Thế giới giao thông

Trung Quốc “soi” đạo đức công dân để ưu tiên lên tàu

10/08/2021, 06:58

Hệ thống tàu điện ngầm Bắc Kinh sẽ thử nghiệm phương án cho phép hành khách có tín nhiệm xã hội cao được lên tàu trước.

Trong năm nay, hệ thống tàu điện ngầm Bắc Kinh sẽ thử nghiệm phương án cho phép hành khách có tín nhiệm xã hội cao (không vi phạm pháp luật, chấp hành tốt tất cả các chủ trương, chính sách của Nhà nước) được lên tàu trước để hạn chế ùn ứ tại khu vực làm thủ tục an ninh.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, giải pháp này có nguy cơ vi phạm quyền riêng tư, rò rỉ thông tin.

img

Cảnh hành khách chen chúc chờ lên tàu điện ngầm tại Bắc Kinh

Đánh giá “công dân tốt” như thế nào?

Phương án thành lập các “danh sách trắng” sẽ được thử nghiệm trên 7 nhà ga tàu điện ngầm Bắc Kinh, áp dụng với hành khách có điểm tín nhiệm tốt, từng sử dụng tàu điện ngầm hơn 10 lần.

Để vào danh sách này, hành khách có thể đăng ký qua trực tuyến, thực hiện thao tác nhận diện khuôn mặt, nộp đơn đăng ký thông qua ứng dụng điện thoại.

Kết hợp các công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, nhận diện khuôn mặt và dữ liệu điểm tín nhiệm xã hội, hệ thống sẽ xác nhận người có điểm tín nhiệm tốt.

Khi đó, những khách trong “danh sách trắng” sẽ nhanh chóng được vào bên trong nhà ga mà không phải qua nhiều bước kiểm tra an ninh gồm rà soát toàn thân, soi chiếu hành lý như hiện tại.

Thậm chí, nếu hành khách chỉ mang túi xách tay nhỏ sẽ được vào nhà ga tàu điện ngay lập tức.

Trung Quốc đã xây dựng và ứng dụng hệ thống xét điểm tín nhiệm xã hội từ năm 2014. Công dân được xếp hạng dựa vào hành vi trên 4 lĩnh vực: Hoạt động hành chính, mua bán, hành vi xã hội và vi phạm pháp luật.

Mọi thông tin và hành vi vi phạm quy tắc xã hội dù rất nhỏ của công dân như mở nhạc quá to nơi công cộng, vứt rác bừa bãi, nợ nần cho đến tiền án, tiền sự… đều được lưu trữ và lấy làm căn cứ để xếp hạng.

Riêng tại Bắc Kinh, Ủy ban Giao thông thành phố còn công bố bộ quy tắc ứng xử với hành khách trên tàu điện ngầm trong đó cấm những hành vi không văn minh như ăn trên tàu, mang đồ vật cấm lên tàu. Tất cả cũng được tính vào hệ thống điểm tín nhiệm.

Người làm nhiều việc tốt sẽ được cộng điểm, được hưởng nhiều quyền lợi như giảm giá khi mua sắm, tiếp cận dịch vụ tốt, nhanh hơn. Người ở hạng công dân không văn minh sẽ bị phạt như cấm mua vé máy bay, tàu…

Giải quyết bài toán tắc nghẽn cửa an ninh

Tàu điện ngầm tại Trung Quốc bắt đầu kiểm soát an ninh chặt chẽ như sân bay kể từ khi xảy ra vụ khủng bố nghiêm trọng gây chết người tại nhà ga đường sắt Côn Minh, Trung Quốc năm 2014.

Các chuyên gia như ông Gal Luft, Giám đốc điều hành Viện Phân tích An ninh Toàn cầu nhận định, hệ thống tàu điện ngầm luôn là mục tiêu hấp dẫn nhất với những kẻ khủng bố.

Chỉ một vụ nổ cũng có thể khiến hàng nghìn người bị mắc kẹt, làm phức tạp, khó khăn cho công tác cứu hộ.

Ngoài ra, hệ thống tàu điện ngầm có liên kết với hạ tầng trọng yếu dưới lòng đất như cáp, hệ thống thoát nước, đường dây điện nên một vụ tấn công có thể gây ảnh hưởng trên diện rộng.

Vì lượng khách quá lớn, riêng hệ thống tại Bắc Kinh mỗi tuần phục vụ tới 12 triệu lượt, nên thường xuyên xảy ra tình trạng hành khách xếp hàng dài chờ qua cửa kiểm soát an ninh.

Thời gian chờ thường là 10 phút, nhiều khi lên tới 20-30 phút trong 2 giờ cao điểm sáng và tối. Hành khách bức xúc, nhân viên an ninh quá tải.

Do đó, ông Zhan Minghui, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Lưu lượng Tàu Bắc Kinh cho rằng, việc áp dụng công nghệ trong kiểm soát an ninh là một trong những cách tốt nhất để giải quyết bế tắc.

Nguy cơ vi phạm quyền riêng tư, rò rỉ thông tin

img

Nhiều hệ thống tàu điện ngầm tại Trung Quốc ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt

Theo Global Times, hệ thống tàu điện ngầm Bắc Kinh từng thử nghiệm phương án kiểm soát an ninh qua hệ thống điểm tín nhiệm tại nhà ga Fuchengmen trong năm 2019.

Theo đó, hành khách có thể đăng ký “đi làn ưu tiên” thông qua ứng dụng điện thoại Yitongxing và quét nhận diện khuôn mặt khi vào nhà ga.

TP Quảng Châu cũng thử nghiệm “làn nhanh” với các hoạt động tương tự trên hệ thống tàu điện ngầm dành cho những người có tín nhiệm tốt từ năm 2018. Bộ Công an Trung Quốc đã cấp quyền cho ban quản lý tàu điện ngầm thành phố tiếp cận thông tin hành khách cho mục đích kiểm tra an ninh.

Quảng Châu cho phép hành khách tự nguyện đăng ký tham gia lan nhanh và thu thập ý kiến để tiến tới mở rộng. Đến nay, dự án này vẫn đang là thử nghiệm chưa phát triển rộng trên toàn hệ thống.

Ông Xie Yongjiang, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu luật và quản lý internet thuộc Đại học Bưu điện Bắc Kinh đánh giá, cách ứng dụng công nghệ, hệ thống tín nhiệm xã hội sẽ tạo thuận tiện cho hành khách.

Chỉ có điều, hiện tại hệ thống tín nhiệm xã hội chưa hoàn hảo, chỉ nên thực hiện các dự án thử nghiệm trên quy mô nhỏ. “Nếu vội vàng ứng dụng trên quy mô lớn là không phù hợp và tiềm ẩn nguy cơ vi phạm quyền riêng tư và rò rỉ thông tin cá nhân”, chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh.

Ông Xie đề xuất, Chính phủ phải hoàn thiện luật pháp về việc sử dụng dữ liệu hệ thống tín nhiệm để hạn chế tối đa rủi ro.

Đồng tình với ý kiến trên, Giáo sư Zhu Tao làm việc tại Đại học Công nghệ Bắc Kinh cũng quan ngại về vấn đề chia sẻ dữ liệu khi hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội tại Trung Quốc vẫn còn chưa hoàn thiện.

Theo số liệu chính thức đến năm 2018, riêng Bắc Kinh có gần 30.000 nhân viên an ninh làm việc tại 882 điểm kiểm tra. Chi phí cho nhiệm vụ này khoảng 1,7 tỉ nhân dân tệ/năm (tương đương khoảng 260 triệu USD).

Theo khảo sát nhân viên an ninh do Báo Beijing Evening News thực hiện năm 2016, trung bình mỗi ngày xảy ra 4 cuộc cãi vã giữa khách và nhân viên an ninh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.