Thế giới

Trung Quốc muốn làm trung gian “hạ nhiệt” căng thẳng Nhật - Hàn

19/08/2019, 06:48

Bắc Kinh được nhận định là quốc gia đang nỗ lực để hạ nhiệt điểm nóng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc dù hai nước này là đồng minh thân cận của Mỹ.

img
Người dân Hàn Quốc biểu tình tẩy chay Nhật Bản

Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai đồng minh thân cận tại châu Á của Mỹ là Nhật Bản - Hàn Quốc không ngừng leo thang, không phải Washington mà chính Bắc Kinh được nhận định là quốc gia đang nỗ lực để hạ nhiệt điểm nóng này trong cuộc gặp mặt giữa các quan chức ngoại giao ba bên tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) sắp diễn ra.

Tại sao Trung Quốc lại muốn hoà giải?

Theo kế hoạch, ngày mai (20/8), Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono sẽ tới Thủ đô Bắc Kinh để tham gia cuộc gặp thứ 9 của các lãnh đạo ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thông tin này đã được các Ngoại trưởng Hàn Quốc và Nhật Bản xác nhận.

Dự kiến, ông Vương Nghị, Taro Kono và Kang Kyung-wha gặp mặt ở ngoại ô Bắc Kinh phác thảo kế hoạch chính cho Hội nghị thượng đỉnh cấp cao với sự tham gia của nguyên thủ 3 nước láng giềng dự kiến tổ chức vào cuối năm nay.

Theo tờ Kyodo, Hội nghị thượng đỉnh có thể diễn ra vào tháng 12 tới tại Bắc Kinh trong đó, Trung Quốc - Chủ tịch của nhóm họp ba bên trong năm nay - đề xuất ngày tổ chức Hội nghị và Hàn Quốc đã đồng ý điều chỉnh lịch của Tổng thống Moon để ông có thể tham gia.

Tại cuộc họp cấp Bộ trưởng, Ngoại trưởng Nhật Kono cũng dự định tổ chức các cuộc họp riêng với người đồng cấp Vương Nghị và Kang Kyung-wha bên lề cuộc gặp ba bên.

Theo ông Huang Dahui, Giáo sư nghiên cứu về Nhật Bản đến từ Đại học Renmin của Trung Quốc, dự kiến vấn đề Triều Tiên và các cuộc đàm phán thoả thuận thương mại tự do sẽ là chủ đề được đẩy cao trong chương trình nghị sự.

Sự kiện ngoại giao trên diễn ra vào đúng thời điểm nước sôi lửa bỏng khi Seoul và Tokyo căng thẳng với nhau vì tranh chấp liên quan đến người lao động trong thời kỳ Nhật chiếm đóng thời Thế chiến thứ 2.

Một số nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc, đất nước đang ở vị thế ngày càng đối địch với Mỹ, có thể tìm cách âm thầm tăng cường những lợi ích chiến lược trong khu vực nếu tranh chấp giữa Seoul và Tokyo tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, theo GS. Huang Dahui, Trung Quốc sẽ tìm cách đóng vai trò tích cực nhằm giảm nhiệt căng thẳng giữa hai nước láng giềng bởi ổn định trong khu vực là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc.

“Bất cứ sự bất ổn hay căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đều có thể làm tổn hại tới sự hợp tác ba bên. Trung Quốc có lẽ sẽ thuyết phục Nhật Bản, Hàn Quốc rằng, việc hợp tác ba bên mang đến lợi ích cho cả ba quốc gia, trong đó Bắc Kinh có lợi nhiều nhất”, ông Huang nói và cho rằng, Bắc Kinh coi thoả thuận thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc là một phần quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy sự hoà nhập kinh tế trong khu vực và đa dạng hoá thị trường của Trung Quốc trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phản đối các thoả thuận thương mại tự do.

Theo ông Huang, Trung Quốc cũng có thể tìm cách thiết lập các cơ sở hợp tác và liên lạc giữa hai quốc gia Đông Á.

Nhật - Hàn cũng muốn hạ nhiệt

Bản thân hai quốc gia đang xung đột cũng bắt đầu thể hiện một vài dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng xốc lại quan hệ. Trong đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng mềm giọng trước Nhật Bản cho biết, ông hoan nghênh lời mời đàm phán với Tokyo. “Chỉ khi chúng ta làm việc cùng nhau thì mới có thể cùng phát triển bền vững”, ông Moon nói trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp đánh dấu kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II.

“Nếu Nhật Bản chọn con đường đàm phán và hợp tác, chúng tôi sẽ sẵn lòng tham gia”, ông nói thêm.

Về phía Nhật Bản, GS. Huang cho rằng, vì Tokyo vốn coi Bắc Kinh, chứ không phải Seoul là đối thủ hàng đầu nên sẽ không muốn đẩy quan hệ với Seoul leo thang căng thẳng, đặc biệt khi Thế vận hội Tokyo chỉ còn 1 năm nữa là diễn ra. “Trong bối cảnh đó, cuộc họp tại Bắc Kinh có thể tạo điều kiện cho hai nước láng giềng tại châu Á có thêm cơ hội ngồi lại cùng nhau”, ông Huang nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.