Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc lộ tham vọng phi lý ở biển Đông

12/05/2014, 06:26

Giới chuyên gia quốc tế đang nghi ngờ lý do Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng nhiều tàu biển và máy bay đến gây hấn ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam...

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam


Trả giá về chính trị, ngoại giao


Động thái gây hấn phi lý của Trung Quốc diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến công du 4 nước châu Á, vài ngày trước khi ASEAN họp Thượng đỉnh tại Myanmar, trong lúc quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines căng thẳng do việc Manila đệ đơn lên Tòa án trọng tài Liên hợp quốc đề nghị xử lý đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trung Quốc đã bác bỏ vai trò của Tòa án và chỉ muốn đàm phán trực tiếp với các nước láng giềng nhỏ yếu hơn.
 

“Xét về mặt kinh tế, chưa có cơ sở chứng minh khu vực Trung Quốc hạ đặt Hải Dương 981 có trữ lượng hydrocarbon lớn. Vì thế, việc hạ đặt giàn khoan với chi phí xây dựng và vận hành khổng lồ như thế không phải là một kế hoạch tiềm năng. Có thể thấy Trung Quốc đang sử dụng Hải Dương 981 nhằm khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại biển Đông” 

 

(Báo New York Times
dẫn lời giáo sư Fravel 

- Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ)

Các nhà phân tích cho rằng, với Trung Quốc, việc hạ đặt giàn khoan để thăm dò dầu khí chỉ là thứ yếu. Qua động thái này, Trung Quốc cố tình tạo ra cái gọi là “sự cố về tranh chấp chủ quyền” mà bất chấp cái giá phải trả về chính trị, ngoại giao. Ông Barry Sautman, chuyên gia về chính trị Trung Quốc, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, được AFP trích dẫn nhận định: “Động thái chủ quyền của chính phủ Trung Quốc nhằm duy trì sự tồn tại của các tranh chấp bởi vì, theo luật pháp quốc tế, tất cả các nước có tranh chấp về lãnh thổ phải làm một việc gì đó một cách đều đặn, để cho thấy là họ vẫn rất quan tâm đến vùng lãnh thổ này. Còn hành động này có lợi cho Trung Quốc về mặt chính trị hay không, thì đó là một chuyện khác”.

Theo giáo sư Li Mingjiang, chuyên gia về an ninh Đông Á, thuộc Học viện Nghiên cứu quốc tế ở Singapore, phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam cho thấy thái độ các nước trong khu vực đối với Trung Quốc đã cứng rắn hơn và đây là điều mà dường như Bắc Kinh không lường trước. “Hầu như chắc chắn là Trung Quốc không lường trước những phản ứng của Việt Nam nhằm buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan đi”, giáo sư Li Mingjiang nói.


Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Ông Ban Ki-Moon hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc.

ASEAN phản đối Trung Quốc


Sáng 11/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lên án hành động gây hấn của Trung Quốc tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 24 tại Myanmar. Thủ tướng cho biết: Việt Nam đã hết sức kiềm chế, bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam, mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục gia tăng các hành động vi phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.


Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. 


Trước đó một ngày, trong khuôn khổ chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN-24, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua một Tuyên bố riêng về tình hình phức tạp hiện nay ở biển Đông. Đây là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ 1995), ASEAN ra một Tuyên bố riêng về tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông.

Hà Phương
 

Trong hai ngày 10  và 11/5, Trung Quốc đã đưa máy bay chiến đấu vào bảo vệ giàn khoan HD981, xâm phạm chủ quyền biển và không phận Việt Nam. Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện hai tốp máy quan quân sự Trung Quốc bay phía trên các tàu của cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư với độ cao từ 800m - 1.000m. 


Trung Quốc cũng ngang ngược mở rộng vùng bảo vệ giàn khoan lên khoảng 7 hải lý gồm các tàu dân sự và tàu chấp pháp của Trung Quốc. Những tàu này thực hiện việc ngăn chặn đối với tàu của Việt Nam khi tiến về phía giàn khoan HD981. Các tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng phun nước công suất lớn phun vào tàu Việt Nam.

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.