Góc nhìn

Trung Quốc gia tăng kiểm soát internet, thẳng tay gỡ bỏ nhiều ứng dụng

11/04/2018, 08:46

Chính quyền Trung Quốc đã thực hiện một số chiến dịch nhằm tăng cường kiểm soát môi trường trực tuyến...

28

Một quán cà phê internet ở Trung Quốc

Chính quyền Trung Quốc đã thực hiện một số chiến dịch nhằm tăng cường kiểm soát môi trường trực tuyến và dọn sạch không gian mạng, nhằm mục tiêu gỡ bỏ những nội dung “bẩn” trên mạng. Trong đó, mới nhất là việc cơ quan kiểm duyệt của Bắc Kinh đã yêu cầu các doanh nghiệp gỡ bỏ 4 ứng dụng tin tức phổ biến trên điện thoại di động.

Gỡ bỏ 4 ứng dụng tin tức trên di động

4 ứng dụng tin tức phổ biến ở Trung Quốc, trong đó có ứng dụng phổ biến nhất Jinri Toutiao với khoảng 120 triệu người dùng hàng ngày và các ứng dụng tin tức Tiantian Kuaibao, Netease News và Ifeng News, vừa đồng loạt bị gỡ bỏ từ nhiều gian hàng ứng dụng điện thoại thông minh trực tuyến.

Động thái này được thực hiện ngay sau khi có thông báo “trừng phạt thẳng tay” bởi cơ quan giám sát phương tiện truyền thông Trung Quốc như là một phần của nỗ lực “điều chỉnh trật tự trong môi trường trực tuyến”.

Các ứng dụng này bị gỡ bỏ từ 3 ngày đến 3 tuần, trong đó Toutiao bị nhà chức trách trừng phạt lâu nhất, theo cổng thông tin Trung Quốc Sohu.

Phản ứng với việc thắt chặt quản lý của cơ quan chức năng, người phát ngôn của Công ty Phát triển ứng dụng Ifeng News cho hay, ứng dụng này sẽ bị gỡ khỏi các cửa hàng ứng dụng di động online trong hai tuần và công ty sẽ “tuân theo chỉ thị của các cơ quan chức năng và giám sát nội dung kỹ lưỡng hơn, góp phần vào hệ sinh thái internet lành mạnh”.

Trong khi đó, đại diện các nhà phát triển Toutiao, Kuaibao, Netease hiện chưa bình luận gì.

Việc gỡ bỏ các ứng dụng tin tức trên chỉ là một trong những biện pháp để thắt chặt kiểm soát thông tin trực tuyến, hạn chế nội dung không phù hợp, có xu hướng nói xấu chính quyền hay kích động các làn sóng phản đối.

Cơ quan đầu ngành về truyền thông của Trung Quốc - Cục Quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, phim và truyền hình Trung Hoa tuần trước đã yêu cầu hai trang web chia sẻ video live-stream nổi tiếng, Kuaishou và Jinri Toutiao, người phát tán đồng thời gỡ bỏ nhiều video chứa nội dung “thô tục, bạo lực, khiêu dâm và độc hại” khỏi các trang web của họ và cấm hai mạng này tiếp tục cho người dùng đăng ký mới trước khi hoàn tất quá trình kiểm tra và thanh lọc người dùng hiện tại.

Tuyển 3.000 giám sát viên

Sau khi bị cơ quan quản lý Trung Quốc “sờ gáy”, trang chia sẻ video trực tuyến Kuaishou đang tìm cách làm sạch nội dung trực tuyến trên ứng dụng điện tử này bằng cách tuyển giám sát viên đánh giá nội dung, số lượng lên tới 3.000 người.

Công ty này với vốn góp của các tập đoàn internet hàng đầu Trung Quốc là Tencent Holdings và Baidu, đã đưa ra các yêu cầu tìm kiếm chuyên viên đánh giá nội dung với tiêu chí “nhận thức chính trị tốt và nhạy cảm về chính trị”, đặc biệt ưu tiên đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc như là một phần của nỗ lực nhằm định hình lại nội dung trang web này, thúc đẩy giá trị lành mạnh và tích cực.

Đồng thời, ứng dụng Kuaishou (với hơn 200 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng) cho biết đã gỡ hơn 50.000 video ngắn đáng ngờ và chặn được hơn 11.000 người dùng vi phạm các quy định từ cuối tuần qua.

Việc thanh lọc tin tức và thông tin trực tuyến tại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các công ty mạng xã hội trên toàn cầu đang bị kiểm soát chặt chẽ hơn về vai trò và trách nhiệm trong việc phát tán tin tức và các nội dung khác.

Trong khi đó, ở bên ngoài Trung Quốc cũng đang diễn ra một xu hướng tương tự. YouTube, một trang mạng chia sẻ video của Google đã cam kết sẽ có hơn 10.000 nhân viên vào năm 2018 để xem xét chặt chẽ và xóa các nội dung không phù hợp như video bạo lực và cực đoan.

Còn Facebook, mạng xã hội đông đảo người dùng nhất thế giới, đã trở thành “nhân vật trung tâm” trong việc phát tán tin giả và gần đây nhất là vụ bê bối rò rỉ thông tin người dùng liên quan đến việc thu thập dữ liệu không chính thống của hàng chục triệu hồ sơ cá nhân.

Chính vì vậy, Trung Quốc đã chặn truy cập vào nhiều trang web có địa chỉ nước ngoài (trong đó có YouTube, Facebook) như một phần chương trình “Great Firewall” (Tường lửa vĩ đại) cho thấy, quyết tâm thắt chặt quản lý thông tin trực tuyến của đất nước đông dân nhất thế giới này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.