Thế giới

Trung Quốc liên tục "gây hấn" trước thềm ARF 21

08/08/2014, 07:53

Trung Quốc lại có thêm những động thái gây căng thẳng trên biển trong việc đòi hòi chủ quyền trước thềm Hội nghị Diễn đàn khu vực Đông Nam Á lần thứ 21 và các hội nghị liên quan tại Myanmar...

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam


Khảo sát xây dựng hải đăng


Hôm qua, hãng tin Xinhua đưa tin Trung tâm an toàn hàng hải Nam Hải của Trung Quốc đã hoàn thành việc khảo sát và đo đạc thực địa tại 5 đảo (Đá Bắc, Đá Hải Sâm, Duy Mộng, Cồn Cát Nam và Hòn Tháp) thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là động thái nhằm lựa chọn địa điểm xây dựng các ngọn hải đăng. Không những thế, giới chức nước này còn tuyên bố sẽ triển khai đo đạc địa chất tại các đảo, thu thập mẫu địa chất thuộc quần đảo Hoàng Sa, nhằm thu thập số liệu xác thực nhất để xây dựng hải đăng.


Hôm qua, trả lời báo giới về vấn đề này, ông Lê Hải Bình - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN cho biết: Mọi hoạt động của các bên ở biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền tài phán của các nước. Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Vì vậy, mọi hoạt động của nước ngoài đối với hai quần đảo này là vô giá trị, bất hợp pháp. Rõ ràng Trung Quốc đã làm mọi việc thêm căng thẳng trước thềm Hội nghị Diễn đàn an ninh khu vực lần thứ 21 (ARF 21) khi trước đó Mỹ và Philippines đã kêu gọi đóng băng, ngừng mọi hoạt động thay đổi nguyên trạng biển Đông.


Trong một diễn biến khác liên quan đến chủ quyền trên biển, ngày 6/8, đại diện lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết, ba tàu Trung Quốc đã xâm nhập trái phép vùng biển xung quanh một số đảo thuộc Senkaku đang nằm dưới sự quản lý của Tokyo mà Bắc Kinh cùng tuyên bố chủ quyền với tên gọi Điếu Ngư. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Nhật Bản công bố Sách trắng Quốc phòng; trong đó cảnh báo “những hành động nguy hiểm” của Trung Quốc trên biển Hoa Đông theo chính phủ Nhật đánh giá là có thể gây ra “những hậu quả không mong muốn”.

Đối mặt chỉ trích


Theo một số nhà quan sát quốc tế thì Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với những chỉ trích tại ARF 21 về những hành động leo thang chủ quyền vô lý trên biển thời gian gần đây. Trước hội nghị, Philippines đã đưa ra đề nghị ba điểm kêu gọi các bên ngưng ngay các hoạt động làm căng thẳng thêm tình hình, tuân thủ tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông được ký từ năm 2002. Tuy nhiên, giáo sư Renato Cruz de Castro, thuộc Trường Đại học De la Salle, Philippines nhận định với một số tín hiệu gần đây thì Trung Quốc sẽ bác bỏ đề nghị này. Tháng trước, Trung Quốc cũng bị cáo buộc xây dựng trái phép đường băng tại đảo Gạc Ma và bị các nước cáo buộc là nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Đông.


Còn theo bà Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở tại Mỹ thì Trung Quốc đang tìm cách tránh những chỉ trích tại hội nghị lần này bằng hành động dịch chuyển giàn khoan hạ đặt trái phép khỏi vùng biển Việt Nam. Lý do dịch chuyển giàn khoan ngoài lý do thời tiết, cũng còn do hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN, họ (Trung Quốc) không muốn đối mặt với những chỉ trích, bà Glaser nói. Tuy nhiên, với những động thái trong mấy ngày gần đây thì việc Trung Quốc đối mặt với những chỉ trích là không tránh khỏi- ông Renato Cruz de Castro nhận định.

Quang Minh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.