Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc muốn gì khi đào sâu mâu thuẫn lưỡng đảng ở Mỹ?

29/01/2021, 06:16

Trung Quốc đang tận dụng sự rạn nứt trong chính quyền Mỹ để gây áp lực lên ông Biden nhằm buộc Nhà Trắng phải thay đổi chính sách ngoại giao...

img

Trung Quốc hết lời ca ngợi chính quyền ông Joe Biden và thể hiện rõ mong muốn cải thiện quan hệ ngoại giao

Ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống trong bối cảnh chính trường Mỹ chia rẽ sâu sắc. Song, theo tạp chí National Interest (Mỹ), Trung Quốc đang tận dụng chính sự rạn nứt trong chính quyền Mỹ để gây áp lực lên ông Biden nhằm buộc Nhà Trắng phải thay đổi chính sách ngoại giao theo hướng mềm mỏng hơn với Bắc Kinh.

Đào sâu rạn nứt

Từ khi ông Joe Biden được dự đoán thắng cử cho đến khi nhậm chức Tổng thống, Bắc Kinh luôn dành những thông điệp rất thiện chí với ông. Trong một phát ngôn gần đây, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Thực chất, chúng tôi đã có khoảng thời gian khó khăn” ám chỉ tới quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Bà nói thêm: “Tôi nghĩ người dân cả nước (Mỹ) đều xứng đáng có được tương lai tốt đẹp hơn sau những khó khăn đó. Tôi nhận thấy truyền thông Mỹ đã miêu tả, (ngày nhậm chức của ông Biden) là ngày mới trong lịch sử Mỹ. Chúng tôi cũng mong Tổng thống Joe Biden sẽ thành công trong điều hành đất nước. Rất nhiều lần trong bài phát biểu, Tổng thống Biden nhấn mạnh sự đoàn kết. Tôi nghĩ đây cũng là điều mà quan hệ và Trung Quốc - Mỹ cần”.

Đồng thời, ngay trong ngày ông Biden nhậm chức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức công bố một loạt các lệnh trừng phạt nhắm tới 28 quan chức chính quyền ông Donald Trump, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro.

Ngày hôm sau, Thời báo Hoàn cầu (Global Times) - tờ báo Trung Quốc có lập trường “diều hâu” trong các vấn đề quốc tế, là ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc - không tiếc lời ca ngợi tân Tổng thống Mỹ trong một bài bình luận.

Thời báo Hoàn cầu khen ngợi tầm nhìn của ông Biden rất sát với thực tế của Mỹ và ông là người lý trí hơn Tổng thống tiền nhiệm. Tờ báo này cũng nhấn mạnh việc ông Biden tiếp quản đất nước trong bối cảnh chính trị quốc gia bị phân mảnh nhưng vẫn hy vọng ông sẽ thực hiện thắng lợi chương trình nghị sự.

“Tổng thống Biden đã chứng tỏ sự dũng cảm của ông khi đối mặt trực diện với vấn đề bất chấp nhiệm vụ đoàn kết toàn quốc rất khó khăn... Nếu cả Mỹ và Trung Quốc tập trung làm tốt việc của mình và dừng tranh đấu lẫn nhau, cả hai sẽ tiến rất xa dựa trên những nền tảng sẵn có”, bài bình luận của Global Times viết.

Song song với đó, Global Times khéo léo đề xuất chương trình nghị sự của ông Biden nên là: Khởi động lại hợp tác Mỹ - Trung Quốc sẽ rất phù hợp với Mỹ và lợi ích chung. Bởi “chính sách về Trung Quốc của ông Trump đã thất bại. Đây là bằng chứng rõ nhất khi so sánh tình hình phát triển giữa hai quốc gia khi ông mãn nhiệm hôm 20/1”.

Báo chí Trung Quốc còn thường xuyên chỉ trích những “lực lượng bảo thủ” đang tìm cách đầu độc quan hệ Mỹ - Trung dưới những luận điệu về phân biệt chủng tộc và dân túy, ngầm truyền tải thông điệp rằng: Nếu ông Biden muốn thể hiện mình khác hoàn toàn với chính quyền ông Trump và những “thế lực bảo thủ” thì ông nên loại bỏ những chính sách mà người tiền nhiệm đã nhắm tới Trung Quốc. Kiểu thông điệp này cũng trở thành xu hướng trong ngoại giao công khai của Trung Quốc trong suốt quá trình bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.

Những diễn biến trên một lần nữa tái khẳng định điều đã được biết đến từ rất lâu về quan hệ Mỹ - Trung đó là: Bắc Kinh hiểu rất chắc và rõ về chính trị Mỹ. Ngay tại thời điểm thủ đô Washington phân cực chưa từng có, bộ máy chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã tận dụng ông Donald Trump và chính quyền của Trump làm đòn bẩy thuận lợi cho những nỗ lực nhằm “cài đặt lại vấn đề ngoại giao” với chính quyền Joe Biden.

Sẽ phản tác dụng?

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra, dù chính quyền mới của ông Joe Biden và người tiền nhiệm không mặn mà, thậm chí còn có hiềm khích và chia rẽ như vậy nhưng chiến lược này của Trung Quốc khó có ảnh hưởng với chính quyền ông Joe Biden thậm chí dường như đang phản tác dụng, tờ Lợi Ích Quốc gia của Mỹ nhận định.

Dù không đồng thuận trong đảng phái nhưng đội ngũ của ông Biden vẫn cực lực lên án việc Trung Quốc trừng phạt quan chức thời ông Trump. “Áp đặt các lệnh trừng phạt ngay trong ngày nhậm chức dường như là một nỗ lực gây chia rẽ đảng phái”, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền ông Biden, bà Emily Horne bình luận trong một thông báo.

Cũng theo bà, “Tổng thống Biden mong đợi hợp tác với lãnh đạo đến từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa để cùng đưa Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc”. Có lẽ sau đó thông báo này đã bị gỡ nhưng trên thực tế việc lựa chọn khách mời tham gia lễ nhậm chức của ông Biden lại nói lên tất cả.

Chính quyền ông Biden đã mời đại diện Đài Loan tại Mỹ Bi-khim Hsiao tới tham dự lễ nhậm chức, đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1979 có đại diện Đài Loan chính thức hiện diện trong một lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ.

Đồng thời, những lựa chọn nhân sự cho những vị trí an ninh quốc gia chủ chốt của Mỹ cũng là những người thường xuyên coi Bắc Kinh là đối thủ về địa chính trị và quân sự nguy hiểm với Washington điển hình là quyền Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Lloyd Austin.

Lúc này, để khẳng định hướng đi lâu dài trong chính sách Trung Quốc của ông Biden vẫn còn quá sớm nhưng đã có nhiều dấu hiệu sớm cho thấy triển vọng “cài đặt lại” chính sách ngoại giao mà Bắc Kinh mong muốn có lẽ khó thành hiện thực. Điều đó cũng đồng nghĩa, Mỹ sẽ tìm kiếm chiến lược Á-Âu rộng hơn.

Qua việc nhấn mạnh sai lầm của ông Trump về Trung Quốc để kêu gọi ông Biden xem xét lại chính sách này, Bắc Kinh hy vọng sẽ thiết lập lại quan hệ hai nước về chính trị một cách dễ chịu hơn dưới thời chính quyền lãnh đạo mới của Mỹ.

img

Thỏa thuận đường sắt Philippines - Trung Quốc tác động thế nào đến Mỹ?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.