Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc sẽ làm gì để có thể vượt mặt được kinh tế Mỹ trong vài năm tới?

29/12/2020, 15:52

Trung Quốc đã thay đổi chiến lược kinh tế chưa từng có, để có thể phát triển mạnh bất chấp thương chiến với Mỹ và dịch bệnh trong 5 năm tới.

img

Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tập trung khai thác hết tiềm lực phát triển của thị trường trong nước

Điều khiến Mỹ lo lắng nhất trong vài năm gần đây đó là bị Trung Quốc vượt mặt, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang hiển hiện ngày càng rõ nét, thậm chí thời gian trở thành hiện thực được ước tính rút ngắn hơn 5 năm. Vậy chính sách nào có thể sẽ giúp Trung Quốc vươn lên và chiếm ngôi của Mỹ (theo dự đoán) bất chấp dịch bệnh hoành hành toàn cầu?

Chú trọng chất lượng hơn số lượng

Theo báo cáo thường niên mới nhất từ tổ chức cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Doanh nghiệp và Kinh tế (CEBR), Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2028, rút ngắn khoảng 5 năm so với ước đoán trước đó.

Và cách kinh tế Trung Quốc vận hành và phát triển trong thời gian tới rất khác biệt. Đó là, thay vì đặt mục tiêu tham vọng, tập trung đầu tư mạnh, kích cầu, tăng cường thương mại quốc tế… Bắc Kinh quay về, tập trung vào thị trường nội địa, kích thích nhu cầu trong nước trên nền điều kiện kinh tế phức tạp nhất do đại dịch.

Chiến lược này vừa được hé lộ trong tuyên bố mới nhất từ tân Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao. Ông Wang cho biết, trong tương lai gần, Bắc Kinh sẽ không ưu tiên các vấn đề liên quan tới thương chiến với Mỹ mà sẽ coi thị trường nội địa là cơ sở của chiến lược "tuần hoàn kép", tức là cả thị trường nội địa, quốc tế tác động và thúc đẩy lẫn nhau. Đây là chiến lược được vạch ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, dự kiến sẽ được công bố chính thức vào tháng 3/2021.

Đáng chú ý nhất, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc không đặt ra mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời, chính quyền Bắc Kinh chú trọng vào chất lượng hơn số lượng, tập trung vào chính sách xã hội và các biện pháp cải thiện đời sống cho người dân.

Hãng tin Sputnik dẫn lời Giáo sư Liu Ying, một chuyên gia về thương mại và quan hệ quốc tế từ Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang, Đại học Nhân dân Trung Quốc đánh giá, đây là sự thay đổi quan trọng nhất vì tạo cơ sở, từ đó đạt mục tiêu phát triển kinh tế chất lượng cao, xây dựng những cực tăng trưởng mới theo chiến lược tuần hoàn kép.

Cùng lúc, Trung Quốc vẫn thực hiện các biện pháp hỗ trợ, kính thích kinh tế như phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ cho hoạt động phòng chống và kiểm soát dịch; tăng mức thu nhập cá nhân tối đa mới phải chịu thuế lên 5.000 nhân dân tệ; cắt giảm thuế… Trong ngắn hạn, các biện pháp kích thích này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Riêng trong quý II, kinh tế Trung Quốc chứng kiến tăng trưởng trở lại ở mức 4,9%.

Quay về tập trung khai thác hết tiềm lực nội địa

Song Bắc Kinh không thể duy trì trợ cấp mãi. Về dài hạn, Bắc Kinh đang tìm kiếm những cách thức khác vừa phát triển kinh tế vừa giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài và thị trường nước ngoài.

Sở dĩ Trung Quốc nhấn mạnh và việc giảm phụ thuộc nước ngoài vì dù tân Tổng thống Mỹ có loại bỏ một số biện pháp hạn chế và thuế quan mà người tiền nhiệm Donald Trump đã áp với Trung Quốc, triển vọng quan hệ Mỹ-Trung vẫn không mấy tươi sáng.

Ngoài ra, đối lập với tình hình kinh tế quốc tế đang bị suy giảm vì dịch bệnh, mức sống ở Trung Quốc lại không ngừng tăng cao. GDP bình quân/người đã tăng từ 3.468 USD trong năm 2008 lên 8.033 USD trong năm 2015 (gấp 2,5 lần). Dự báo, tới năm 2023, Trung Quốc sẽ lọt vào nhóm các quốc gia có thu nhập cao. Như vậy, tiềm năng của tầng lớp trung lưu đại lục lớn rất.

Vì lẽ đó, sau 3 năm chỉ tập trung vào giải quyết tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ và khôi phục hợp tác bình thường, hiện nay Trung Quốc sẽ tập trung vào việc tăng cường sự độc lập về kinh tế và chủ chốt là mở ra tiềm năng của thị trường nội địa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.