế của Hollywood - ngành công nghiệp văn hóa đại chúng hàng đầu thế giới - góp phần quảng bá lối sống của người Mỹ, đưa thái độ chính trị của nước này trở thành giá trị của toàn cầu. Do đó, đất nước đông dân nhất thế giới muốn đạt được thành công tương tự.

Trung Quốc đã nỗ lực phát triển ngành công nghiệp văn hóa đại chúng của riêng mình hướng đến thay thế Hollywood tại Philippines và mở rộng ra toàn châu Á. Chẳng hạn, Trung Quốc đã ra mắt “Chương trình Phim truyền hình Trung Quốc” trên hệ thống phát thanh truyền hình Nhà nước People’s Television Network (PTV)-4 của Philippines.

Đồng thời, các chương trình giải trí Trung Quốc được phát sóng trên kênh ABS-CBN và kênh Nghệ thuật Truyền thông toàn cầu (GMA) - 2 hệ thống phát thanh truyền hình tư nhân lớn nhất tại Philippines.

Chương trình radio “Wow China” do Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc và Cơ quan Phát thanh Philippines hợp tác sản xuất, cũng đã và đang được phát trên kênh radio địa phương Radyo Pilipinas từ giữa năm 2018. Ngoài ra, rất nhiều bộ phim Trung Quốc nổi lên và ngày càng được yêu thích tại quốc đảo Đông Nam Á.

Song, theo The Diplomat, trước xu hướng trên, đã có không ít nhà quan sát địa phương cảnh báo và dư luận trong nước lên tiếng lo ngại ngành công nghiệp văn hóa đại chúng Trung Quốc đang được chính trị hóa để tăng cường năng lực của Trung Quốc tại đất nước Đông Nam Á.

Thông qua các kênh truyền bá này, Bắc Kinh đã tiếp cận người dân Philippines, tuyên truyền những tư tưởng như: Trung Quốc là cường quốc nhân văn và sự phát triển tích cực trong quan hệ Trung Quốc - Philippines sẽ rất có lợi cho nền kinh tế Philippines trong dài hạn.

Khoảng giữa năm ngoái, một làn sóng dư luận tức giận nổi lên trên mạng xã hội Philippines về việc chương trình “Wow China” phát những chương trình tuyên truyền cho Trung Quốc ngay trên hệ thống truyền thông quốc gia.

Theo đó, trong một số phát sóng vào tháng 5, hai người dẫn là Nimfa Asuncion và Ernest Wang đã thao thao bất tuyệt nói về bài học tiếng Hán do một giáo viên từ Viện Khổng Tử thuộc Đại học Philippines giảng dạy, buộc các chương trình liên quan đến “yếu tố Trung Quốc” sau đó khi lên sóng đều phải kiểm soát thận trọng hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.