Thế giới

Trung Quốc ngang ngược nói Việt Nam quấy rối trên biển Đông

13/05/2014, 08:05

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ quan điểm ngang ngược cho rằng Việt Nam đang nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và mục đích này của Việt Nam sẽ khó lòng đạt được.

Ngày 12/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ quan điểm ngang ngược cho rằng Việt Nam đang nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và mục đích này của Việt Nam sẽ khó lòng đạt được. Quan điểm này của Trung Quốc được đưa ra 1 ngày sau khi ASEAN đưa ra tuyên bố riêng tại Myanmar thể hiện mối quan ngại về vấn đề Biển Đông.

 

Người Việt Nam ở nước ngoài nhiều ngày qua đã xuống đường tuần hành thể hiện lòng yêu nước, yêu cầu Việt Nam rút giàn khoan khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam
Người Việt Nam ở nước ngoài nhiều ngày qua đã xuống đường tuần hành thể hiện lòng yêu nước, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam

Trong cuộc họp báo thường nhật ngày 12/5, nữ phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, “Việt Nam đang tập hợp các nước khác, gây áp lực lên Trung Quốc nhưng sẽ không đạt được mục đích”. “Chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể nhìn nhận rõ ràng tình hình, bình tĩnh đối mặt với hiện thực và ngừng quấy rối các hoạt động của Trung Quốc” – những hoạt động mà Trung Quốc nhắc đến ở đây là hoạt động thăm dò của giàn khoan HD981 của Trung Quốc được hạ đặt trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam.

Trong khi đó, ngay tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, trước đông đảo cộng đồng khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ VN đã thông báo từ 1/5, chính Trung Quốc ngang nhiên đưa dàn khoan HQ 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và thiết lập vành đai cấm hoạt động hàng hải quanh đó. Dàn khoan này còn được hàng trăm phương tiện quân sự gồm máy bay, tàu chiến các loại hỗ trợ. 

Thủ tướng Việt Nam khẳng định đây là sự vi phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm chủ quyền Việt nam, vi phạm nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về Ứng xử (DOC) của các bên liên quan về biển Đông mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, và những thỏa thuận liên quan khác đã có giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

 

Và thực tế cũng đã chứng minh quan điểm ngang ngược và những dự báo trên của Trung Quốc là không chính xác. Kết thúc hội nghị Asean, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nói, sau 20 năm, đây là lần đầu tiên Asean có một tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông. “Điều này thể hiện sự lo ngại của tất cả các nước Asean chứ không chỉ là sự lo ngại của các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, vì nó ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực, đến hòa bình và an ninh, tự do hàng hải” - ông Minh nói.

Trong một bài viết đăng trên AFP, phóng viên Martin Abbugao trích lời Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Mỹ cho biết, “động thái hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc là nhằm dò xét sự quyết tâm từ phía Việt Nam cũng như các nước láng giềng của Việt Nam trong khối ASEAN và Mỹ”. Trong bài viết này, phóng viên Martin bày tỏ quan điểm cho rằng Asean đã lập nên “mặt trận thống nhất hiếm hoi” trước Bắc Kinh; Việt Nam và Philippines “đã thúc đẩy thành công để Asean đưa ra sự phê phán ngầm với Trung Quốc”.

Theo BBC, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III nói ông hài lòng vì sự “đồng thuận” của các lãnh đạo ASEAN và bản tuyên bố chung. Ông Aquino cho biết, “không phải dễ” khi có được bản tuyên bố mà mọi thành viên Asean đều chấp thuận. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng Indonesia có thể giúp điều phối liên lạc giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Trong một bài phân tích trên trang điện tử của tạp chí The Diplomat (tạp chí phân tích và bình luận về các sự kiện diễn ra trên khắp Châu Á nói riêng và thế giới nói chung) ngày 12/5,  giáo sư Carl Thayer đến từ Đại học New South Wales khẳng định “hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc tại lô dầu khí 143 thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là bất ngờ, khiêu khích và bất hợp pháp”.

Cũng trong bài viết, giáo sư Carl Thayer bày tỏ tin tưởng ASEAN đã tỏ thái độ về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. “Tuy trong tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN về Biển Đông không đề cập rõ tên Trung Quốc nhằm thể hiện sự tôn trọng. Nhưng, có thể hiểu rằng, tuyên bố này là một sự chuyển biến trong quan điểm của từng thành viên thuộc ASEAN về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc” – ông Thayer nói. “ Tuyên bố này sẽ cung cấp sự yểm trợ về mặt ngoại giao và chính trị cho phép Mỹ và các quốc gia khác bày tỏ quan ngại của mình về vấn đề Biển Đông. Thực tế, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã  ủng hộ Việt Nam ra mặt”.

Trước đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New York, ông Andrew Billo, học giả chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hiệp hội châu Á (Asia Society) có trụ sở tại New York cho biết những năm gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần gây sức ép với các quốc gia láng giềng, yêu cầu họ tuân thủ các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Và thực tế cho thấy rằng Trung Quốc ngày càng nhận thấy họ không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trước các hành động trên.

Trang Trần ( Tổng hợp theo BBC, AFP, Reuters, Vietnamplus)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.