Thị trường

Trung Quốc "siết" nhập khẩu, doanh nghiệp Việt cần bỏ tư duy "nhờ vả"

02/12/2021, 17:05

Quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu của Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022, nhưng nhiều DN Việt vẫn loay hoay.

Những quy định khắt khe về nhập khẩu của Trung Quốc như Lệnh 248 (Quy định Đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm), Lệnh 249 (Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu) khiến không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải loay hoay, bởi trước đây, nhiều đơn vị vẫn “làm ăn chộp giật” khi xem đây là thị trường dễ tính.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – NN&PTNT) cho biết, dù chỉ còn một tháng nữa là các quy định mới có hiệu lực, nhưng rất nhiều DN xuất khẩu vẫn có tư duy “nhờ vả”.

img

Sản phẩm thủy sản, cần ghi rõ đánh bắt ở đâu, tọa độ nào, thuộc huyện, tỉnh nào và cập nhật trên hệ thống khai báo theo quy định mới

“Có những ngày văn phòng nhận được không dưới 10 lần liên hệ của một DN, nhưng khi trả lời rồi, họ vẫn hỏi đi hỏi lại xung quanh vấn đề trước đó. Khi được hỏi đã đọc văn bản chưa, hầu như những đơn vị đều bảo “chưa”. Nhiều DN cũng không ngần ngại nhờ làm hộ vì “lười hiểu” những hướng dẫn chi tiết văn phòng đã công khai. Trong khi, việc thực hiện phải do chính họ làm vì liên quan đến bảo mật và cũng thể hiện sự hiểu biết thị trường”, TS Nam nói.

Không riêng gì Trung Quốc, mà EU và nhiều thị trường khác cũng sẽ liên tục có thay đổi về quy định nhập khẩu. TS Ngô Xuân Nam nhấn mạnh: “Đơn vị sản xuất phải thay đổi nhận thức về an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng hàng nông sản; Nâng cao trình độ chuyên môn cho các đối tượng có liên quan”.

Theo ông Nam, trong 2 lệnh mới, Trung Quốc sẽ siết các quy định về an toàn thực phẩm.

Trong đó, sẽ có 18 sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh, gồm thịt và sản phẩm từ thịt; Sản phẩm thuỷ sản; Sản phẩm sữa; Rau tươi và rau tách nước, đậu khô, gia vị, các loại hạt và hạt giống, hạt ca cao, cà phê chưa rang, thực phẩm dinh dưỡng… đều phải đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Nước này cũng sẽ thiết lập chế độ kiểm tra, đánh giá đến từng DN ở nước xuất khẩu đảm bảo truy xuất nguồn gốc và truy hồi sản phẩm theo yêu cầu.

Chẳng hạn, các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này ngoài việc công bố nguồn gốc, có bao bì, thương hiệu rõ ràng và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã đăng ký, còn phải cập nhật trên hệ thống quá trình ghi chép sản xuất, chế biến hằng ngày.

“Như sản phẩm thủy sản, cần ghi rõ đánh bắt ở đâu, tọa độ nào, thuộc huyện, tỉnh nào và cập nhật trên hệ thống.

DN đáp ứng điều kiện xuất khẩu, nhưng khi cơ quan chức năng nước này kiểm tra trực tuyến đột xuất phát hiện có công nhân đeo khẩu trang không đúng cách, nhà máy có mạng nhện, không có kệ đặt hàng… là có thể bị xử lý, thậm chí thu hồi mã đăng ký. Lúc đó, DN phải làm lại hồ sơ mới tiếp tục được xuất khẩu”, ông Nam chia sẻ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá: Quy định này sẽ gây khó cho những đơn vị sản xuất, cơ sở chế biến, vùng nuôi trồng nhỏ lẻ. Điều này buộc các đơn vị phải nâng cấp và quan tâm hơn vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng, bao bì, thương hiệu…

"Trung Quốc giờ không còn là thị trường xuất khẩu dễ tính. Họ đòi hỏi các DN, nhà sản xuất Việt Nam cần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận để có thể giữ vững thị phần xuất khẩu sang thị trường hơn 1,3 tỷ dân này”, ông Hòe cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.