Thế giới

Trung Quốc: Dùng robot chữa bệnh ngăn bệnh nhân tấn công bác sĩ

13/10/2017, 10:25

Không chỉ sử dụng trí tuệ nhân tạo vào ngành sản xuất, Trung Quốc còn đưa công nghệ này vào lĩnh vực y khoa...

27

Các “bác sĩ ảo” sử dụng trí thông minh nhân tạo rất có tương lai tại Trung Quốc

Không chỉ sử dụng trí tuệ nhân tạo vào ngành sản xuất, dịch vụ, Trung Quốc còn đưa công nghệ này vào lĩnh vực y khoa, cụ thể là giao việc cho robot tiến hành chẩn đoán, điều trị ung thư cùng nhiều căn bệnh khác. Việc làm này giúp giảm tải gánh nặng cho ngành chăm sóc y tế và ngăn chặn tình trạng các y bác sĩ bị bệnh nhân tấn công.

Dùng “bác sĩ ảo” lựa kế hoạch điều trị

Đối với bác sĩ Zhao Changlin, chuyên khoa ung thư tại một bệnh viện ở TP Quảng Châu, Trung Quốc, cuộc sống thường nhật của ông luôn đầy rẫy thử thách. Một bệnh nhân của ông bị ung thư giai đoạn cuối vừa cầu xin ông ngừng hoá trị vì không thể tiếp tục chịu đựng đau đớn.

Ông Zhao biết rõ những đau đớn mà nữ bệnh nhân này đang phải trải qua mỗi ngày. Việc phải chứng kiến những con người vật vã với bệnh tật lại chính là một phần công việc ngày nào ông cũng phải đối mặt. Zhao Changli hiểu rằng một khi bệnh nhân từ bỏ điều trị đồng nghĩa với cái chết.

Trung Quốc đang chạy đua giành vị trí lãnh đạo toàn cầu trong công nghệ AI với Mỹ. Chính quyền Bắc Kinh từng công bố kế hoạch tạo ra nhiều đột phá trong ngành công nghệ AI tính đến năm 2025, dẫn đầu thế giới tính đến năm 2030. Các nhà phân tích cho biết, Chính phủ Trung Quốc có ý định sử dụng thị trường nội địa để tăng cường công nghệ AI do nước này tự sản xuất.

“Bệnh nhân đó mới chỉ 54 tuổi. Nếu tiếp tục điều trị, bà ấy có thể sống thêm 20 năm nữa”, ông Zhao nói. Trong những trường hợp như thế này, ông Zhao thường tham vấn với các chuyên gia khác, trong đó có một chuyên gia ảo từ Mỹ. “Vị bác sỹ” mang tên Watson này không bao giờ mất quá nhiều thời gian để cân nhắc giữa những sự lựa chọn và trả lời ngay lập tức.

Theo đó, ông Zhao bật máy tính, gõ hồ sơ y tế của bệnh nhân và nhấn nút “Hỏi Watson”. Chưa đầy 15 giây, “bác sĩ ảo” Watson đã trả cho ông một danh sách các lựa chọn điều trị kèm những lời giải thích chi tiết.

Watson là thiết bị công nghệ sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) “được sinh ra” trong phòng thí nghiệm của công ty công nghệ Mỹ IBM và “được các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering tại TP New York “đào tạo”.

Trí thông minh nhân tạo Watson sử dụng là những kỹ thuật chuyên sâu và mới nhất được nạp vào bộ nhớ để sẵn sàng cung cấp cho các y bác sĩ trên toàn thế giới về những kế hoạch điều trị cụ thể.

“Watson thực sự rất có ích. Watson có thể đưa ra những gợi ý dựa trên hồ sơ bệnh án của bệnh nhân và những nghiên cứu từ các trường hợp tương tự, cho phép bác sĩ có thể đưa ra một quyết định sáng suốt nhất”.

Watson không chỉ tham vấn mà còn hỗ trợ công việc hàng ngày của bác sĩ Zhao cùng các chuyên gia y tế khác. Thực tế, nhiều bệnh viện của Trung Quốc bắt đầu “tuyển dụng” một lực lượng lao động mới: Các “bác sĩ ảo” sử dụng trí tuệ thông minh.

Dù Watson mới có mặt trên thị trường từ cuối năm ngoái nhưng ít nhất 40 bệnh viện tại Trung Quốc đã sử dụng “bác sĩ ảo Watson” trong công việc khám chữa bệnh thường ngày. Việc sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo đã vượt ra ngoài khuôn khổ là xác định và tham vấn các lựa chọn điều trị ung thư. Thay vào đó, “bác sĩ ảo” có thể đọc hình ảnh y học, gửi cảnh báo về sức khoẻ và hỗ trợ các hoạt động hàng ngày cho bệnh viện.

Tại Bắc Kinh, một rô-bốt mang trí thông minh nhân tạo tên Xiaoqiao do chính các kỹ sư Trung Quốc chế tạo cũng đang làm việc song song với đội ngũ lễ tân bệnh viện. Được lập trình với khả năng tương tác, giao tiếp, Xiaoqiao có thể chào đón khách một cách niềm nở, làm thủ tục đăng ký và sắp xếp bác sĩ cho bệnh nhân.

28

Một robot của IBM - “cha đẻ” của Watson chế tạo

Ngăn chặn bệnh nhân tấn công

Một cuộc khảo sát các nhân viên trong ngành Y tế do công ty công nghệ và các nhà đầu tư thuộc tập đoàn thông tin y học Trung Quốc HC3i thực hiện cho thấy, gần 80% trong số 5.000 người được hỏi cho biết, bệnh viện họ từng làm việc đã triển khai, thử nghiệm hoặc có kế hoạch sử dụng công nghệ AI. Cứ 5 bác sĩ thì 4 người cho rằng, “bác sĩ ảo” rất có tương lai tại Trung Quốc.

Một trong những lý do khiến ngành Y học nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu để phát triển AI là tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành Y. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, năm 2015, tại Trung Quốc, trung bình 1,5 bác sĩ chăm sóc cho 1.000 người, thấp hơn so với tỷ lệ 2,5 và 2,8 bác sĩ như tại Anh và Mỹ. Dân số ngày càng già hoá nhanh tại đây đồng nghĩa áp lực với các bệnh viện ngày càng tăng.

Một lợi ích khác thúc đẩy đất nước đông dân nhất thế giới chuộng dùng “bác sĩ ảo” đó là: tránh bị tấn công. Tổ chức Yimi Research từng thực hiện một khảo sát năm 2016 cho thấy, cứ 5 bác sĩ có 1 người bị bệnh nhân tấn công ít nhất 1 lần và trải qua 4-5 lần bị mắng chửi. Thực trạng này bộc lộ thực trạng bệnh nhân mất niềm tin và thiếu sự giao tiếp với bác sĩ tại đất nước này.

“Thực tế, có nhiều bệnh nhân tại Trung Quốc không tin tưởng bác sĩ. Vấn đề này có lẽ là thường xuyên diễn ra”, ông Zhao, người đã làm trong ngành chăm sóc sức khoẻ tại Trung Quốc được hơn 20 năm chia sẻ.

“Bệnh nhân không hiểu kế hoạch điều trị được thông qua và quyết định dựa trên căn cứ khoa học nào còn bác sĩ lại không có nhiều thời gian giải thích kỹ càng”, ông Zhao nói. Theo kinh nghiệm của bản thân, ông Zhao thường mất khoảng 15 phút giải thích cho các bệnh nhân ung thư tại sao ông muốn hướng đến cách điều trị này hơn những cách khác. Nhưng trong ngày bận rộn, ông chỉ có thời gian nói với họ hướng điều trị mà không có thời giờ giải thích lý do. Đó là lúc các “bác sĩ ảo” như Watson có thể “giúp một tay”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.