Thế giới giao thông

Trung Quốc phạt nặng các sân bay để chậm chuyến

09/11/2016, 18:21
image

14 sân bay của Trung Quốc đại lục và vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc nằm trong top 20 sân bay “đội sổ”.

Hành khách mệt mỏi chờ đợi tại sân bay
Hành khách mệt mỏi chờ đợi tại sân bay vì chuyến bay bị hoãn

Đứng trước thực trạng là nước có tỷ lệ đúng giờ kém nhất thế giới, gây bức xúc và tổn thất về kinh tế cho hành khách, Trung Quốc tăng cường các biện pháp buộc các sân bay khắc phục tình trạng này.

“Đội sổ” vì thời gian cất cánh chậm nhất thế giới

Theo số liệu thống kê mới nhất về tình hình cất cánh đúng giờ tại 188 sân bay tầm trung và lớn trên thế giới do trang web FlightStats thực hiện, năm 2015, 14 sân bay của Trung Quốc đại lục và vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc (Hong Kong, Đài Loan) nằm trong top 20 sân bay “đội sổ” vì thời gian cất cánh chậm trễ nhiều nhất. Tất cả 14 sân bay này có tỷ lệ cất cánh đúng giờ dưới 60%.

So sánh để thấy, dù sân bay bận rộn nhất thế giới Haneda của Nhật phục vụ số chuyến bay thường niên cao hơn sân bay Pudong của Thượng Hải nhưng Haneda có tỷ lệ chuẩn giờ bay lên tới 92%, còn Pudong chỉ có 52%. Thậm chí, tình hình các sân bay “cao su” của Trung Quốc còn tồi tệ hơn trong năm 2014 khi chỉ có 1/3 các chuyến bay xuất phát từ các sân bay lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Đồng bằng Trường Giang (sân bay Pudong, sân bay Hồng Khẩu của Thượng Hải, sân bay tại Hàng Châu và Nam Kinh). Do đó, các sân bay này bị xếp vào hàng chậm trễ nhất thế giới, theo BBC.

Ông Danny Armstrong, Tổng giám đốc chi nhánh Trung Quốc thuộc Ngân hàng Quốc gia Australia thường xuyên phải di chuyển bằng máy bay nên quá quen với việc phải vắt óc lên phương án phòng khi chuyến bay bị hoãn. Có lần, vì bị hoãn chuyến Thượng Hải - Bắc Kinh, ông Armstrong buộc phải thuê cảnh sát hộ tống từ sân bay để đưa sếp từ Australia sang cho kịp giờ tới dự một cuộc họp cấp cao. “Lần đó, chúng tôi vừa kịp giờ. Nhưng cũng vì vậy mà tốn không ít tiền”, ông Armstrong chia sẻ và từ chối tiết lộ cụ thể số tiền phải chi để thuê cảnh sát.

“Chậm trễ giờ bay tác động rất lớn đến chúng tôi”, ông Ray Chisnall, Giám đốc Chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Cố vấn xây dựng Gleeds (Anh) cho biết và nói thêm: “Nếu bạn dành quá nhiều thời gian vào việc di chuyển, bạn sẽ không chỉ không nhận được phí mà còn mất việc của khách hàng, thời gian chờ đợi và di chuyển chính là thời gian chết”.

Với hàng chục nhân viên thường xuyên phải đi tới các công trình khắp Trung Quốc mỗi tháng, Công ty Gleeds buộc phải xoay xở để đối phó với tình hình trễ chuyến. Mỗi nhân viên đều phải trang bị điện thoại 4G để có thể làm việc khi bị kẹt hàng giờ tại sân bay trong khi hệ thống wifi ở đây tậm tịt. Ông Chisnall ước tính, các giám đốc cấp cao của công ty lãng phí khoảng 10 - 15% thời gian vì vất vưởng tại sân bay ở Trung Quốc.

Phạt nặng chậm giờ

Một trong những nguyên nhân gây ra chậm trễ tại sân bay là do hàng không phát triển quá nhanh trong khi hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. “Chính phủ Trung Quốc nhận rõ vấn đề bế tắc trên không phận”, David Yu, Giám đốc điều hành Cơ quan Quốc tế về hàng không Chi nhánh châu Á, cơ quan cố vấn có trụ sở tại Anh nhận định.

Do đó, Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng không phận cho các chuyến bay thương mại (80% không phận do quân đội quản lý, tỷ lệ này ở châu Âu hoặc Mỹ là 20%). Tháng 10 năm ngoái, chính quyền địa phương đã mở 13 không phận tầm thấp (dưới 1.000m) cho các chuyến bay thương mại. Tiếp đó, chính phủ dự định sẽ mở rộng không phận dành cho các chuyến bay thương mại ở tầm cao 3.000m. Đồng thời, cơ quan hàng không dân dụng cũng áp quy định tất cả các sân bay có 30 triệu hành khách/năm sẽ phải duy trì tỷ lệ đúng giờ bay trên 50%. Nếu không, các sân bay này sẽ bị phạt.

Mới đây nhất, hồi cuối tháng 10 vừa qua, giới chức thẳng tay phạt Sân bay quốc tế Pudong vì tỷ lệ chậm chuyến cao. So với mức sàn trên 50%, sân bay Pudong chỉ đạt 38% và đứng cuối bảng trong số các sân bay lớn nhất Trung Quốc về tỷ lệ đúng giờ bay. Theo đó, sân bay Pudong không được phép điều hành các chuyến bay mới/ bổ sung trong vòng hai tháng kể từ tháng 10.

Đây không phải lần đầu tiên sân bay Pudong bị phạt. Năm 2015, hãng này cũng bị phạt tương tự vì chậm trễ giờ bay. Quan chức sân bay Pudong đổ lỗi cho điều kiện thời tiết bất ổn là nguyên nhân chậm trễ. “Sân bay Pudong nằm gần biển nên đối mặt với tình hình sương mù nặng nề dẫn đến tình trạng hủy chuyến”, một quan chức giấu tên nói và lo ngại: “Nạn nhân thiệt hại nặng nhất từ lệnh trừng phạt này chính là các hãng hàng không. Họ sẽ lỡ mất cơ hội mở rộng kinh doanh”. Đồng thời, ông này kêu gọi “các hãng hàng không cũng phải cải thiện hiệu suất công việc để ngăn ngừa tình hình chậm chuyến”.

Trước đó, Sân bay quốc tế Bắc Kinh, các sân bay tại Hạ Môn và Nam Kinh đều đối mặt với các hình phạt tương tự.

 Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.