Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc kiếm bộn tiền nhờ bán vũ khí cho Iran?

22/01/2016, 06:39

Rất có thể Trung Quốc sẽ bán cho Iran một lượng vũ khí khổng lồ sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.

1 Tàu chiến cao tốc gắn tên lửa lớp Houbei Type-02
Tàu chiến cao tốc gắn tên lửa lớp Houbei Type-022 của Trung Quốc sẽ xuất sang Iran?

Đắc lợi sau thoả thuận hạt nhân

Nhà nghiên cứu chính trị Joel Wuthnow, thuộc Trung tâm Nghiên cứu quân sự Trung Quốc (SCMA), Học viện Quân sự Quốc gia (Mỹ) nêu ra một số vấn đề trước nguy cơ những cơn lũ vũ khí Trung Quốc tràn vào Iran sau khi Thỏa thuận hạt nhân Iran (IND) được ký  bởi Nhóm P5+1 hồi tháng 7/2015. IND không chỉ tạo thuận lợi cho Iran phát triển, mà còn tạo điều kiện cho nhiều nước tham gia hợp tác, làm ăn; Trong đó có “ngư ông” Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng theo National Interest, dư luận quan ngại Trung Quốc dựa vào IND để “tuồn” vũ khí vào Iran. Điều này đã từng diễn ra trong những thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Khi đó, Trung Quốc là bạn hàng cung cấp vũ khí hiện đại chủ lực cho quốc gia Hồi giáo này, từ xe tăng, chiến đấu cơ cho đến tàu tuần tra tấn công cao tốc và cả tên lửa chống hạm.

Sang đến thập niên 90 và đầu những năm 2000, lượng vũ khí Trung Quốc bán cho Iran giảm mạnh do sức ép cấm vận của Mỹ và LHQ. Lệnh cấm vận này ban đầu chỉ áp dụng cho các ngành công nghiệp tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Iran, sau áp dụng cả với nhóm vũ khí quy ước như tàu chiến và máy bay chiến đấu. Từ đây, Iran ngày càng bị cô lập và ảnh hưởng tới cả túi tiền của “ngư ông” Trung Quốc, các hợp đồng mua bán vũ khí trong thập kỷ gần đây trở nên thưa thớt.

Với thỏa thuận IND vừa được ký, LHQ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận, tạo thời cơ cho Trung Quốc và nhiều nước khác quay lại xuất khẩu vũ khí quy ước sang Iran. Trong 8 năm tới, nước nào muốn xuất khẩu vũ khí sang Iran phải được Hội đồng bảo an LHQ chấp thuận và cấp phép. Hết thời hạn này, mọi hạn chế sẽ được xóa bỏ, với điều kiện Iran chấp hành tốt thỏa thuận IND.

Ngoài ra, một số vũ khí khác có thể bán cho Iran mà không cần sự cho phép của LHQ. Ví dụ, Nga lập luận, việc bán tên lửa phòng thủ S-300 cho Iran là hợp pháp, bởi hệ thống vũ khí này không bị cấm đặc biệt trong IND. Do vậy, Trung Quốc cũng có thể lập luận tương tự đối với các loại vũ khí hạng nhẹ, tên lửa tầm ngắn và các hệ thống khác mà Trung Quốc muốn bán cho Iran.

Nỗi lo của khu vực

Đứng trên phương diện thương mại thuần túy thì không đáng ngại, song điều dư luận quan tâm, đặc biệt là Mỹ chính là nỗi lo an ninh khu vực. Trung Quốc có thể cung cấp nhiều vũ khí hiện đại làm cho an ninh Trung Đông thêm phức tạp. Chẳng hạn như tàu cao tốc mang tên lửa, tên lửa chống hạm và các hệ thống vũ khí khác có thể hậu thuẫn Iran củng cố khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (giới quân sự gọi là A2/AD). Tức khả năng chặn đứng quân Mỹ một khi có chiến tranh xảy ra. Sự kiện này đã từng xảy ra như trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan.

Chưa hết, nhờ vũ khí Trung Quốc, Iran có thể cải thiện tính năng các loại tên lửa tầm xa, gây nguy hiểm cho các mục tiêu quân sự của Mỹ ở đảo Diego Garcia trên Ấn Độ Dương cũng như nhiều nơi khác. Bằng chứng, tháng 2/2015, Iran đã tập trận phá hủy một bản sao tàu sân bay của Mỹ bằng tàu cao tốc, tên lửa vác vai và tên lửa hành trình.

Tiếp đến tháng 12, Iran bắn thử một tên lửa trong phạm vi 1500 yards (1,4 km) gần sát tàu sân bay Harry S. Truman của Mỹ khi quá cảnh qua eo biển Hormuz. Vì vậy, người ta e ngại hỗ trợ vũ khí của Trung Quốc sẽ giúp Iran phát triển, nâng cấp các loại khí tài gây mất ổn định trong khu vực.

Việc Trung Quốc xuất khẩu vũ khí sang Iran còn gây mối lo ngại về sự gia tăng các kho vũ khí ở Trung Đông. Thậm chí, Iran có thể tái xuất vũ khí sang Syria, nơi mà Iran đang ủng hộ quân sự cho chế độ Tổng thống Bashar Assad. Hay cho các nhóm khủng bố như Hezbollah ở Lebanon và quân nổi dậy Shiite ở Iraq để các nhóm này tấn công các mục tiêu quân sự dân sự.

Do vậy, Mỹ có thể hành động để hạn chế, trước mắt, sẽ cùng Anh, Pháp và các đối tác trong Hội đồng bảo an không cho phép bán nhiều vũ khí quy ước cho Iran, đồng thời siết lệnh trừng phạt Iran, hoặc có thêm lệnh trừng phạt mới đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và buộc Trung Quốc tuân thủ chặt Missile Technology Control Regime (MTCR) để hạn chế xuất khẩu công nghệ tên lửa (MTCR tức Chế độ Kiểm soát công nghệ tên lửa, do tổ chức cùng tên của 34 quốc gia thiết lập nhằm tìm cách hạn chế xuất khẩu tên lửa tầm bắn trên 298 km và đầu đạn nặng hơn 454 kg). Điều này sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc xuất khẩu vũ khí cho Iran nhằm đổi lại nguồn cung cấp dầu mỏ.

Theo quy định của IND, Trung Quốc có thể bán nhiều vũ khí hiện đại cho Iran, như chiến đấu cơ Chengdu J-10, tàu cao tốc gắn tên lửa lớp Houbei Type-022 (loại tàu này Trung Quốc đã bán cho Pakistan) nhất là trong bối cảnh quan hệ hải quân giữa Trung Quốc - Iran đang được tăng cường.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể chuyển giao tên lửa hành trình, kèm kỹ thuật cho phép Iran nâng cấp tên lửa hành trình nội địa hiện có.Các hệ thống khác có thể là máy bay không người lái, vũ khí không gian, phụ kiện tên lửa phòng thủ và hệ thống chiến tranh điện tử. Tuy nhiên, các giao dịch nói trên cần phải có sự chấp thuận của LHQ, nhưng Trung Quốc không ngại bởi họ là thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.