Góc nhìn

Trung Quốc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ chiến lược thế nào?

07/05/2018, 07:42

Trong giai đoạn này, việc hoạch định cán bộ cấp cao tại Bắc Kinh dựa trên những “quy định bất thành văn”

34

Các quan chức hàng đầu Trung Quốc trong ê-kíp của Chủ tịch Tập Cận Bình

Vấn đề quy hoạch nhân sự cấp cao ở Trung Quốc luôn được giới tinh hoa lãnh đạo của nước này coi là một phần công việc vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, cũng như hiện thực hóa giấc mơ biến quốc gia đông dân nhất thế giới này trở thành một siêu cường thực thụ trong tương lai không xa.

Các quy định bất thành văn

Dưới thời các cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, công tác quy hoạch, sắp xếp và bổ nhiệm cán bộ cấp chiến lược đã được nước này thực hiện khá bài bản. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, việc hoạch định cán bộ cấp cao tại Bắc Kinh được bố trí dựa trên nền tảng những “quy định bất thành văn” (không được thể chế, văn bản hóa một cách chính thức).

Ngoài các “quy định bất thành văn”, việc chuẩn bị nhân sự cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan Đảng và chính quyền ở Trung Quốc thời các ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào cũng dựa trên sự cân bằng phe phái trong việc lựa chọn thế hệ con cháu của các nhóm tinh hoa chính trị đã có công xây dựng và củng cố quốc gia lớn nhất châu Á.

Trong các thành viên cốt cán của Quân ủy T.Ư Trung Quốc chỉ có duy nhất Chủ tịch Tập Cận Bình là quan chức dân sự. Tất cả các Phó chủ tịch và các Ủy viên Quân ủy còn lại đều là các tướng lĩnh quân sự. Thực tế này cho thấy, khi ông Tập Cận Bình chưa để cấp phó dân sự trong Quân ủy T.Ư thì điều đó có nghĩa là ông còn nắm quyền lâu. Chính vì thế, ứng viên kế nhiệm ông Tập trong tương lai cũng chưa có ai “chắc suất”.

Tạp chí Kinh tế Chính trị của nhà xuất bản Minh Kính, Trung Quốc từng có nhận định cho rằng, từ thực tế quan sát và theo dõi các kỳ Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây cho thấy sự tồn tại của một số “quy định bất thành văn” cụ thể trong việc lựa chọn, thử thách và đề bạt cán bộ cấp cao ở nước này.

Dù tại Trung Quốc đang bắt đầu diễn ra xu thế thể chế hóa các quy định quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ cấp cao nhưng các “các quy định bất thành văn” được đề cập dưới đây khó có thể bị phá vỡ hoàn toàn trong thời gian ngắn gồm:

Thứ nhất, nguyên tắc “thất thượng bát hạ” ấn định độ tuổi của các lãnh đạo được tấn thăng vào Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nguyên tắc “thất thượng bát hạ” có nghĩa là những cán bộ cấp cao 67 tuổi có thể vào Bộ Chính trị nhưng đã bước sang tuổi 68 thì buộc phải về hưu để đảm bảo sức khỏe, sức sáng tạo trong lãnh đạo đất nước.

Nguyên tắc “thất thượng bát hạ” trong quy hoạch, bổ nhiệm quan chức cấp chiến lược ở Trung Quốc được cho là bắt đầu “ra đời” từ năm 2002. Tác giả của nó là nguyên Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và nguyên Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tăng Khánh Hồng. Sự ra đời của quy định “thất thượng bát hạ” có liên quan đến sự kiện về hưu của ông Lý Thụy Hoàn - cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc.

Thứ hai, những cán bộ cấp cao được lựa chọn đảm nhiệm các chức vụ như Tổng Bí thư T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng sẽ được đề bạt vào Thường vụ Bộ Chính trị trước một khóa để được bồi dưỡng và học tập các nhà lãnh đạo đương nhiệm.

Thông thường, khi đã được vào Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, các cán bộ cấp cao sẽ nắm quyền khoảng 2 khóa, tương đương khoảng thời gian 10 năm.

Tuy nhiên, tại phiên họp ngày 11/3 ở Bắc Kinh, khoảng 3.000 đại biểu Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp bao gồm 21 nội dung. Một trong những nội dung sửa đổi được thông qua, có điều khoản đáng chú ý nhất là xóa bỏ quy định không được phục vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tục đối với 2 chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch nước áp dụng kể từ năm 1982.

Quy định không được phục vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tục về cơ bản đã không bị xóa bỏ hoàn toàn, đặc quyền chỉ dành cho 2 chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch nước Trung Quốc (trong đó Phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn không phải thành viên Thường vụ Bộ Chính trị và cũng không phải Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19).

Thực tế cho thấy, tại Đại hội 17 diễn ra năm 2007, ông Tập Cận Bình khi đó mới được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị và tới tận năm 2012 nhà lãnh đạo này mới tiếp nhận chức Tổng Bí thư từ ông Hồ Cẩm Đào.

Người tiền nhiệm của ông Tập thậm chí còn phải có thời gian rèn luyện nhiều hơn ông. Ông Hồ Cẩm Đào được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc năm 1992 nhưng tới năm 2002 mới trở thành Tổng Bí thư kế nhiệm ông Giang Trạch Dân.

Thứ ba, các cán bộ nữ thường không được tấn thăng vào Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc nếu họ không phải là những trường hợp “hết sức đặc biệt”.

Thứ tư, các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc thường là những người xuất sắc, được lựa chọn từ các Ủy viên Bộ Chính trị đủ điều kiện. Trong trường hợp họ không phải là những trường hợp “rất đặc biệt” thì không thể được tấn thăng vượt cấp từ Ủy viên T.Ư lên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Ví dụ, cũng tại Đại hội 17, các ủy viên T.Ư khi đó là ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường là hai người duy nhất được tấn thăng vượt cấp vào Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc vì họ là những cán bộ “rất đặc biệt”, đã được lựa chọn để kế nhiệm các cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Chú trọng tiến cử, đề cao kinh nghiệm thực tế

Trong công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cấp chiến lược, tầng lớp tinh hoa Trung Quốc rất coi trọng sự tiến cử từ các lãnh đạo cấp cao tiền nhiệm. Tại Trung Quốc cũng có lệ “bất thành văn” nữa trong giới lãnh đạo tối cao đó là “quy trình bổ nhiệm cách đời”, cụ thể là Tổng Bí thư đời này có quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ tiến cử một ứng viên sáng giá nhất để Tổng Bí thư đời sau có thể cân nhắc thay thế mình.

Tính tới thời điểm hiện tại, “quy trình bổ nhiệm cách đời” vẫn chưa bị phá vỡ. Ông Hồ Cẩm Đào - người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình được cho là đã chọn ông Hồ Xuân Hoa (Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông) để ông Tập cân nhắc thay thế mình trong tương lai.

Tuy nhiên, do Trung Quốc đã bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước và tham vọng nắm quyền của Chủ tịch, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình còn rất dài nên ông Hồ Xuân Hoa có thể còn nhiều thời gian để thử thách, rèn luyện và học tập từ những nhà lãnh đạo cao hơn ông.

Khi tiến hành quy hoạch, tấn thăng các quan chức cấp chiến lược, giới lãnh đạo cấp cao đương nhiệm ở Bắc Kinh cũng rất đề cao đến trải nghiệm thực tế của các ứng viên.

Những cán bộ đã kinh qua các vị trí lãnh đạo cả ở địa phương lẫn T.Ư, có thời gian nhiều khóa là Ủy viên Bộ Chính trị hơn sẽ được ưu tiên lựa chọn và sắp xếp vào các vị trí lãnh đạo cấp cao hơn.

Trong quá khứ, tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình (Hồ Cẩm Đào) cũng từng là cán bộ nhiều năm ở T.Ư Đoàn, từng được đưa đi rèn luyện ở Quý Châu, Tây Tạng và trở lại T.Ư.

Bản thân ông Tập Cận Bình cũng là người có kinh nghiệm dày dặn. Ông Tập sau khi rèn luyện khả năng lãnh đạo ở địa phương đã được điều đi các nơi như: Phúc Kiến, Chiết Giang, Thượng Hải, Quân ủy T.Ư Trung Quốc và cuối cùng là được tấn thăng làm lãnh đạo cao nhất ở T.Ư.

Tại Trung Quốc, đối với cán bộ chiến lược ở cấp cao nhất, tức người sẽ được bổ nhiệm thay thế các chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, trước khi đảm nhận cương vị quyền lực tối cao sẽ được đưa vào nắm cương vị Phó chủ tịch Quân ủy T.Ư.

Điều kiện này (nắm chức Phó chủ tịch Quân ủy T.Ư) gần như là điều kiện bắt buộc trước khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một khi trong Quân ủy T.Ư xuất hiện 2 quan chức dân sự, một là Tổng Bí thư đương nhiệm (kiêm Chủ tịch Quân ủy T.Ư) và một người khác là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị (kiêm Phó chủ tịch Quân ủy T.Ư) thì nhân vật thứ hai này đã được mặc định là người kế nhiệm Tổng Bí thư.

Người nắm chức Phó Chủ tịch Quân ủy T.Ư khi đó đã được đưa vào Quân ủy T.Ư Trung Quốc để bồi dưỡng, rèn luyện, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để kiểm soát được quân đội.

Việc kiểm soát được quân đội là rất quan trọng với các nhà lãnh đạo chiến lược của Trung Quốc bởi người Trung Quốc có câu “chính quyền bước ra từ nòng súng” - tức là chỉ có ai có thể kiểm soát hoàn toàn quân đội thì người đó mới thực sự có quyền lực tuyệt đối để lãnh đạo đất nước.

Quân ủy T.Ư Trung Quốc là cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các lực lượng vũ trang Trung Quốc như: Quân Giải phóng nhân dân; Cảnh sát Vũ trang nhân dân; Dân binh Trung Quốc. Quân ủy T.Ư Trung Quốc hiện nay do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu. Hai Phó chủ tịch gồm các ông Hứa Kì Lượng (Thượng tướng Không quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị), Trương Hựu Hiệp (Thượng tướng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 19; nguyên Chủ nhiệm Bộ Phát triển trang bị Quân ủy T.Ư Trung Quốc).

Các Uỷ viên Quân ủy T.Ư Trung Quốc gồm 4 người gồm: Ngụy Phượng Hòa (Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc); Miêu Hoa (Đô đốc Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc); Lý Tác Thành (Thượng tướng, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy T.Ư Trung Quốc); Trương Thăng Dân (Thượng tướng, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy T.Ư Trung Quốc).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.