Góc nhìn

Trung Quốc lật lọng đưa tên lửa ra quần đảo Hoàng Sa

18/02/2016, 10:05

Trung Quốc vừa ngang ngược triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai bệ
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai bệ phóng tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm

Bất chấp cam kết của chính mình cũng như phản đối từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vừa ngang ngược triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đi ngược cam kết phi quân sự

Ngày 17/2, Fox News đăng tải những hình ảnh chụp từ vệ tinh ImageSat International cho thấy, nhiều bệ phóng tên lửa đất đối không cùng hệ thống radar đã được triển khai ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tên lửa này được đưa ra đảo Phú Lâm từ cuối tuần qua.

Theo hình ảnh vệ tinh, nếu như ngày 3/2, bờ biển bên đảo trống không thì đến ngày 14/2 có thể thấy rõ nhiều tên lửa hiển hiện tại đây. Fox News trích lời một quan chức Mỹ đã xác nhận tính chính xác của những bức ảnh này. Theo người này, qua phân tích hình ảnh vệ tinh có thể phỏng đoán, đây là hệ thống phòng không HQ-9, tương tự hệ thống tên lửa S-300 của Nga, tầm xa 125 dặm (tương đương 200km), có thể đe dọa tới bất cứ máy bay chiến đấu, máy bay dân sự hoặc quân sự nào bay gần.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban cho biết: “Mặc dù tôi không thể bình luận về những vấn đề liên quan tới tình báo nhưng có thể khẳng định, Mỹ vẫn luôn theo dõi sát”.

Không riêng nguồn tin từ Mỹ, trao đổi với Reuters, người phát ngôn Cơ quan quân sự Đài Loan David Lo cũng khẳng định, hệ thống tên lửa được đưa ra đảo Phú Lâm. Theo ông Lo, các bên tranh chấp nên ngồi lại để tìm ra giải pháp gìn giữ hòa bình và ổn định trên biển Đông và kiềm chế mọi hành động đơn phương gây căng thẳng”.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ đánh giá: "việc triển khai tên lửa ra Hoàng Sa không phải điều đáng ngạc nhiên, nhưng đáng ngại. Nó đi ngược lại cam kết phi quân sự trong khu vực mà Trung Quốc từng cam kết chắc nịch”.

Cần những biện pháp thực tế

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ đang diễn ra tại Sunnylands, bang California. Ngày 17/2 - ngày làm việc thứ hai trong khuôn khổ Hội nghị, các lãnh đạo cùng thảo luận về tự do và an ninh hàng hải ở biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp vừa qua tại biển Đông, đặc biệt là những hành động làm thay đổi nguyên trạng, tăng cường quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các quốc gia cần ưu tiên xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường đối thoại và hợp tác, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và hoan nghênh sự ủng hộ tích cực, xây dựng của Hoa Kỳ và các đối tác nói chung đối với lập trường của ASEAN trong xử lý các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề biển Đông.

Tại cuộc họp báo cùng ngày, Tổng thống Obama cho biết: “Các lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ đã bàn với nhau về sự cần thiết phải thực hiện những biện pháp thực tế trên biển Đông để xoa dịu căng thẳng, bao gồm ngăn chặn sự gia tăng tuyên bố chủ quyền, mở rộng xây dựng, quân sự hóa trên các khu vực tranh chấp”.

Đồng thời, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định, Mỹ sẽ không dừng việc “tự do tuần tra hàng hải” bằng tàu và máy bay để đảm bảo việc đi lại thông suốt trong khu vực biển nơi có Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền.

Cuối phiên làm việc ngày 17/2, các lãnh đạo ASEAN - Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chung, trong đó cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, bao gồm việc tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.