Thế giới

Chuyên gia Trung Quốc lo Bắc Kinh sẽ bị thế giới cô lập hậu Covid-19

13/05/2020, 06:05

Đây là cảnh báo từ chuyên gia Trung Quốc, ông Long Yongtu, cựu Tổng Thư ký diễn đàn Bác Ngao (2003-2010).

img
Mối quan hệ quốc tế đặc biệt với Mỹ sẽ là chủ đề quan trọng được bàn luận trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc dự kiến khai mạc vào ngày 22/5 tới

Đây là cảnh báo từ chuyên gia Trung Quốc, ông Long Yongtu, cựu Tổng Thư ký diễn đàn Bác Ngao (2003-2010), cựu Trưởng đoàn Đàm phán về thương mại, đại diện cho Bắc Kinh tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.

Chủ nghĩa bài Trung Quốc

Cảnh báo của ông Long một lần nữa làm dấy lên những lo ngại của nhiều học giả có ảnh hưởng ở đại lục rằng, Trung Quốc có thể bị cô lập về địa chính trị sau đại dịch Covid-19. Những lo lắng này nảy sinh sau khi ngày càng nhiều quốc gia nối gót Mỹ chỉ trích Trung Quốc vì cách xử lý loại virus này.

Hiện nay, ngoài kinh tế, Mỹ, Liên minh châu Âu, Australia và các quốc gia khác đã và đang gây áp lực địa chính trị lên Trung Quốc, kêu gọi điều tra độc lập để xác định nguồn gốc phát sinh Covid-19.

Nhiều nhân vật trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ám chỉ ngầm đại dịch rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán dù cáo buộc này đối mặt với nhiều chỉ trích từ giới khoa học cũng như chính phủ nhiều quốc gia.

Chưa hết, làn sóng lên án, kiện và đòi Trung Quốc phải xin lỗi cũng như bồi thường vì đại dịch cũng liên tiếp ập tới. Trước bối cảnh đó, các chuyên gia dự đoán, quan hệ quốc tế của Bắc Kinh, đặc biệt với Mỹ sẽ là chủ đề quan trọng được bàn luận trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, bắt đầu vào ngày 22/5.

Nhiều chuyên gia đã đặt nghi vấn, có thể Washington và các nước đồng minh sẽ tìm cách loại Bắc Kinh ra khỏi trật tự kinh tế thế giới mới, một học thuyết vốn được nhiều chuyên gia Trung Quốc gọi là “chủ nghĩa bài Trung Quốc”.

Nếu tiến trình này xảy ra, nó sẽ tạo ra thách thức lớn về ngoại giao và kinh tế với chính quyền Bắc Kinh trong nhiều năm tới kể cả khi Trung Quốc đã tuyên bố chiến thắng Covid-19.

Trên diễn đàn trực tuyến do trang web ifeng.com của Đài truyền hình Phượng Hoàng, Viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải và Khoa Phát triển Quốc gia tại Đại học Bắc Kinh tổ chức, ông Long nói rõ: “Trung Quốc là một phần quan trọng trong toàn cầu hoá nên khi xuất hiện những ý định tách toàn cầu hoá, chắc chắn sẽ nảy sinh những ý muốn “bài Trung Quốc”… Dĩ nhiên, chúng tôi cực kỳ quan ngại về vấn đề đó”.

“Sau đại dịch, sẽ có rất nhiều thay đổi đáng kể trong thương mại, đầu tư và chuỗi công nghiệp quốc tế. Đại dịch đã gây ra tổn hại cực lớn đối với toàn cầu hoá”, ông Long nói thêm và kêu gọi các công ty Trung Quốc tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế.

Trung Quốc có thể đối phó thế nào?

img
Ông Long Yongtu, cựu Tổng Thư ký diễn đàn Bác Ngao (2003-2010), cựu Trưởng đoàn Đàm phán về thương mại, đại diện cho Bắc Kinh tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001

Ngoài ông Long, nhiều chuyên gia khác như ông Li Yang, Giám đốc Viện Quốc gia về Tài chính và Phát triển thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng có ý kiến tương tự.

Theo ông Li Yang, giới chuyên gia “có rất nhiều lý do để cho rằng, thế giới đang ngầm hình thành một liên minh mà không có Trung Quốc cũng như vai trò của đồng nhân dân tệ. Như vậy, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài phải củng cố đồng nhân dân tệ mạnh hơn, đưa đồng tiền này trở thành tiền tệ quốc tế. Điều đó rất quan trọng để củng cố sức mạnh cho Trung Quốc”.

Ông Li nhấn mạnh, xu hướng bài Trung Quốc đã xuất hiện và phát triển trong suốt một thời gian dài và mạnh lên khi đại dịch bùng nổ. Do đó, Trung Quốc cần phải thực sự quan tâm tới vấn đề này.

Dù cảnh giác với bối cảnh đối địch gia tăng với Trung Quốc trên trường quốc tế, chuyên gia Long vẫn lạc quan về những triển vọng lâu dài của toàn cầu hoá. Ông kêu gọi Bắc Kinh mở cửa hơn nữa thị trường nội địa với các nhà đầu tư nước ngoài. Với các công ty Trung Quốc, nên tăng cường xu hướng thu mua và sát nhập ở nước ngoài để đưa Trung Quốc hoà nhập tốt hơn vào chuỗi các công ty đa quốc gia.

Hiện nay, theo một nghiên cứu mới vừa được công bố đầu tuần này, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ năm 2019 đã giảm đến mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.