Thời sự

Trung Quốc không thể dùng “luật rừng”

12/10/2016, 07:54
image

Giáo sư Eric David (Vương quốc Bỉ) chia sẻ tại Hội thảo với chủ đề An ninh môi trường và hàng hải...

9

Hội thảo “An ninh môi trường và hàng hải vì một biển Đông xanh”

150 đại biểu là các học giả nổi tiếng quốc tế, trong nước đã một lần nữa nhấn mạnh vai trò của an ninh, tự do hàng hải, đồng thời cảnh báo biển Đông đang đứng trước nguy cơ đe dọa an ninh hàng hải trước những hành vi của Trung Quốc.

Cần tôn trọng quyền tự do hàng hải

Tại Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP Hải Phòng phối hợp với Hội Thiên nhiên và môi trường biển thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức (diễn ra trong hai ngày 11-12/10), nhiều câu hỏi đã được gửi đến các diễn giả là các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý quốc tế và trong nước có chuyên ngành chuyên sâu về tài nguyên và môi trường biển, về an toàn hàng hảihàng không, về luật biển quốc tế và đã có những quan tâm, nghiên cứu tình hình biển Đông.

“Các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học có tác dụng như thế nào đối với việc hoạch định các chính sách của các quốc gia về vấn đề biển Đông?”, câu hỏi trên nhận được nhiều ý kiến trả lời của các nhà khoa học. PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã hình thành nên bộ hồ sơ để Tòa trọng tài Hague ra phán quyết vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Các tài liệu ảnh vệ tinh là một trong những hình thức, tài liệu để Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế căn cứ đưa ra các chính sách. Hiện, trên thế giới đã hình thành một hình thức là ngoại giao dựa trên khoa học của đại dương.

Vấn đề an ninh hàng hải được nhiều đại biểu quan tâm đề cập tại hội thảo. Giáo sư Go ITO - giáo sư về quan hệ quốc tế Trường đại học Meiji (Nhật Bản) khẳng định, quan niệm về an ninh trong hàng hải có thể được chia làm ba yếu tố: Tự do hàng hải, khu vực đặc quyền kinh tế và quyền sở hữu lãnh thổ. Trong tranh luận về quyền sở hữu lãnh thổ (hoặc hàng hải), Trung Quốc thường nói rằng Mỹ và Nhật Bản là các bên nằm ngoài biển Đông. Tuy nhiên, tuyên bố này không được chấp nhận nhìn từ quan điểm tự do hàng hải kể từ khi biển Đông trở thành một nơi mà số lượng lớn các phương tiện qua lại mỗi ngày để vận chuyển hàng hóa và các loại dịch vụ hậu cần. Logic về an ninh hàng hải không chỉ là quyền sở hữu mà còn bao gồm các yếu tố còn lại.

Giáo sư Eric David đến từ Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Tự do (Vương quốc Bỉ) cho rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở biển Đông đã chỉ rõ: “Yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở biển Đông bao phủ bởi Đường 9 đoạn là trái với Công ước Luật Biển năm 1982 và không có hiệu lực pháp lý. Liên quan đến quyền tự do hàng hải trong vùng lãnh hải của các đảo chủ quyền của quốc gia ven biển, Tòa trọng tài xác định nó không liên quan đến yêu sách lịch sử của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông. Điều này có nghĩa là tự do hàng hải trong vùng lãnh hải của các đảo được quy định bởi điều 17 của UNCLOS (quyền đi qua không gây hại) cần được tôn trọng”.

>>> Xem thêm video:

Tự do hàng hải ở biển Đông tiềm ẩn mối đe dọa

Là người từng trực tiếp tham gia soạn thảo các văn kiện trong vụ kiện giữa nguyên đơn là Philippines với Trung Quốc về tranh chấp biển Đông tại Tòa trọng tài Hague, ông Alberto A. Encomienda - nguyên đại sứ cấp 1 của Philippines cho rằng: Tự do hàng hải chưa bao giờ bị phá vỡ ở biển Đông kể từ khi xảy ra các tình huống xung đột nhưng luôn tiềm ẩn một mối đe dọa. Điều này liên quan mật thiết đến giao thông đường biển trong khu vực và quốc tế vì đây là vùng biển có mật độ giao thương dày đặc nhất trên thế giới.

“Thời điểm hiện tại, ba tháng sau phán quyết của Tòa Trọng tài Hague, tự do hàng hải cho các tàu thương mại và hải quân không bị đe dọa. Nhưng phán quyết của Tòa Trọng tài Hague không được tôn trọng bởi Trung Quốc là mối đe dọa đối với môi trường biển và nguồn lợi do kết quả hoạt động của con người”, ông Alberto A. Encomienda nhấn mạnh.

Giáo sư Eric David (Vương quốc Bỉ) đã dùng tới từ “luật rừng” khi nói tới các hành vi của Trung Quốc. Ông cho rằng: Dù Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế thì thực tế toàn bộ khu vực vẫn không phải là một không gian thiếu vắng luật. Biển Đông là một không gian được quản lý theo pháp luật chứ không phải “luật rừng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.